Xác định phát triển kinh tế biển là mũi nhọn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Triệu Lăng đã có nhiều giải pháp về nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản. Đến nay, xã có hơn 250 thuyền máy với tổng công suất hơn 3.570 CV. Ngư dân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến ngư lưới cụ đánh bắt, mở rộng đa nghề nên sản lượng và giá trị đánh bắt thủy sản hàng năm đạt khoảng 1.700 tấn.
Ông Lê Xuân Lộc, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Lăng cho biết, sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước như gạo, tiền mặt, cấp ủy, chính quyền xã Triệu Lăng nhanh chóng tham mưu cho tỉnh, huyện ban hành chính sách chuyển đổi nghề thông qua xuất khẩu lao động, đào tạo nghề, tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để phát triển trang trại, gia trại giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Sau khi nhà nước công bố biển đã cơ bản an toàn, xã Triệu Lăng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân khôi phục đánh bắt nuôi trồng thủy sản. 4 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn xã đã phát triển nuôi 75 ha tôm thẻ chân trắng, thu về hơn 103 tấn tôm, doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 10 tỷ đồng.
Việc khai thác thủy sản trên biển cũng đạt 55,5 tấn, doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng. Trước đó, vào cuối năm 2016, tuy bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, toàn xã vẫn nuôi 60 ha tôm thẻ chân trắng, sản lượng thu hoạch 520 tấn, đạt 90 tỷ đồng, lãi khoảng 25 tỷ đồng.
Cùng với phát triển mạnh ngành thủy sản, xã Triệu Lăng đã quy hoạch, cải tạo diện tích đất nhằm khai thác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, thay thế những cây năng suất thấp bằng những cây giống mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Diện tích gieo trồng bình quân hàng năm của xã đạt gần 100 ha. Ngoài ra, toàn xã có hơn 200 ha đất lâm nghiệp.
Năm 2016, toàn xã khai thác trên 2.500 m3 gỗ các loại cho thu nhập trên 1,3 tỷ đồng. Với các nguồn thu từ trồng trọt, chăn nuôi và các nguồn thu khác, năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 28,15 triệu đồng. Đối với xây dựng nông thôn mới (NTM), mặc dù là một xã vùng biển còn nhiều khó khăn nhưng ngay từ khi triển khai, Đảng bộ xã nắm bắt tình hình thực tế và nguyện vọng của nhân dân đã ban hành nghị quyết chuyên đề, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, đoàn thể, nhân dân chung tay thực hiện tích cực.
UBND xã rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, nơi nào đất chưa sử dụng giao cho người dân sản xuất nông nghiệp; xây dựng mô hình sản xuất theo hướng gia trại, trang trại, áp dụng khoa học kỹ thuật cao; đầu tư hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi đồng bộ; hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi để người dân phát triển sản xuất.
Đến nay, toàn xã còn 150 hộ nghèo, chiếm 13,66%, 90 hộ cận nghèo, chiếm 8,1%. 100% người dân tham gia các loại hình bảo hiểm y tế. Xã duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020. Chỉ số cải cách hành chính của xã hàng năm được đánh giá loại tốt... Với quyết tâm cao, xã đã xây dựng được 13/19 tiêu chí NTM.
Lý giải về kết quả đạt được đó, ông Lê Xuân Lộc, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước các cấp, sự nỗ lực của người dân thì vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và các thôn của xã Triệu Lăng đúng đắn, kịp thời. Trên lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ xã đặc biệt quan tâm đến công tác chính trị tư tưởng, tổ chức, kiểm tra và công tác dân vận.
Thường xuyên cập nhật phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sau một thời gian triển khai chỉ thị, nghị quyết của đảng các cấp, Đảng bộ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện, kịp thời khắc phục khó khăn, bổ sung nhiều giải pháp có tính khả thi.
Hàng năm, Đảng bộ xã xây dựng chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, 100% cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, đảng viên thực hiện nghiêm túc. Từ đó, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp ngày càng thể hiện rõ nét hơn trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Để đẩy mạnh xây dựng NTM, ngoài tăng cường đầu tư nguồn lực của nhà nước, sự đóng góp tích cực của người dân, UBND xã Triệu Lăng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với các nguồn vốn ngân hàng; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nhất là phát triển nuôi bò nhốt.
Hiện nay, toàn xã có khoảng 20 hộ dân nuôi bò nhốt với gần 100 con. Tuy nhiên, người dân rất cần được nhà nước đầu tư vốn và hướng dẫn cải tạo đất trồng cỏ để phát triển mạnh nuôi bò nhốt, mở ra một hướng đi mới trong chăn nuôi.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn