Đến nay, toàn huyện có 210 hộ nông dân đăng ký thực hiện các mô hình như nuôi bò đực giống, lợn đực giống, gà, vịt bố mẹ, xây dựng hầm bioga, đệm lót sinh học gà, lợn với tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đến nay đã thẩm định và cho 67 hộ nông dân vay vốn với tổng số tiền là 9.144 triệu đồng, dư nợ cho vay 8.954 triệu đồng, tiến hành chi trả lãi hỗ trợ cho 43 hộ với số tiền 109,059 triệu đồng. Mở rộng diện tích rừng trồng đến nay đạt 15.717,4 ha. Sản lượng gỗ khai thác năm 2017 đạt 81.516 m3.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường. Chất lượng rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt, có 32 hộ tham gia hội chứng chỉ rừng Quảng Trị với 340 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật được tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Công tác rà soát, thu hồi đất rừng kém hiệu quả đối với các tổ chức đang sử dụng đất trên địa bàn huyện được chỉ đạo tích cực. Theo đó, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Triệu Hải đã bàn giao cho huyện 420 ha đất rừng để giao lại cho UBND xã Triệu Ái quản lý, xây dựng phương án và triển khai thực hiện vào năm 2019. Hai xã Triệu Ái và Triệu Thượng chuyển đổi 24 ha rừng trồng sang trồng dứa nguyên liệu.
Sau sự cố môi trường biển năm 2016, sản xuất ngành thủy sản trên địa bàn các xã ven biển đang đi vào ổn định và tăng trưởng trở lại. Tổng sản lượng thuỷ sản năm 2017 đạt 5.266 tấn, tăng 1.060 tấn so với năm 2016; tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 211.478 triệu đồng, tăng 28,3% so với năm 2016, đạt 120% kế hoạch năm. Hiện toàn huyện có 524 chiếc tàu thuyền đánh bắt thủy sản, trong đó tàu xa bờ trên 90 CV 18 chiếc, tàu gần bờ dưới 90 CV 395 chiếc, tàu thuyền không lắp máy 111 chiếc, giải quyết việc làm cho 1.301 lao động. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về xây dựng các mô hình sinh kế ở các xã ven biển, UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn các xã lựa chọn đối tượng hỗ trợ đầu tư xây dựng 64 mô hình ở 64 hộ, nhóm hộ gồm 9 mô hình trồng cỏ nuôi bò, 21 mô hình nuôi gà thả vườn, kết hợp trồng trọt, 16 mô hình nuôi lợn sinh sản, 8 mô hình nuôi lợn thịt kết hợp nuôi cá, chăn nuôi tổng hợp, 10 mô hình trồng ném, kiệu, mướp. Các mô hình sản xuất đều có lãi, giải quyết việc làm cho 139 lao động, tạo nguồn thu nhập, góp phần ổn định đời sống cho ngư dân.
Bên cạnh đó, huyện Triệu Phong chú trọng triển khai sản xuất cánh đồng lớn ở 23 HTX với diện tích 800 ha, trong đó lúa 780 ha, màu 20 ha (quy mô tập trung từ 25-30 ha/cánh đồng đối với cây lúa, 5 ha trở lên đối với cây màu). Việc triển khai xây dựng cánh đồng lớn đã thực hiện đồng bộ như sản xuất một giống, một vùng, một thời gian, một quy trình, tuy chưa liên kết được đầu ra nhưng nhờ thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật sử dụng phân bón qua lá, ứng dụng chương trình 1 phải 5 giảm đã cho năng suất cao, tăng hiệu quả kinh tế từ 5-7% so với sản xuất thông thường. Sản xuất lúa theo hướng canh tác tự nhiên 23,5 ha tại 4 xã Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Tài, Triệu Trạch, năng suất bình quân trong năm đạt 40 tạ/ha, thấp hơn hình thức canh tác thông thường 20-25% nhưng giá bán sản phẩm cao gấp 2 lần, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại được phát triển mạnh. Trong năm 2017 Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã hỗ trợ người dân đầu tư mới 5 trang trại, diện tích 24,4 ha, 12 gia trại, diện tích 6,5ha. Chỉ đạo xây dựng 2 mô hình sản xuất công nghệ cao là rau sạch trong nhà kính và cây măng tây xanh ở xã Triệu Trạch, quy mô 1ha, sản xuất rau an toàn trong nhà lưới ở xã Triệu Đông, quy mô 1 ha.
Trong năm 2018 và vụ đông xuân năm 2017- 2018, các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu đưa giá trị sản lượng nông- lâm- ngư toàn huyện năm 2018 đạt 1.156.651 triệu đồng, trong đó nông nghiệp 850.738 triệu đồng, ngư nghiệp 226.204 triệu đồng, lâm nghiệp 79.709 triệu đồng. Theo đó, UBND các xã căn cứ đặc điểm, điều kiện của địa phương, tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2018 và giai đoạn 2018- 2020, bảo đảm thực hiện tốt các nội dung theo nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp của Huyện uỷ, HĐND huyện, các đề án của UBND huyện để lập kế hoạch sản xuất cánh đồng lớn, phát triển kinh tế gia trại, trang trại, diện tích lúa canh tác tự nhiên, mô hình sản xuất công nghệ cao. Chuyển đổi diện tích trồng sắn sang trồng ngô, đậu xanh. Phát triển trồng rừng FSC, trồng rừng cây gỗ lớn, cây cao su và phát triển chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thuỷ sản. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và thực hiện chuyển đổi, tái cơ cấu, nâng cao giá trị sản xuất ngành nônglâm- thuỷ sản. Các HTX rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp, đảm bảo các khâu dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp cho xã viên. Thực hiện việc huy động vốn góp xã viên, xây dựng kế hoạch chuyển đổi nội dung hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Động viên, khuyến khích nông dân sản xuất ngô, rau các loại vụ thu đông để nâng cao giá trị sử dụng đất, tăng thu nhập.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn