Triệu Phong đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

Thứ hai - 29/05/2017 20:24
Huyện Triệu Phong có 3 xã Triệu Lăng, Triệu Vân, Triệu An là vùng ven biển với diện tích tự nhiên 35,98 km2 , có chiều dài bờ biển 18 km, ngư trường rộng với nhiều loại hải sản quý, giá trị kinh tế cao; có cửa lạch, cảng cá, bến cá; dân số 12.517 người, trong đó có 6.218 người trong độ tuổi lao động. Những năm qua, trong vùng đã được đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện và dịch vụ nghề cá tương đối hiện đại. Mới đây, Chính phủ đã quy hoạch 3 xã kể trên nằm trong Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh, tạo cơ hội lớn cho các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, du lịch, thương mại, đảm bảo quốc phòng- an ninh.
Tàu thuyền ngư dân Triệu Phong chuẩn bị ra khơi
Tàu thuyền ngư dân Triệu Phong chuẩn bị ra khơi

Theo đó, huyện Triệu Phong tập trung chỉ đạo các xã vùng ven biển tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế- xã hội. Đến nay, các địa phương này có 23 tàu đánh bắt xa bờ công suất trên 90 CV, 369 chiếc công suất dưới 90 CV, 124 thuyền không lắp máy, thuyền thúng đánh bắt thủy sản ven bờ. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt trên 3.000 tấn.

 

Bên cạnh đó, với lợi thế về nuôi trồng thủy sản, các địa phương đã mở rộng diện tích ao nuôi lên hơn 300 ha, sản lượng đạt hơn 1.000 tấn/năm. Trong vùng có hàng trăm hộ dân và doanh nghiệp mở cơ sở chế biến thủy sản, bước đầu xây dựng được thương hiệu một số sản phẩm như nước mắm, ruốc, cá hấp.

 

Trên lĩnh vực trồng trọt, các xã tích cực chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ngắn ngày, xây dựng nhiều mô hình như trồng đậu xanh, đậu đen xanh lòng, ném, nuôi xen ghép tôm sú- rong câu, trồng keo lưỡi liềm ven biển, phát triển mô hình trang trại, gia trại nên đời sống người dân vùng ven biển đã ngang bằng với các xã đồng bằng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế vùng biển huyện Triệu Phong phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng; việc khai thác hải sản xa bờ còn khó khăn. Mô hình có giá trị kinh tế cao trong nông nghiệp còn ít; nuôi trồng thủy sản phát triển thiếu đồng bộ, không bền vững. Việc đánh bắt và nuôi trồng chưa gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, nguồn lợi thủy, hải sản.

 

Công nghiệp và dịch vụ phát triển chưa mạnh, chưa đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế chung. Cơ cấu kinh tế, lao động chuyển dịch còn chậm. Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội chưa đồng bộ, chưa phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển của vùng. Lao động được đào tạo nghề còn thấp, cuộc sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XIX ban hành Nghị quyết số 05 “Về khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển giai đoạn 2017- 2020”. Theo đó, từ nay đến năm 2020, huyện Triệu Phong huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển vùng ven biển theo hướng CNH,HĐH, đảm bảo quốc phòng- an ninh.

 

Các địa phương ven biển sẽ giữ vững diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 752 ha; sản lượng lương thực có hạt 950 tấn. Quy mô đàn trâu, bò đạt 1.700- 1.800 con, đàn lợn 8.000- 9.000 con, đàn gia cầm 35.000- 40.000 con. Đảm bảo diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 400 ha, sản lượng 1.600- 1.800 tấn, trong đó nuôi trồng vùng nước mặn, lợ 340 ha, sản lượng 1.500- 1.700 tấn, nước ngọt 60 ha, sản lượng 75- 80 tấn.

 

Sản lượng khai thác thủy, hải sản đạt 4.200- 4.300 tấn. Sản lượng chế biến chiếm 35- 40% sản lượng khai thác. Xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ trên 400CV từ 7- 10 chiếc, tàu đánh bắt xa bờ từ 90 CV đến dưới 400 CV 35- 40 chiếc. Tạo việc làm mới cho 1.000- 1.200 lao động, đào tạo nghề cho 200- 300 lao động. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35- 40 triệu đồng/năm.

 

Để đạt được kết quả này, huyện Triệu Phong tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tăng cường đào tạo nghề cho lao động, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch tổng thể, chi tiết điểm công nghiệp, làng nghề, khu du lịch, dịch vụ, thương mại, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nuôi trồng, chế biến sản phẩm. Tăng cường và nâng cao năng lực khai thác, đánh bắt thủy, hải sản, chuyển đổi mạnh mẽ từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ. Tạo sinh kế lâu dài, phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của vùng.

 

Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá X) “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và Nghị quyết của Huyện ủy (khóa XIX) “Về khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển của huyện giai đoạn 2017- 2020” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân phát triển kinh tế vùng biển.

 

Tiến hành rà soát, khảo sát hiện trạng phát triển kinh tế của vùng để định hướng quy hoạch trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Quy hoạch phát triển kinh tế vùng ven biển của huyện gắn với quy hoạch chung phát triển Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, đảm bảo bền vững, an toàn dịch bệnh.

 

Đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ và nâng cao hiệu quả nghề khai thác, trong đó chú trọng khuyến khích, vận động ngư dân đầu tư tàu thuyền công suất lớn, trang bị ngư lưới cụ hiện đại để vươn khơi đi đôi với thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho ngư dân. Phát triển mạnh nông nghiệp sạch, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Chuyển đổi một số diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng rau màu, đậu xanh, dưa các loại. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông- thủy sản, khoáng sản, công nghiệp cơ khí đóng, sửa chữa tàu và công nghiệp phụ trợ phục vụ đánh bắt, khai thác hải sản. Quan tâm xây dựng thương hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tăng sản lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Phối hợp nâng cấp, mở rộng hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, cửa lạch, chợ cá và các dịch vụ hậu cần phục vụ cho khai thác, chế biến thủy, hải sản.

 

Đẩy mạnh phát triển ngành thương mại- dịch vụ, du lịch. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm. Chú trọng đào tạo, thu hút nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội vùng ven biển. Phối hợp, liên kết đào tạo một số nghề cho lao động vùng biển để đón đầu các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam và các ngành, nghề có lợi thế của vùng biển.

 

Lồng ghép các chương trình, dự án để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vùng ven biển. Đa dạng hoá các hình thức huy động vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương về hỗ trợ đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác xa bờ, khôi phục nuôi trồng thủy sản, vay vốn giải quyết việc làm, phát triển hạ tầng cơ sở, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trang trại, gia trại, đào tạo nghề, tổ chức lại sản xuất, tạo sinh kế cho ngư dân.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập340
  • Hôm nay1,276
  • Tháng hiện tại31,825
  • Tổng lượt truy cập9,581,410
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây