Tìm giải pháp chuyển đổi sinh kế phù hợp và bền vững cho người dân vùng biển

Thứ năm - 07/12/2017 22:04
Sự cố môi trường biển miền Trung tháng 4/2016 đã làm thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là người dân ven biển thuộc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Ngày 24/7/2017, Bộ Y tế đã chính thức công bố thủy sản miền Trung an toàn. Tuy nhiên, người dân ven biển đã và đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong việc khôi phục sinh kế cũ cũng như chuyển đổi sinh kế phù hợp theo hướng bền vững.
Tìm giải pháp chuyển đổi sinh kế phù hợp và bền vững cho người dân vùng biển

Theo kết quả điều tra, đánh giá tác động do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và Ủy ban Y tế Hà Lan Việt Nam (MCNV) thực hiện tại 16 xã, thị trấn của 4 huyện bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển là Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng, thì sau 18 tháng kể từ ngày xảy ra sự cố môi trường biển, lao động tham gia các nhóm sinh kế cơ bản hồi phục, tuy nhiên mức độ hồi phục mỗi nhóm là khác nhau. Nhóm nghề đơn giản ven bờ với hơn 7.000 lao động được đánh giá phục hồi khoảng 75%, nhóm nghề buôn bán nhỏ với 5.800 lao động nghề buôn bán nhỏ phục hồi khoảng 70%, và nhóm nghề du lịch ven biển với hơn 2.100 lao động phục hồi khoảng 70%. Các nhóm sinh kế đánh bắt gần bờ cơ bản phục hồi hoàn toàn, tuy nhiên do sản lượng đánh bắt sụt giảm mạnh nên đang xảy ra xu hướng giảm thời gian đánh bắt và họ đang tìm thêm công việc lao động phổ thông để kiếm thêm thu nhập. Theo ước tính, hiện nay có khoảng 3.000 đến 3.500 lao động mất việc làm, các lao động này đang thất nghiệp hoặc đang lao động phổ thông trong, ngoài tỉnh hoặc đi xuất khẩu lao động.

 

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tìm hướng phát triển và ngành nghề phù hợp với người dân các xã ven biển, ngay sau khi có sự cố môi trường biển xảy ra, chính quyền các cấp đã huy động 9,1 tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ 77 mô hình chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản cho 1.145 hộ gia đình tại địa bàn 16 xã, thị trấn. Mặt khác, đã có nhiều chính sách của Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho phát triển thủy sản và ngư nghiệp. Các chính sách có tác động lớn được ghi nhận như Nghị định số 67/2014/NĐ-CP 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; Quyết định 48/2010/QĐ-TTg: khuyến khích, hỗ trợ khai thác và nuôi trồng thủy hải sản; Quyết định 21/2016/QĐ- UBND về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay nông nghiệp; Đề án 1956/QĐ-TTg về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Ngoài ra, Chính phủ đã kịp thời ban hành các quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho người dân, quyết định bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển, quyết định hỗ trợ phát triển một số cây con chủ lực… để tạo mọi điều kiện hỗ trợ, tiếp sức cho người dân vùng biển vực dậy sau sự cố môi trường.

 

Bên cạnh hiệu quả tích cực khi triển khai thực hiện các chính sách, đánh giá này cũng chỉ ra một số vấn đề như nguồn lực hỗ trợ hạn chế so với nhu cầu; một số chính sách vận dụng nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia nên chỉ giải quyết một phần vấn đề; một số chính sách không tiếp cận được do vướng mắc khi triển khai tại địa phương như vay vốn sản xuất theo Quyết định 21; vay vốn xuất khẩu lao động theo Quyết định 12. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận thực tế là từ con số điều tra chỉ có 38% hộ gia đình có đất nông nghiệp với diện tích bình quân 1.800m2 , còn khoảng 1.700 ha đất vùng cát chưa sử dụng, đất bỏ hoang vụ hè thu khoảng 558 ha và vụ đông xuân khoảng 204 ha; có thể thấy người dân vùng biển không mấy mặn mà với hoạt động sản xuất nông nghiệp và để lãng phí nguồn tài nguyên đất nông nghiệp cho cơ hội chuyển đổi sinh kế.

 

Từ các kết quả điều tra, khảo sát, các đơn vị thực hiện đã đề ra các nhóm giải pháp liên quan đến cải thiện tài sản sinh kế của cộng đồng; phục hồi và chuyển đổi sinh kế phù hợp; tiếp cận các cơ hội, hạn chế thách thức và duy trì kết quả sinh kế bền vững. Những cách làm cụ thể đã được đề xuất, như cần thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới và các tổ/nhóm phụ nữ nhằm khuyến khích người người dân tham gia các tổ/nhóm, tăng năng lực liên kết thị trường; lồng ghép chương trình mỗi làng mỗi sản phẩm để xây dựng thương hiệu tập thể cho một số sản phẩm như cá khô Gio Việt, nước mắm Hải An … Thành lập Quỹ ủy thác vay vốn vay xuất khẩu lao động để giúp người dân vùng biển có cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu lao động. Liên kết với tư nhân và các đơn vị nghiên cứu giới thiệu và nhân rộng các công nghệ sạch như lò hấp cá hơi nước; lò sấy tiết kiệm năng lượng và đèn LED tàu cá nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả về môi trường…

 

Trong việc hỗ trợ ngư dân làm nghề đánh bắt thủy sản có phương án khai thác phù hợp, cần thực hiện khảo sát trữ lượng và đa dạng sinh học thủy hải sản trên biển để người dân có thông tin chính xác về thực trạng sản lượng thủy sản và đa dạng sinh học thủy sản hiện nay. Giới thiệu và thí điểm các mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ mới trên biển và trên đất liền. Trong bối cảnh có sự giảm sút nguồn lợi thủy sản như hiện nay, cần có sự hỗ trợ chuyển đổi khai thác tầng đáy sang tầng nổi phù hợp với thực trạng nguồn lợi thủy sản; ứng dụng công nghệ đánh bắt cho nhóm khai thác gần bờ và tăng cường đào tạo nghề đánh bắt xa bờ; nhân rộng các công nghệ đánh bắt mới đảm bảo bền vững trong khai thác và phù hợp trong điều kiện hiện tại. Đối với sản xuất nông nghiệp trên vùng cát, cần xây dựng dự án để cải tạo 1.700 ha đất vùng cát bằng các phương pháp như than sinh học và phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp để tạo thêm nguồn lực tự nhiên cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Thực hiện phân tích thổ nhưỡng, nguồn nước gắn với điều kiện khí hậu để xây dựng bản đồ về cây trồng cho các xã, thị trấn vùng biển…

 

Về phương án chuyển đổi sinh kế mới hoặc phát triển sinh kế phụ, cần có sự liên kết với các nhà máy, công ty xây dựng dự án đưa xưởng về nông thôn nhằm tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ mất việc làm hoặc đang tìm kiếm công việc lao động phổ thông tại địa phương khác. Ngoài ra, trong xu thế ngày càng có nhiều lao động biển muốn tìm kiếm cơ hội việc làm thông qua xuất khẩu lao động, chính quyền các cấp cũng cần đánh giá nhu cầu thị trường và tổ chức đào tạo nghề phù hợp thị trường, đặc biệt quan tâm đến nhóm lao động trẻ dưới 35 tuổi có nhu cầu và khả năng tham gia vào các thị trường lao động trong và ngoài nước để hạn chế rủi ro cho người lao động.

 

Cùng với những giải pháp mang tính cụ thể và có định hướng lâu dài, nhóm nghiên cứu cũng đề ra các dự án dự kiến thực hiện từ năm 2018 - 2022 liên quan đến khôi phục sinh kế, chuyển đổi sinh kế, cải thiện sức khỏe cộng đồng và nền tảng, nâng cao năng lực HTX và tổ hợp tác và nhóm phụ nữ nhằm cụ thể hóa các đề xuất ổn định đời sống và cải thiện sinh kế. Mục tiêu hướng đến là cùng với chính quyền địa phương giúp nhân dân 16 xã, thị trấn vùng biển thay đổi tập quán, phương thức sản xuất để phát triển bền vững.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập163
  • Hôm nay1,099
  • Tháng hiện tại31,648
  • Tổng lượt truy cập9,581,233
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây