Nông dân Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới
Thứ ba - 13/10/2015 04:28
Xác định rõ vai trò chủ thể của cán bộ, hội viên trong xây dựng nông thôn mới (NTM), ngay từ khi có văn bản chỉ đạo của cấp trên, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở hội bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mỗi cán bộ, hội viên, nông dân nắm rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, đưa nội dung xây dựng NTM là một trong ba phong trào thi đua trọng tâm của công tác hội.
Nhận thức rõ nông dân là lực lượng nòng cốt trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, là chủ thể trong xây dựng NTM, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai 19 tiêu chí xây dựng NTM đến cán bộ hội chủ chốt của huyện, thị xã, thành phố; vận động hội viên nông dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở ”. Trong các cuộc họp dân ở thôn, xóm, cụm dân cư, các hội viên góp ý kiến vào dự thảo đề án, quy hoạch xây dựng NTM; tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công làm vốn đối ứng xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, tham gia dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng thu nhập cao để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích; giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất xây dựng các khu trung tâm thôn, xã, nhất là các xã điểm xây dựng NTM. Qua đó, góp phần quan trọng đưa kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhân dân tự nguyện hiến trên 300.000 m2 đất, đóng góp 97 tỷ đồng và 833.443 ngày công, làm mới sửa chữa 3.714 km đường giao thông, xây dựng hơn 100 cổng làng, nâng cấp hàng trăm cây số kênh mương nội đồng. Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động ở nông thôn. Chỉ tính riêng năm 2014, toàn tỉnh có gần 24.000 hộ đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Ngoài ra, nông dân còn đóng góp nhiều cách làm hay, giải quyết được những vấn đề khó như dồn điền đổi thửa, di dời mồ mả… Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội càng được tăng cường, bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống người nông dân ngày càng được cải thiện. Hiện toàn tỉnh có hàng chục nghìn hội viên đăng ký phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Nhằm giúp hội viên tiếp cận với những kiến thức, phương thức mới trong chăn nuôi, trồng trọt cũng như được đào tạo nghề theo đúng nhu cầu thực tế, trong 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức gần 100 lớp dạy nghề với 2.533 học viên được tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; chỉ đạo Hội Nông dân các cấp mở thêm 298 lớp với 9.014 lao động tham gia. Công tác hỗ trợ nông dân vay vốn được chú trọng đúng mức. Hội Nông dân các cấp phối hợp với hệ thống ngân hàng trên địa bàn ủy thác vốn vay cho hội viên, nông dân. Ngoài ra Hội Nông dân tỉnh tranh thủ nguồn vốn phi chính phủ, vốn hỗ trợ của Trung ương Hội lên đến hàng trăm tỷ đồng/năm. Từ nguồn vốn vay, nhiều mô hình làm ăn hiệu quả như chăn nuôi lợn-cá, nuôi cá chình lồng, chăn nuôi bò lai, phát triển cao su, hấp sấy cá... giải quyết từ 10-15 lao động trên mỗi mô hình.
Đồng chí Lê Phúc Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Thời gian tới, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia hiến đất, làm đường giao thông nông thôn, các hộ gia đình đều có nhà vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi gia súc cao ráo, sạch sẽ; đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Tham gia xây dựng thôn, bản, làng, xã văn hóa. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt hiệu quả cao hơn nữa. Đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hoá nông thôn, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao quần chúng... Kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân, từ đó phản ảnh với Đảng, Nhà nước có những chủ trương, chính sách phù hợp đầu tư, hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Bên cạnh đó, các cấp hội dựa trên yêu cầu thực tiễn, thế mạnh của từng địa phương để lựa chọn, ưu tiên những tiêu chí cần thực hiện trước như vệ sinh môi trường, dạy nghề cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng gia đình, thôn, làng văn hóa gắn với xây dựng NTM”.