Hải Lăng đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Thứ hai - 26/06/2017 03:56
Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua huyện Hải Lăng đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện các giải pháp phát triển một số cây trồng, con nuôi chủ lực và một số mô hình sản xuất hiệu quả cao. Trong giai đoạn mới, huyện tiếp tục hỗ trợ cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng sản xuất, canh tác hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao trình độ thâm canh.
Mô hình nuôi bò lai nhốt chuồng ở huyện Hải Lăng
Mô hình nuôi bò lai nhốt chuồng ở huyện Hải Lăng

Đến nay, ngoài các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống, huyện Hải Lăng đã tập trung phát triển một số cây trồng, vật nuôi chủ lực có hiệu quả kinh tế cao như cây ăn quả, lúa chất lượng cao, các loại cây hoa màu trên vùng cát, vùng ven biển. Ngoài ra, thời gian qua đã hình thành một số mô hình sản xuất mới ở xã Hải Phú như: Trồng chè vằng 3 ha; trồng cà gai leo tại thôn Long Hưng; thử nghiệm nuôi cá chép giòn, trồng măng tây. Chỉ đạo một số đơn vị sản xuất lúa hữu cơ tại xã Hải Quế (tổng diện tích 3 ha) sử dụng giống lúa HC 95 với giá lúa được bao tiêu 14.500 đồng/kg.

 

Thử nghiệm sử dụng phân bón nhãn hiệu Ong Biển cho cây lúa tại HTX Đại An Khê (5 ha), Diên Khánh (6,2 ha), Thọ Nam (4 ha) và bón cho cây hồ tiêu ở xã Hải Chánh (2 ha). Tiến hành tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất thâm canh cho các đơn vị xây dựng vùng sản xuất tập trung cánh đồng lớn. Chỉ đạo nuôi cá thâm canh, bán thâm canh để tăng năng suất. Chú trọng đến những vùng nuôi cá tập trung có nguồn nước sạch, việc cấp và thoát nước vào ao nuôi thuận lợi; phát triển nuôi cá lồng ở các sông Ô Lâu, Ô Giang và ở một số hồ đập chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp như hồ Miếu Bà ở Hải Sơn...

 

Để đẩy mạnh đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ngày 26/5/2017 HĐND huyện Hải Lăng đã thông qua nghị quyết về hỗ trợ một số cây trồng, con nuôi có hiệu quả, tiềm năng phát triển, tạo sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, nghị quyết sẽ tập trung mọi nguồn lực thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất một số cây trồng, con nuôi; từng bước chuyển từ phát triển sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đảm bảo lợi ích hài hoà về kinh tế, xã hội và môi trường, gắn kết với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng và phát triển nền sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và lợi thế cạnh tranh cao.

 

Các chính sách sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại, gia trại, hộ gia đình tham gia phát triển cây lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, lúa hữu cơ, cây cam, cây tiêu, rau củ-quả, cây làm nguyên liệu chế biến dược liệu, bò lai, lợn lai, lợn ngoại và nuôi cá nước ngọt. Đối với mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình có tính đặc thù, huyện sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp. Về sản xuất cây lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, lúa hữu cơ, sẽ ưu tiên phát triển giao thông, điện, hỗ trợ một phần chi phí san ủi mặt bằng tạo vùng sản xuất tập trung đối với đơn vị xây dựng vùng sản xuất cánh đồng lớn đạt diện tích tập trung > 20 ha/vùng đối với lúa thương phẩm hoặc > 10 ha/vùng đối với sản xuất lúa giống và không quá 20 hộ tham gia/cánh đồng.

 

Hỗ trợ một phần kinh phí cho các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất dưới dạng thuê đất, chuyển nhượng đất... và đầu tư sân phơi, máy sấy nông sản. Hỗ trợ 50% giá giống lúa mới có triển vọng, được huyện khuyến khích, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật đối với những đơn vị xây dựng mới cánh đồng lớn trong vụ đầu với quy mô tập trung liên vùng. Hỗ trợ 10 triệu đồng/ha đối với những đơn vị tham gia sản xuất lúa hữu cơ, không sử dụng thuốc BVTV và phân hóa học với quy mô liền vùng từ 2 ha trở lên có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ 100% giá giống đối với những đơn vị có hợp đồng với các công ty để sản xuất lúa hữu cơ với quy mô liền vùng từ 3 ha trở lên có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

 

Mỗi xã chỉ được hỗ trợ tối đa 10 ha để làm mô hình. Hàng năm huyện có chính sách hỗ trợ đối với việc khảo nghiệm, thử nghiệm những giống mới để có cơ sở đánh giá, chọn lọc, nhân rộng. Hỗ trợ 50% giá giống cây ăn quả có múi đầu tư trồng mới. Ưu tiên phát triển giao thông, điện để xây dựng vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật đối với các đơn vị áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, sạch. Hỗ trợ 30.000 đồng/trụ tiêu đối với hộ trồng tiêu thâm canh tập trung đạt quy mô từ 500 m2 (tương đương 70 trụ tiêu) trở lên; ưu tiên phát triển giao thông, điện để xây dựng vùng trồng tiêu chuyên canh.

 

Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và ứng dụng tiến bộ KHKT để phát triển cây tiêu. Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị , máy móc, chuyển giao công nghệ sản xuất các loại rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ, tạo điều kiện cho thuê đất, xúc tiến thương mại cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm đăng ký chất lượng an toàn. Ưu tiên phát triển giao thông, điện để xây dựng vùng sản xuất rau màu, khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ theo định mức 1.000 đồng/m2 đối với mô hình trồng cây làm nguyên liệu chế biến dược liệu (chè vằng, cà gai leo, nghệ) với diện tích tập trung đạt quy mô từ 500m2 trở lên đảm bảo quy trình kỹ thuật...

 

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, chính sách sẽ hỗ trợ cụ thể theo từng loại con nuôi chủ lực. Về bò, sẽ hỗ trợ lãi suất vay vốn mua con giống bò nuôi; hỗ trợ trồng cỏ. Cụ thể, huyện hỗ trợ 5 triệu đồng/ hộ đối với những hộ nuôi bò lai đạt 15 con trở lên; hỗ trợ chi phí 2.600 đồng/m2 với diện tích cỏ trồng mới đạt quy mô 500m2 trở lên. Chăn nuôi lợn sẽ khuyến khích nuôi theo công nghệ mới, cung cấp thịt sạch, có cam kết không gây ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn trong vòng 2 năm để mua giống đối với từng mô hình chăn nuôi theo từng quy mô khác nhau.

 

Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện hỗ trợ 2,5 triệu đồng/hộ đối với các hộ nuôi lợn làm hầm khí biogas bằng chất liệu composite hoặc hầm xây, thể tích từ 8m3 trở lên. Khuyến khích người dân làm lồng mới để nuôi cá: Hỗ trợ 3 triệu đồng/lồng đối với lồng kim loại không rỉ (nhôm, inox...) thể tích 8m3 trở lên để ươm, nuôi cá chình lồng; hỗ trợ 1 triệu đồng/lồng đối với lồng bằng tre, lưới... thể tích đạt 8m3 trở lên để ương, nuôi cá nước ngọt. Đối với những hộ nuôi cá thâm canh thực hiện theo Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND ngày 14/9/2015 của UBND tỉnh Quảng Trị: “Cho vay hỗ trợ lãi suất 3 năm đối với hộ gia đình nuôi cá nước ngọt theo hình thức thâm canh, quy mô tập trung có diện tích mặt nước từ 1.000m2 trở lên.

 

Định mức vay từ 150 triệu đồng/ha”. Ngoài các chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng loại cây trồng, con nuôi chủ lực trong giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025, nghị quyết cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể để thực hiện. Theo đó, phấn đấu giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đất nông nghiệp đạt 80-90 triệu đồng vào năm 2020 và đạt 90- 100 triệu đồng vào năm 2025.

 

Mục tiêu cụ thể một số cây trồng, con nuôi có hiệu quả, tiềm năng phát triển, tạo sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như sau: Lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, lúa hữu cơ: Năm 2020 đạt 8.500 ha, năm 2025 đạt 9.000 ha. Cây ăn quả có múi tập trung: Năm 2020 đạt 70 ha, năm 2025 trên 150 ha. Cây tiêu: Năm 2020 đạt 100 ha, năm 2025 trên 150 ha. Rau-củ-quả các loại: Trồng rau thủy canh, dưa lưới ứng dụng công nghệ cao để từng bước nhân rộng. Cây làm nguyên liệu chế biến dược liệu: Khuyến khích phát triển một số cây dược liệu như: cây chè vằng, cà gai leo, nghệ...

 

Năm 2020, tổng đàn bò 10.500 con, duy trì đến năm 2025. Năm 2020, tổng đàn lợn 70.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9.500 tấn/năm. Năm 2025, tổng đàn lợn 75.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 10.000 tấn/năm. Đến năm 2020, có trên 480 ha nuôi cá nước ngọt, sản lượng 800 tấn/năm; năm 2025, có trên 500 ha, sản lượng 900 tấn/năm.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập188
  • Hôm nay1,124
  • Tháng hiện tại31,673
  • Tổng lượt truy cập9,581,258
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây