Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
Thứ ba - 20/10/2015 20:58
Xây dựng đời sống văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, tạo được sự thu hút đối với đông đảo nhân dân tham gia. Muốn đạt được chất lượng đời sống văn hóa trong thời kỳ CNH, HĐH thì thiết chế văn hóa phải được quan tâm hàng đầu.
Trong nhiều năm qua, đặc biệt từ khi phát động thực hiện đề án xây dựng huyện điển hình văn hóa (ngày 30/4/2003), huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) chỉ đạo các địa phương chăm lo xây dựng thiết chế văn hóa để nâng cao chất lượng đơn vị văn hóa ở cộng đồng dân cư. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực, đóng góp tiền của để tạo cơ sở vật chất cho mọi hoạt động văn hóa. Nhờ đó, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa được xây dựng đồng bộ đã làm cho mọi người phấn khởi, hăng hái gắn bó với phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... Sau 7 năm phát động thực hiện đề án, huyện Vĩnh Linh được tỉnh công nhận “huyện điển hình văn hóa”. Điều đó chứng tỏ phong trào xây dựng đời sống văn hóa của huyện đã có những kết quả nổi bật, thiết chế văn hóa được đầu tư phát triển mạnh. Đến nay, trên địa bàn Vĩnh Linh có 165 sân bãi hoạt động thể thao, 187 đội bóng đá, bóng chuyền. Chính từ cơ sở đó mà phong trào rèn luyện thân thể, thể dục, thể thao ngày càng phát triển trên đại đa số thôn xóm. Đã xuất hiện nhiều xã có phong trào bóng chuyền, bóng đá có đủ khả năng tranh giải với các đội bạn trong và ngoài huyện. Nổi bật trong phong trào này là thị trấn Hồ Xá, thị trấn Cửa Tùng, xã Vĩnh Tú, Vĩnh Trung, Vĩnh Sơn. 5 làng, khóm phố còn thành lập câu lạc bộ văn nghệ, thơ, nhạc, hoạt động có nền nếp, có tác dụng nhân rộng phong trào này cho nhiều địa phương trong huyện thời gian tới. Phong trào văn nghệ luôn sôi nổi từ trước tới nay tại nhiều cơ sở, nổi bật là xã Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Tú, thị trấn Hồ Xá, thị trấn Cửa Tùng... Toàn huyện thành lập 35 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, nhiều câu lạc bộ phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, bảo vệ tài sản. Hiện ở Vĩnh Linh có 101 cổng chào làng và xã, 58 cụm pa nô, bảng tường cổ động cố định. 22/22 xã, thị trấn có phòng đọc sách, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp xúc với khoa học kỹ thuật mới để ứng dụng vào sản xuất, mở mang ngành nghề, dịch vụ. Toàn huyện đã nhựa hóa, bê tông hóa trên 322 km đường giao thông nông thôn, tạo nên cảnh quan môi trường văn hóa trong mọi làng quê. Đi đầu trong phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn là làng Tùng Luật (Vĩnh Giang), thị trấn Cửa Tùng, thị trấn Hồ Xá, xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Long, Vĩnh Lâm. Nhiều làng, khóm phố trở thành đơn vị xây dựng thiết chế văn hóa đồng bộ, như: làng Tùng Luật (Vĩnh Giang), thôn Tây 1, thôn Tây 2 (Vĩnh Tú), Huỳnh Thượng, Lê Xá (Vĩnh Sơn), Các khóm Thành Công, Lao Động, khóm 5 (thị trấn Hồ Xá), xã Vĩnh Thạch, xã Vĩnh Hiền, các thôn Nam Hùng, Nam Cường (xã Vĩnh Nam). Nhiều địa phương có pa nô, áp phích, bảng tường cổ động nhưng nổi bật nhất hai thôn ở xã Vĩnh Thành là thôn Đông và thôn Tây có áp phích, bảng tường cổ động cố định thường xuyên sơn mới và thay đổi nội dung kịp thời, phù hợp từng giai đoạn tuyên truyền, gây ấn tượng tốt và sự chú ý cao cho nhân dân và khách qua lại. Là đơn vị điển hình văn hóa cấp tỉnh, huyện Vĩnh Linh đã có bước tiến dài trong phát triển văn hóa từ nội dung đến hình thức. Văn hóa phát triển đã làm cho nhận thức về giá trị chân, thiện, mỹ trong mỗi người được nâng cao, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, quy chế dân chủ cơ sở được phát huy. Các thiết chế văn hóa ngày càng được bổ sung hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Hiện tại, toàn huyện có 189/195 làng, bản, khóm phố phát động xây dựng đơn vị văn hóa (6 làng còn lại sẽ phát động xây dựng đơn vị văn hóa trong năm 2015), trong đó có 176 đơn vị đạt danh hiệu văn hóa các cấp; riêng100% cơ quan, trường học phát động xây dựng đơn vị văn hóa thì 100% đều đạt đơn vị văn hóa từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Hàng năm, Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa huyện ngoài việc phúc tra xét công nhận đơn vị văn hóa còn rà soát lại các đơn vị đã được công nhận để uốn nắn những thiếu sót trong quá trình giữ vững các tiêu chí đề ra. Điều khẳng định chắc chắn rằng ở đâu phát triển thiết chế văn hóa đồng bộ, thường xuyên bổ sung mới cho phù hợp, vận động mọi người tự giác đóng góp xây dựng, cán bộ phụ trách văn hóa năng động, sâu sát thì ở đó phong trào văn hóa phát triển tốt hơn. Trên thực tế, địa phương nào có đời sống văn hóa tinh thần đi vào lòng người một cách tự giác thì ở đó đời sống vật chất cũng được nâng lên rõ rệt. Các trường học trên địa bàn là những đơn vị có môi trường xanh- sạch- đẹp, thể hiện nét đẹp văn hóa công sở được chú trọng. Ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm thì phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở đó phát huy mạnh, là động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Trong quá trình xây dựng NTM, chỉnh trang đô thị, huyện Vĩnh Linh tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII về phát triển văn hóa đến năm 2020 có 95% làng, bản, khóm phố được công nhận đơn vị văn hóa, 85% hộ gia đình được công nhận văn hóa, 75% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 63% thị trấn được công nhận văn minh đô thị theo tiêu chí mới. Huyện sẽ xây dựng nhà văn hóa huyện tại thị trấn Hồ Xá. Vĩnh Linh giữ vững danh hiệu “huyện điển hình văn hóa” cấp tỉnh, lấy đó làm dấu mốc để tạo đà vươn tới trong quá trình phát triển. Huyện đặc biệt chú trọng chỉ đạo các địa phương đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa để làm cơ sở phát triển đời sống văn hóa bền vững, nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân.