Nét nổi bật ở huyện Cam Lộ qua 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là đã huy động hơn 900 tỷ đồng xây dựng hạ tầng cơ sở. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2015, huyện Cam Lộ đã huy động được 105 tỷ, trong đó 99 tỷ từ nguồn ngân sách, dân đóng góp, vốn từ doanh nghiệm, Hợp tác xã và các nhà hảo tâm. Kết quả đã đầu tư xây dựng gần 90 km đường giao thông, kiên cố hóa hơn 25 km kênh mương, sửa chữa và nâng cấp trên 66 công trình thủy lợi, xây dựng mới thêm nhiều trường học, trạm xá, nhà văn hóa, hội trường thôn, cổng chào, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân bóng đá, bóng chuyền, phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thực hiện công trình điện thắp sáng đường quê. Trong đó người dân đã có sự đồng thuận cao, phát huy vai trò làm chủ, thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi.
Ông Nguyễn Đình Khai ở xã Cam An, một trong 3 xã được UBND huyện Cam Lộ chọn làm xã thí điểm xây dựng nông thôn mới cho hay: Không chỉ hiến đất, hiến cây, đóng góp công sức và tiền của, trong những năm qua có 1 việc làm mà người dân nơi đây đã làm tốt được cấp trên đánh giá cao đó là di dời mồ mã. Do tập tục sinh sống trước đây để lại, phần lớn mồ mã xen lẫn giữa các cánh đồng không chỉ làm mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nên khi xã và thôn có chủ trương quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, thông qua tuyên truyền, vận động của các tổ chức đoàn thể, các bậc cao niên có uy tín cao trong làng, các trưởng họ tộc, ban đầu vẫn còn 1 số hộ gia đình do dự nhưng rồi ai cũng nhất trí và quyết tâm làm nên đến nay các ngôi mộ đều đã di dời. Nhờ vậy có điều kiện để mở rộng đường giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương và đưa vào sản xuất thêm 0,5 ha đất trồng lúa.
Đồng thời, để giúp cho người dân có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, huyện Cam Lộ đã tích cực chỉ đạo các xã dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, khảo nghiệm giống mới, thâm canh cây lúa, hỗ trợ giống, phân bón, mở các lớp tập huấn kỹ thuật, dạy nghề, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả. Đặc biệt là trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, mở rộng diện tích và chăm sóc cao su tiểu điền, phát triển kinh tế vùng lạc, phục hồi và trồng mới hồ tiêu, trồng cỏ, chăn nuôi bò theo hướng thâm canh. Do đó đã nâng thu nhập bình quân đầu người lên 26,2 riệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo nay giảm chỉ còn 6%.
Hồ tiêu ở vùng Cùa, Cam Lộ Ông Nguyễn Thành Công, Phó trưởng phòng nông nghiệp huyện Cam Lộ cho biết: Thực tế cho thấy, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, trong mấy năm trở lại đây, người dân trên địa bàn đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sản xuất nông nghiệp đã hình thành các vùng tập trung, chuyên canh, áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ, kinh tế trang trại, gia trại phát triển mạnh.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Cam Lộ, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã có những đóng góp quan trọng. Không chỉ tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi người dân có ý thức làm chủ, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, tham gia bảo vệ môi trường mà còn triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.
Cùng với việc huy động mọi nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn xây dựng, sửa chữa nhà ở, sản xuất, chăn nuôi, tín chấp, nhận ủy thác và tạo điều kiện cho người dân vay vốn, xây dựng các mô hình trình diễn. Bên cạnh đó nhận tự quản những con đường xanh, sạch, đẹp, xây dựng các mô hình Tổ dân phố không có rác, Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội, Làng không có người sinh con thứ 3 trở lên, dòng họ hiếu học, gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền.
Cho đến nay toàn huyện có 4/9 xã, thị trấn đạt danh hiệu đơn vị điển hình văn hóa, 96,4% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Chính nhờ vậy tính đến thời điểm này, ở huyện Cam Lộ có 1 xã đạt 16/19 tiêu chí, 5/8 xã đạt 15 tiêu chí, 2 xã còn lại đạt 14 tiêu chí.
Ông Hoàng Bá Tiệu, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Cam Lộ nhấn mạnh: Có được kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, Chính quyền, sự phấn đấu nỗ lực của khối đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã vào cuộc một cách quyết liệt, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới" gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ Hiện nay huyện Cam Lộ đang tập trung hỗ trợ cho 2 xã Cam Nghĩa và Cam Thủy về đích xây dựng nông thôn mới trong năm 2015. Đồng thời tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động 1 cách có hiệu quả các nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, ưu tiên đầu tư vốn cho phát triển sản xuất, tập huấn kỹ thuật, dạy nghề, có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và mang tính bền vững. Bên cạnh đó làm tốt hơn nữa việc chỉnh trang nông thôn, bảo vệ môi trường, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.