Phát huy nội lực để xây dựng nông thôn mới

Thứ năm - 15/06/2017 22:30
Nằm ở phía Bắc huyện Vĩnh Linh, Vĩnh Tú quanh năm được bao bọc bởi màu xanh của những rặng trâm bầu và rừng sản xuất. Trong tổng diện tích tự nhiên gần 3.500 ha chỉ có chưa đầy 800 ha đất đỏ ba dan thuộc trung tâm địa giới hành chính của xã, còn lại bốn bề là cát.
Xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh phát động chỉnh trang nông thôn mới
Xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh phát động chỉnh trang nông thôn mới
Đất đai rộng, dân số hơn 3.000 người nhưng bao đời nay người dân Vĩnh Tú còn rất chật vật bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Ngoài cây lạc, một loại cây trồng truyền thống đã được sản xuất từ lâu đời trên vùng đất này thì nông dân Vĩnh Tú không có loại nông sản nào có diện tích lớn được xem là bền vững và có tính cạnh tranh trên thị trường. 49 ha hồ tiêu, 45 ha cao su năng suất cũng thấp hơn các xã khác trong huyện. Trong số gần 2.700 ha, ngoài rừng tự nhiên và rừng sản xuất, nông dân Vĩnh Tú chỉ biết trồng các loại cây ngắn ngày.
 
Bởi vậy, các giống lạc, dưa, ngô, bầu bí, mướp đắng, sắn khoai của Vĩnh Tú trở thành hàng hóa nông sản thân quen với các chợ trong vùng. Khó khăn là vậy, nhưng khi xây dựng nông thôn mới (NTM) người dân trong xã ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Các cuộc họp thôn, xã để triển khai xây dựng NTM được nhân dân bàn bạc sôi nổi. Nhân dân tự nguyện hiến đất, chặt cây, dở bỏ tường rào, dịch chuyển các công trình vệ sinh, chuồng trại để chỉnh trang xây dựng NTM. Mọi người tích cóp tiền của sẵn sàng đóng góp mở rộng đường bê tông, xây dựng lưới điện để “thắp sáng đường quê”.
 
Trong chương trình “thắp sáng đường quê”, xã Vĩnh Tú có 2 thôn đã đưa điện chiếu sáng vào tận ngõ từng gia đình. Để thực hiện xây dựng NTM, cấp ủy đảng, chính quyền xã Vĩnh Tú có nhiều quyết sách mới, sáng tạo để khai thác mọi tiềm năng, lợi thế từ đất đai, lao động. Trước khi triển khai xây dựng NTM, xuất phát điểm của Vĩnh Tú rất thấp, mới có 5/19 tiêu chí đạt chuẩn. Cơ sở vật chất trường học, giao thông, thủy lợi, các công trình văn hóa phúc lợi thiếu đồng bộ. Điều quan trọng nhất đó là hệ thống chính trị của xã vững mạnh, có tinh thần đoàn kết cao nên tạo được sự đồng thuận khi triển khai chương trình xây dựng NTM.
 
Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Vĩnh Tú chưa đầy 10 triệu đồng, hộ nghèo và cận nghèo có 185/918 hộ, chiếm trên 20% theo tiêu chí mới, trong đó hộ nghèo trên 12,7%. Một trong những tiêu chí mà lãnh đạo địa phương đặc biệt chú trọng đó là định hướng cho nhân dân phát triển kinh tế, tăng nguồn thu nhập, tạo ra các mặt hàng nông sản có giá trị. Bên cạnh việc tăng cường các lớp tập huấn để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, chính quyền xã tạo mọi điều kiện quy hoạch về đất đai để nông dân mở mang các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bán công nghiệp, đồng thời nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp.
 
Những vùng như Mỹ Tú, Huỳnh Công Tây khuyến khích nông dân mở rộng diện tích thâm canh cây hồ tiêu, tập trung trồng rừng sản xuất, xây dựng các mô hình thổ canh để đưa các giống rau, dưa cao cấp như dưa lưới, măng tây vào trồng. Một số diện tích đất cát vàng đang thử nghiệm trồng dứa nguyên liệu. Huyện đã và đang đầu tư xây dựng lưới điện sản xuất để phục vụ các vùng chuyên canh nông sản sạch. Bên cạnh đó, cấp ủy đảng, chính quyền xã đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm khuyến khích, động viên nông dân đầu tư phát triển kinh tế.
 
