Thôn Đạo Đầu có 370 hộ với 1.760 nhân khẩu, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó thế mạnh là trồng rau màu và chăn nuôi lợn, nuôi cá nước ngọt. Ngoài ra người dân trong thôn còn tham gia nhiều nghề phụ như mộc, nề, xay xát, sửa chữa máy nông cụ, một số hộ làm bánh kẹo… Toàn thôn có khoảng 40 hộ chăn nuôi lợn quy mô từ 20 con trở lên; 130 hộ nuôi cá nước ngọt với tổng diện tích khoảng 10 ha.
Ông Nguyễn Hữu Phương, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Đạo Đầu cho biết: “Trước đây, khi phong trào nuôi lợn mới phát triển, vấn đề vệ sinh môi trường chưa được quan tâm, rồi rác thải vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi phải ra sức tuyên truyền, vận động người dân và bản thân cán bộ thôn phải gương mẫu đi đầu nên dần dần người dân mới tự nguyện tham gia. Chúng tôi xác định đã tổ chức các hoạt động phải thực chất, có hiệu quả chứ không làm theo kiểu phong trào thì mới bền vững”.
Năm 2008, khu dân cư Đạo Đầu được tỉnh chỉ đạo làm điểm tổ chức mô hình thu gom rác thải trong khu dân cư. Sau khi được chọn, hỗ trợ, thôn đã thành lập 1 tổ thu gom rác với 4 thành viên, được trang bị đầy đủ dụng cụ thu gom, đồ bảo hộ. Tổ hoạt động mỗi tháng 2 đợt, thu gom rác vào ngày 12 và 24 hàng tháng, trước khi thu gom đều có thông báo trên hệ thống truyền thanh cho nhân dân được biết. Hiện ở Đạo Đầu cũng có khu chứa rác thải cố định nằm cách xa khu dân cư, cứ 2 năm tổ chức tiêu hủy rác một lần. Đến nay 100% gia đình ở Đạo Đầu đã tham gia thu gom rác, với mức phí đóng mỗi tháng 10 nghìn đồng.
Ông Lê Văn Thiên, trưởng thôn Đạo Đầu cho biết, thôn cũng là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh trong việc cất bốc mộ, quy tập về nghĩa trang chung của thôn để dành đất thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Thôn đã hoàn thành việc cất bốc mộ và dồn điền đổi thửa vào năm 2014, chỉ sau một thời gian ngắn triển khai và được 100% người dân đồng tình ủng hộ. “Vào những dịp lễ lớn của quê hương, đất nước, chúng tôi đều tổ chức lễ ra quân vệ sinh môi trường trong toàn khu dân cư. Ngoài ra, định kỳ 3 tháng một lần, toàn thể các đoàn thể, hội viên khu dân cư đều hưởng ứng ra quân nạo vét kênh mương, dọn dẹp, vệ sinh môi trường, chặt tỉa cây xanh”, ông Thiên cho biết thêm.
Trong sản xuất nông nghiệp, việc bảo vệ môi trường đã được người dân chú trọng. Hầu hết các hộ chăn nuôi lợn quy mô từ 20 con đã xây dựng hầm xử lý phân thải, hố biogas để hạn chế mùi hôi. Các hộ trồng rau màu đang áp dụng canh tác theo hướng sạch, chú trọng và tăng dần tỷ lệ dùng các chế phẩm sinh học, hạn chế bón phân hóa học, sử dụng thuốc trừ sâu…
Ở khu dân cư Mỹ Thủy, việc toàn thể nhân dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường cũng có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm qua. Toàn thôn có 521 hộ với 2.100 nhân khẩu. Đây là một trong những khu dân cư trung tâm của xã Hải An, có bãi tắm Mỹ Thủy và một số ngành nghề truyền thống lâu đời như làm nước mắm và đóng thuyền truyền thống.
Ông Phan Thanh Thủy, Chủ tịch UBMT xã Hải An cho biết, năm 2013 khu dân cư Mỹ Thủy được tỉnh chọn làm điểm trong việc tổ chức thu gom rác thải. Sau đó, khu dân cư đã thành lập tổ thu gom rác thải với 3 hội viên phụ nữ phụ trách. Do dân cư đông, lượng rác thải nhiều, tổ phải thực hiện thu gom định kỳ mỗi tuần 3 đợt thu gom. “Đến nay tổ thu gom rác thải của thôn Mỹ Thủy đang được duy trì tốt, hoạt động hiệu quả. Các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường tại khu dân cư, bãi tắm Mỹ Thủy luôn được cán bộ, hội viên và toàn thể nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng”, ông Thủy vui vẻ cho biết.
Những năm qua, Ban Công tác mặt trận, các đoàn thể khu dân cư Mỹ Thủy đã tích cực vận động nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh chăn nuôi kết hợp bảo vệ môi trường. Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, có 99% các hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; trên 85% hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tích cực các hoạt động giữ gìn, vệ sinh môi trường được thực hiện thường xuyên. Đã vận động nhân dân chăn nuôi quy mô lớn di chuyển vào khu chăn nuôi tập trung của thôn kết hợp xây dựng hầm xử lý phân thải, hố biogas.
Tích cực vận động các cơ sở gò hàn, kinh doanh dịch vụ thực hiện theo đúng bản ký kết bảo vệ môi trường. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền về các hiện tượng biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, bão tố… để nhân dân biết và có phương án ứng phó kịp thời. Thôn cũng xây dựng 4 tuyến đường kiểu mẫu ở khu dân cư do các tổ chức, đoàn thể trong thôn đảm nhận. Hàng tháng đều tổ chức phát động toàn dân ra quân làm vệ sinh môi trường, phát quang đường sá.
Hưởng ứng ngày xây dựng nông thôn mới của xã, chủ nhật tuần thứ 3 hàng tháng, người dân tự giác ra quân vệ sinh trên các tuyến đường trong khu dân cư; các hộ gia đình cũng chú trọng trồng cây xanh, cây cảnh trong khuôn viên gia đình mình… “Khu dân cư Mỹ Thủy luôn là đơn vị dẫn đầu trong các hoạt động của xã, huyện, đặc biệt là hoạt động bảo vệ môi trường. Những gia đình, xóm ở khu dân cư Mỹ Thủy có thành tích trong việc xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường đều được biểu dương, khen thưởng kịp thời để động viên. Nhờ vậy, tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt, các gia đình đều đồng thuận, tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào, hoạt động của địa phương”, ông Thủy đánh giá.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn