Giải pháp đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 29/05/2017 20:29
Mặc dù còn nhiều việc phải làm nhưng huyện Cam Lộ vẫn quyết tâm xây dựng trở thành huyện nông thôn mới (NTM) đầu tiên của tỉnh vào năm 2018. Ngày 14/8/2015, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xây dựng Nghị quyết số 01 về xây dựng NTM, với quyết tâm năm 2018 có 100% xã đạt chuẩn NTM.
Đồng chí Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng công nhận các xã đạt chuẩn NTM năm 2016
Đồng chí Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng công nhận các xã đạt chuẩn NTM năm 2016

Theo đó, huyện Cam Lộ tập trung xây dựng các đề án: Nâng cao hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương; Phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng NTM giai đoạn 2017- 2020; Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng ở các thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện. Đồng thời ban hành một số tiêu chuẩn xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu. Các đề án đã được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và HĐND huyện thông qua.

 

Trong đó, lấy Đề án Nâng cao hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương làm trọng tâm nhằm khai thác hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của huyện. Đề án đã đưa ra các chính sách hỗ trợ cụ thể như: Hỗ trợ dồn điền đổi thửa, chuyển nhượng để tích tụ ruộng đất đầu tư sản xuất quy mô lớn; hỗ trợ đầu tư phát triển khuyến nôngkhuyến ngư, liên kết xây dựng cánh đồng mẫu; hỗ trợ lãi suất ngân hàng thương mại cho các hộ gia đình vay vốn thành lập trang trại, gia trại trong vùng quy hoạch. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng quy hoạch, liên kết sản xuất tập trung và cây trồng… góp phần nâng cao giá trị kinh tế của ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

 

Đến nay, huyện Cam Lộ đã có 4 xã được công nhận đạt NTM, dự kiến năm 2017 có thêm 3 xã đạt chuẩn, năm 2018 xã cuối cùng của huyện đạt NTM và huyện Cam Lộ trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh. Huyện Đakrông đến thời điểm này là địa phương đạt tiêu chí xây dựng NTM thấp nhất tỉnh. Bởi khi khởi động xây dựng NTM, các tiêu chí NTM của huyện hiện có rất thấp, trong đó có 3 xã không đạt tiêu chí nào là Ba Nang, A Vao, Tà Long, xã đạt cao nhất mới 4 tiêu chí là Hải Phúc, 9 xã còn lại đạt từ 1- 3 tiêu chí. Các xã xây dựng NTM đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Huyện đang phấn đấu từ năm 2017 đến 2020, mỗi năm xây dựng cho được 1 xã đạt NTM.

 

Hiện có 6 xã đạt 10 tiêu chí là Triệu Nguyên, Hải Phúc, Ba Nang, A Bung, Mò Ó và A Ngo, các xã còn lại đạt từ 6 đến 8 tiêu chí. Hiện nay toàn tỉnh có 31/117 xã được công nhân đạt NTM, chiếm 26,5% số xã của tỉnh, tiêu chí bình quân của toàn tỉnh là 13,35 tiêu chí/xã, trong đó số xã đạt từ 15- 18 tiêu chí là 13 xã, có 50 xã đạt từ 10- 14 tiêu chí, 23 xã đạt 5- 9 tiêu chí. Phấn đấu đến cuối năm 2018 có 2 huyện đầu tiên của tỉnh là Cam Lộ và Vĩnh Linh đạt huyện NTM. Tuy nhiên có một thực tế đang đặt ra là kết quả xây dựng NTM không đồng đều giữa các địa phương. Ô nhiễm môi trường ở nông thôn có chiều hướng gia tăng. Việc áp dụng cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM chưa được triển khai thực hiện có hiệu quả.

 

Mới đây, trong hội nghị tổng kết về công tác xây dựng NTM năm 2016 do UBND tỉnh tổ chức, Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh và huyện đều có chung nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đó là do công tác tuyên truyền, vận động mặc dù được chú trọng nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức rõ và đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa của việc xây dựng NTM; còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước; ý thức chủ động, tự giác tham gia vào xây dựng NTM chưa cao, nhất là đối với người dân ở các huyện miền núi. Một số sở, ban, ngành là thành viên ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, huyện chưa thực sự vào cuộc và thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công như theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn, bám sát các địa bàn được phân công phụ trách. Công tác lồng ghép các chương trình, dự án, thực hiện cơ chế đặc thù và huy động nguồn lực trong nhân dân chưa cao…

 

Trước thực trạng đó, đồng chí Ngô Quang Chiến, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, trong thời gian tới huyện Cam Lộ sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị về xây dựng NTM. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng, số lượng các tiêu chí xây dựng NTM; huy động, lồng ghép, bố trí nguồn lực cho chương trình, đồng thời đẩy mạnh phân cấp đầu tư, khuyến khích giao cho cộng đồng dân cư hưởng lợi thực hiện các công trình có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản theo cơ chế đầu tư đặc thù.

 

UBND huyện Cam Lộ đề nghị tỉnh cần xây dựng đề án về các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Hỗ trợ thêm nguồn vốn cho huyện về đích NTM trong năm 2018 ngoài định mức cân đối ngân sách NTM hàng năm được tỉnh hỗ trợ để hoàn thành kế hoạch. Đặc biệt quan tâm hỗ trợ đầu tư các tiêu chí huyện chưa đạt như giao thông, thủy lợi, văn hóa, sản xuất và môi trường.

 

Đồng chí Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông đề nghị UBND tỉnh cần tạo cơ chế thông thoáng trong việc lồng ghép các chương trình, dự án xây dựng NTM từ khâu lập, quản lý và cơ chế giải ngân đảm bảo thuận lợi khi thực hiện. Tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn phát triển sản xuấtkinh doanh nông nghiệp và chú trọng công nghiệp chế biến nông sản.

 

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh rà soát toàn bộ hệ thống văn bản về chủ trương, chính sách xây dựng NTM để phát hiện những điểm còn bất cập, kịp thời đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung đồng bộ, có tính khả thi cao phù hợp với điều kiện của địa phương ngay trong năm 2017.

 

Đối với 2 huyện Vĩnh Linh và Cam Lộ rà soát lại các tiêu chí và lộ trình với quyết tâm cao phấn đấu xây dựng thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh vào năm 2018. Đối với địa bàn khó khăn như huyện Đakrông cũng phải đặt ra lộ trình, phấn đấu trong 4 năm từ 2017 đến 2020 mỗi năm có 1 xã xây dựng thành công NTM. Các sở, ban, ngành bám sát hướng dẫn của UBND tỉnh để có hướng dẫn, chỉ đạo nắm bắt, xử lý ngay những vấn đề vướng mắc ở cơ sở.

 

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của nhân dân đối với những xã đã đạt NTM và những xã chưa đạt để cấp ủy, chính quyền và người dân tiếp tục nỗ lực xây dựng thành công NTM và giữ vững các tiêu chí đã đạt được. Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp để người dân có đời sống cao hơn. Cần nghiên cứu để xây dựng một số mô hình phù hợp với địa phương như xây dựng mô hình vườn đẹp, làng đẹp, nhà đẹp, đường đẹp, góp phần làm cho bức tranh nông thôn ngày càng khang trang hơn. Trong quá trình xây dựng NTM cần bảo tồn cho được những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong các làng, xã, làm cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao hơn.

Tác giả bài viết: Nguyễn Vinh

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập70
  • Hôm nay8,056
  • Tháng hiện tại72,049
  • Tổng lượt truy cập8,272,346
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây