Hải Lăng bước tiến vững vàng

Thứ sáu - 02/10/2015 03:53
Sau 5 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị đạt được những bước tiến vững vàng
Báo NNVN có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Minh (ảnh), Bí thư Huyện ủy Hải Lăng - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM, về vấn đề này.


Hợp lòng dân
Thưa ông, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện Hải Lăng đã đạt được kết quả như thế nào?
    Trước hết phải nói rằng, Chương trình xây dựng NTM ở huyện Hải Lăng có những bước tiến rất vững vàng trong 5 năm qua. Những kết quả bước đầu rất đáng phấn khởi và điều quan trọng là chúng tôi đã định hướng được cách làm phù hợp, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
    Hải Lăng là một huyện thuần nông, nền kinh tế của huyện tập trung vào khai thác tiềm năng thế mạnh nông nghiệp. Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo của huyện Hải Lăng chọn 5 xã điểm để xây dựng, tổng kết rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng trên địa bàn.
    Đến nay, bình quân 19 xã trong huyện đã đạt gần 11,31 tiêu chí/xã, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh, xã thấp nhất cũng đã đạt 8 tiêu chí. Quan điểm của huyện là phải phát triển đồng đều vì mục tiêu của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Các xã khó khăn càng cần phải tập trung ưu tiên chỉ đạo, giúp đỡ, không chạy theo thành tích.
    Đặc biệt, huyện Hải Lăng sớm thành lập BCĐ xây dựng NTM của huyện, do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban và thành lập Văn phòng điều phối xây dựng NTM huyện do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, làm Chánh Văn phòng.
    Nhờ có những linh động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành về xây dựng NTM nên huyện Hải Lăng đã huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và đồng tình hưởng ứng của nhân dân. Huyện đã tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua “Hải Lăng chung sức xây dựng NTM” và 2 năm thực hiện chủ đề “Chỉnh trang nông thôn”, qua đó kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2020.
    Điểm nhấn nổi bật nhất 5 năm qua là huyện Hải Lăng đã phát động thực hiện chủ đề "Chỉnh trang nông thôn" với 6 nội dung: Phát quang, hiến đất, mở rộng nền đường; thắp sáng
đường quê; cải tạo vườn tạp; chỉnh trang nhà cửa; chỉnh trang hàng rào, cổng; xây dựng, cải tạo chuồng trại chăn nuôi thu hút sự hưởng ứng đông đảo của các tầng lớp nhân dân.

         Phát triển giao thông nông thôn ở xã Hải Thượng

   
      Kết quả này khẳng định khi một chủ trương hợp lòng dân thì sẽ khơi dậy nguồn lực xã hội hóa to lớn trong nhân dân. Huyện đã tổ chức sơ kết và tiếp tục đề ra các mục tiêu, giải pháp mới trong việc thực hiện chủ đề "Chỉnh trang nông thôn" cho giai đoạn 2015-2020.

     Nhiều việc làm mới, sáng tạo xuất hiện trong quá trình xây dựng NTM ở huyện như mở rộng thêm nền đường làm chỗ tránh, đổ xe ở những đoạn có thể mở rộng đường trục thôn. Thực tế có nhiều đoạn đường chỉ có nền đường 4 m, mặt đường 3m thì không đảm bảo cho 2 xe ô tô tránh nhau nên càng làm rộng càng tốt.
Những vấn đề tập trung ưu tiên
Thưa ông, là một huyện trọng điểm nông nghiệp của Quảng Trị, những vấn đề nào cần tập trung nhất để huyện thực hiện tái cơ cấu SXNN cũng như xây dựng NTM?
     Chúng ta đã biết, Chính phủ chỉ quy định tiêu chí xã NTM, huyện NTM, nhưng từ thực tế của địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo ban hành Bộ tiêu chí "Thôn NTM”, “Gia đình NTM" để áp dụng trên địa bàn huyện. Trong xây dựng NTM vai trò cấp thôn là hết sức quan trọng, nhiều gia đình đạt chuẩn NTM sẽ là cơ sở để thôn đạt "Thôn NTM", nhiều thôn đạt chuẩn NTM sẽ là cơ sở để xã đạt chuẩn NTM. Cách làm này cũng sẽ phát huy tốt nhất động lực của công tác thi đua trong xây dựng NTM.
    Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện phong trào “Hải Lăng chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020”.
   Về phát triển SX, nâng cao thu nhập cho người dân tiếp tục được chú trọng. Đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển SX, trong đó chú trọng phát triển 8 nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực, gồm: Bò lai; lợn nái lai, nái ngoại, lợn siêu nạc; SX cá giống và nuôi cá nước ngọt; cam và một số cây ăn quả; một số rau củ quả làm thực phẩm; cao su tiểu điền; lúa đặc sản, lúa chất lượng cao và rừng đạt chứng chỉ FSC. Những sản phẩm này nằm trong danh mục các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của huyện.
 

           SX lúa chất lượng cao, một thế mạnh của Hải Lăng

   
    Huyện Hải Lăng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu SXNN. Chương trình này có nhiều nội dung, và không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Trước mắt, chúng tôi tập trung thử nghiệm và nhân rộng, phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, có hiệu quả kinh tế cao, tạo ra giá trị SX hàng hóa lớn, hình thành các vùng SX chuyên canh, tập trung quy mô lớn, có thị trường tiêu thụ ổn định mà Hải Lăng có lợi thế như lúa chất lượng cao, trồng ném trên cát... các làng nghề truyền thống.

     Để tái cơ cấu SXNN thành công, chúng tôi xác định có 4 vấn đề cần tập trung ưu tiên, đó là giống, ứng dụng khoa học - công nghệ trong SX, xác định quy mô, mô hình phù hợp và thu hút DN tham gia đầu tư phát triển SX, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn. Để thực hiện được cánh đồng lớn, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo “dồn điền đổi thửa”, cho thuê, chuyển nhượng đất để tạo cánh đồng lớn, SX tập trung.
    Hiện tại, huyện đã tập trung chỉ đạo thử nghiệm và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế mang tính ổn định và bền vững, nhất là các mô hình có thể áp dụng rộng rãi quy mô kinh tế hộ gia đình.
   Tất cả những giải pháp trên của huyện Hải Lăng nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt gần 30 triệu đồng. Chúng tôi không dừng lại ở mốc đạt chuẩn mà xác định là phải phấn đấu không ngừng, nhất là vấn đề xóa nghèo bền vững cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, mục tiêu của huyện đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm.
Xin cảm ơn ông!

                                                                       
                                                          Bê tông hóa gần 270 km đường GTNT

Sau 5 năm, huyện Hải Lăng đã bê tông hoá được gần 270 km đường GTNT, nhân dân tự nguyện hiến 164.181 m2 đất các loại để mở rộng đường, thắp sáng đường quê 266,9 km với 5.398 bóng điện. Có 2.754 hộ dân của 19 xã thực hiện cải tạo vườn tạp, 3.408 hộ chỉnh sửa, xây dựng mới cổng, tường rào, 1.476 hộ xây dựng mới nhà vệ sinh, 1.166 hộ xây dựng mới nhà tắm... Tổng vốn đầu tư cho các hoạt động "Chỉnh trang nông thôn" do nhân dân tự đóng góp ước tính trên 170 tỷ đồng.  
                                                                          Phấn đấu có 2 xã đạt chuẩn
Huyện Hải Lăng phấn đấu đến cuối năm 2015 có 2 xã là Hải Thượng và Hải Phú đạt 19 tiêu chí, có 3 xã đạt 16 tiêu chí, 1 xã đạt 15 tiêu chí, 1 xã đạt 14 tiêu chí, 3 xã đạt 13 tiêu chí, 3 xã đạt 12 tiêu chí, 5 xã đạt 11 tiêu chí, 1 xã đạt 9 tiêu chí. Để làm được như vậy, ngoài sự vào cuộc của người dân và hệ thống chính trị địa phương, huyện đã huy động các nguồn lực để giúp 2 xã trên sớm có kết quả tốt. Tranh thủ các chương trình, dự án đầu tư, kêu gọi con em quê hương, sinh sống trên mọi miền đất nước đóng góp xây dựng, kiến thiết quê hương.

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập96
  • Hôm nay9,268
  • Tháng hiện tại72,893
  • Tổng lượt truy cập8,166,429
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây