Đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thứ hai - 26/10/2015 22:21
Ở tỉnh Quảng Trị, với sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, nhất là các tổ chức đoàn thể trong việc liên kết với các Ngân hàng đưa vốn tín dụng về phục vụ cho phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới một cách thuận lợi nên đã góp phần làm cho bộ mặt các làng quê có thêm nhiều thay đổi và đời sống của người dân từng bước được nâng cao.
Lễ ký kết cho vay vốn đóng tàu đánh bắt cá xa bờ
Lễ ký kết cho vay vốn đóng tàu đánh bắt cá xa bờ
     Sinh ra và lớn lên ở xã Hải Thành, 1 vùng quê úng trũng thuộc huyện Hải Lăng, điều kiện làm ăn rất khó khăn, bao nhiêu năm cần cù lao động nhưng với vài ba sào ruộng, gia đình ông Vương Khánh Hùng vẫn cứ nghèo đói. Trăn trở suy nghĩ mãi, năm 2005, ông đã mạnh dạn thuê 2,5 ha ruộng khó canh tác của 1 số bà con trong xã, cải tạo để trồng lúa. Không dừng lại ở đó, sau khi tham gia lớp học nghề sửa chữa máy nông nghiệp do Hội Nông dân huyện tổ chức, từ kiến thức được học, cộng với học hỏi kinh nghiệm của những người khác, ông đã mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng 240 triệu mua máy gặt đập liên hợp. Với cách làm này, hàng năm trừ chi phí gia đình thu nhập trên 180 trệu đồng. Từ một hộ nghèo của xã năm 2010 đến nay gia đình thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Còn chị Lê Thị Tâm ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, năm 2011 sau khi mua 10 ha đất rừng, chị đã vay Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp huyện Cam Lộ 1 tỷ 250 triệu đồng, xây dựng 1 trang trại tổng hợp khép kín. Ngoài trồng rừng, cây ăn quả, chị đã đầu tư chuồng trại nuôi bò nhốt, 1000 con lợn thịt, 30 lợn nái siêu nạc, 50 lợn nái rừng và nhiều loại gia cầm, sau khi đã trừ chi phí, 1 năm lãi khoảng 300 triệu đồng.

Đàn lợn của gia đình chị Lê Thị Tâm xã Cam Thành huyện Cam Lộ
      Để giải quyết khó khăn cho bà con nông dân về nguồn vốn trong phát triển kinh tế, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt các cấp Hội nông dân đã liên kết với Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn  thành lập 271 tổ vay vốn với 7725 thành viên, dư nợ hiện tại trên  200 tỷ đồng, nhận ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội thành lập 851 tổ tiết kiệm và vay vốn với gần 26 ngàn thành viên, dư nợ hiện tại trên 500 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp hội tích cực vận động xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân giúp hội viên vay với tổng số tiền là trên 9 tỷ đồng. Ông Lê Phúc Thiện, Chủ tịch Hội nông dân Quảng Trị cho biết: Cùng với việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách tín dụng của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các cấp Hội đã liên kết với các Ngân hàng tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ hội về công tác quản lý vốn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các trường hợp xâm tiêu, vay sai mục đích. Chính nhờ vậy người dân đã sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, mở mang phát triển ngành nghề, dịch vụ. Do đó đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh dự ước năm 2015 tăng lên 34 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo dự kiến giảm còn 6,9%, đặc biệt toàn tỉnh có trên 24 ngàn hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

            Hộ ông Phạm Phước Phi ở xã Hải Khê vay vốn nuôi tôm

      Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Sĩ Trọng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Trị cho hay: Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, Chi nhánh luôn khuyến cáo các Ngân hàng tập trung vốn cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đặc biệt từ năm 2010, Chi nhánh đã phổ biến, quán triệt Nghị định 41 của Chính phủ cho các Ngân hàng, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là người dân hiểu rõ chính sách cho vay vốn rất thông thoáng, điều kiện vay vốn cũng được mở rộng không cần thế chấp mà chỉ cần tín chấp. Chính vì vậy trong 5 năm qua các Ngân hàng trên địa bàn đã có những nỗ lực rất lớn trong việc huy động vốn và cho vay. Riêng đối với Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến nay, trong tổng dư nợ 4831 tỷ đồng có đến 3728 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 77%/tổng dư nợ đầu tư cho “Tam nông”. Ngoài cho hộ gia đình vay, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chú trọng đầu tư vốn cho các Doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, đặc biệt mới đây đã thực hiện chương trình kết nối với doanh nghiệp. Theo đó, có 6 Doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô sản xuất lớn được hỗ trợ trên 300 tỷ đồng với lãi suất hợp lý để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm bớt khó khăn về vốn, về chi phí lãi vay nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Còn đối với Ngân hàng chính sách xã hội Quảng Trị trong 5 năm qua đã thực hiện chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với hơn 103 ngàn lượt hộ nghèo với các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 1883 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 1712 tỷ đồng với 12 chương trình tín dụng đang triển khai, thông qua hơn 2200 Tổ tiết kiệm và vay vốn, ủy thác cho 4 tổ chức chính trị xã hội đó là Hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh và Đoàn thanh niên.
      Đối với Quảng Trị, sản xuất nông nghiệp chủ yếu nhưng người dân cũng như Doanh nghiệp thiếu vốn. Đặc biệt hiện nay tỉnh đang chỉ đạo trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới, thiết nghĩ các Ngân hàng cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, triển khai nhiều biện pháp như gia tăng và đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, nhất là nguồn vốn ổn định trong dân cư, chú trọng mở rộng đầu tư tín dụng, tập trung chuyển hướng đầu tư cho vay hộ gia đình cá nhân, đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu vốn của người dân và các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ với các Ngân hàng cũng như tranh thủ lồng ghép nhiều chương trình, dự án đưa vốn về cho người dân và Doanh nghiệp một cách kịp thời và thuận lợi nhất.

Tác giả bài viết: Bá Thuần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập112
  • Hôm nay1,048
  • Tháng hiện tại31,597
  • Tổng lượt truy cập9,581,182
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây