Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nông nghiệp đã duy trì mức tăng trưởng cao, cơ bản phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp hàng đầu thế giới; Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng được nâng cấp và hiện đại; Nông thôn ngày càng phát triển, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện. Bên cạnh những thành tựu đạt được, gần đây, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp có xu hướng chậm lại, có lĩnh vực hiệu quả đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Điều đó đặt ra yêu cầu cần thiết phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tinh thần ấy đã được thể hiện sâu sắc trong trong Văn kiện chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng SX hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu. Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện cả về nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh… Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM và quá trình đô thị hóa một cách hợp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa đô thị và nông thôn, tăng cường kết nối nông thôn - đô thị, phối hợp các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị…”. Đó thực sự là tầm nhìn mới, là quyết tâm chính trị của toàn Đảng, là khát vọng của dân tộc ta, nhân dân ta. Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM như Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó cần tập trung làm tốt những nhiệm vụ sau đây: Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn ngành, trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng NTM. Từ đó tạo quyết tâm lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị về việc chấn hưng nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ chiến lược của đất nước ta trong thế kỷ XXI. Hai là, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và PTNT trên tất cả các lĩnh vực; rà soát, điều chỉnh quy hoạch SX nông, lâm, ngư nghiệp và nghề muối. Hình thành các vùng SX hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Đối với các vùng miền núi, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc cũng theo điều kiện cụ thể để lựa chọn phát triển cây, con hàng hóa thay cho tự cung tự cấp, đây là giải pháp căn bản để xóa đói giảm nghèo bền vững. Ba là, khoa học công nghệ phải thực sự là khâu then chốt để tạo đột phá trong cơ cấu lại nền nông nghiệp. Cần tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, giải quyết các vấn đề quan trọng, bức thiết của ngành, kiên quyết chống dàn trải, kém hiệu quả; thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào SX, quản lý nông nghiệp... Bốn là, phát triển các hình thức tổ chức SX phù hợp, hiệu quả. Trên cơ sở việc tổng kết kinh nghiệm, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, nhân rộng các mô hình SX, quản lý có hiệu quả trong thực tiễn... Đẩy mạnh quá trình liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, DN và nông dân; trước hết, tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; khuyến khích hợp tác, liên kết từ SX, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia chuỗi giá trị nông sản từ SX đến tiêu thụ. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới các DN Nhà nước và nông, lâm trường quốc doanh; tập trung chỉ đạo chuyển đổi HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012; tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ phát triển kinh tế hộ SX hàng hóa, gia trại, trang trại, DN tư nhân. Năm là, thực hiện cơ cấu lại đầu tư công để tập trung vốn đầu tư công cho các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, có tác động trực tiếp, nhanh chóng và lan tỏa; khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Đổi mới cơ chế và cơ cấu đầu tư công nhằm ưu tiên tập trung vốn Ngân sách nhà nước để thực hiện các công trình trọng tâm, cấp bách, các công trình phục vụ tái cơ cấu, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình dở dang, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Sáu là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân; ưu tiên đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên của ngành như cán bộ quản lý thủy nông, thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông, kiểm lâm, kiểm ngư, cán bộ HTX, thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá xa bờ... Bảy là, tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách. Đổi mới theo hướng tạo điều kiện để thực thi sâu rộng, có hiệu quả cơ chế thị trường trong các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; tạo thuận lợi và khuyến khích hỗ trợ nhiều hơn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tám là, đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng NTM gắn với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng NTM. Rà soát nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, lập đề án. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng; tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ để người dân chủ động, tích cực tham gia thực hiện các nội dung liên quan trực tiếp tới mỗi hộ gia đình. Thực hiện đồng bộ các nội dung về kinh tế và xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị. Chú trọng thực hiện các nội dung chính là phát triển SX, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân. Trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chú ý việc lựa chọn ưu tiên nâng cấp công trình hiện có, nhất là các công trình phục vụ SX. Xây dựng NTM phải đảm bảo giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc, vùng miền và của cả dân tộc ta. Chín là, tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp, đủ năng lực, thông suốt hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ chức năng. Tiếp tục chủ động rà soát, kiện toàn hệ thống tổ chức của Bộ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phối hợp với các Bộ, địa phương sắp xếp, củng cố và tăng cường năng lực cho bộ máy quản lý ngành tại các địa phương, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, nhanh nhạy, thông suốt, chủ động và hiệu quả. Mười là, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường. Tích cực tham gia đàm phán các hiệp định tự do hóa thương mại nhằm thúc đẩy mở cửa thị trường cho các loại nông, lâm, thủy sản của Việt Nam; có cơ chế hộ trợ hợp lý các ngành còn khó khăn; chủ động phối hợp, đàm phán với từng nước để tháo gỡ các rào cản thương mại cho nông sản Việt Nam; đổi mới và đẩy mạnh xúc tiến thương mại.