Ưu tiên đầu tư các công trình dân sinh kinh tế như đập Cửa Khâu, công trình Máng Nác để lấy nước tưới cho hàng chục héc ta ruộng của 3 thôn Thủy Tú 1, Thủy Tú 2, Thủy Tú Phường và thôn Mỹ Duyệt, làm đường nội đồng Tứ Chính, hoàn thiện cơ sở vật các trường học, trạm y tế, giao thông nông thôn, nhà văn hóa... với tổng nguồn vốn lên đến hàng tỷ đồng. Vận động nông dân khai thác diện tích cát bạc màu để trồng cây lâm nghiệp; tăng cường công tác đào tạo nghề cho nông dân; phối hợp với Trung tâm khuyến nông mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi đồng thời tăng cường các biện pháp tiếp tục thực hiện đề án sản xuất nông nghiệp cho thu nhập 50 triệu đồng trở lên/ha/năm. Các tổ chức đoàn thể trong xã tín chấp qua các kênh để vay vốn cho hội viên có điều kiện phát triển kinh tế.
 
Nhờ vậy, nông dân phấn khởi mở mang trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề, kinh doanh, dịch vụ. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên vùng cát đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vùng cát vàng, nghèo dinh dưỡng lại hay khô hạn đã được luồn lách thời tiết để xen canh, luân canh, gối vụ các loại cây trồng như ngô, lạc, dưa hấu, sắn... đạt thu nhập từ 50 đến 70 triệu/ha/năm. Nhiều mô hình trang trại, gia trại tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Hiện toàn xã có trên 100 ha đất sản xuất nông nghiệp có thu nhập từ 50 đến 300 triệu đồng/ha/năm.
 
Hàng trăm hộ đã mở mang các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ thương mại, tạo nên sự phong phú, đa dạng của cuộc sống vùng nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 của xã đạt trên 30 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với năm 2010. Hộ nghèo hiện còn lại 3,6%. Trong tổng số hơn 2.000 ha rừng của toàn xã đã có trên 1.600 ha rừng sản xuất, độ che phủ của rừng đã đạt 59%, cao nhất huyện. Đầu tư khai thác diện tích đất cát bạc màu để trồng cây lâm nghiệp Vĩnh Tú không chỉ bảo vệ môi trường sinh thái mà nguồn lợi từ trồng rừng đem lại thu nhập lớn cho nông dân.
 
Nhờ biết vận dụng, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, huy động nội lực trong nhân dân nên Vĩnh Tú sớm về đích trong chương trình xây dựng NTM. Trong tổng số nguồn vốn 95,7 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng NTM, nhân dân xã Vĩnh Tú đã đóng góp gần 36 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng vốn huy động. Trong 5 năm trở lại đây, xã đã xây dựng được gần 3 km đường bê tông, 1,8 km đường nhựa, cải tạo, tu sửa lại các công trình văn hóa-thể thao, phúc lợi công cộng, trạm y tế, trường học, các trung tâm văn hóa cộng đồng, các công trình dân sinh kinh tế...
 
Đến cuối năm 2016, Vĩnh Tú đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Qua gần 6 năm (2011-2016) thực hiện xây dựng NTM, xã Vĩnh Tú đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Nền kinh tế phát triển đa dạng, đem lại nguồn thu nhập cao; cảnh quan, môi trường nông thôn từng bước đổi mới, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc; cơ sở hạ tầng được kết cấu bền vững, từng bước hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Từ một xã nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, phong trào xây dựng NTM đã thúc đẩy Vĩnh Tú phát triển mạnh, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Tác giả bài viết: Tô Ngọc Thành, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tú

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập456
  • Hôm nay2,589
  • Tháng hiện tại33,138
  • Tổng lượt truy cập9,582,723
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây