Chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển

Thứ tư - 10/01/2018 21:41
Để thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tỉnh Quảng Trị đã ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi. Trong đó phải kể đến chính sách về hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh theo Quyết định 21/2015/QĐ-UBND ngày 14/9/2015 của UBND tỉnh nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020.
Nhân viên Agribank chi nhánh huyện Triệu Phong hoàn tất thủ tục vay vốn cho khách hàng
Nhân viên Agribank chi nhánh huyện Triệu Phong hoàn tất thủ tục vay vốn cho khách hàng

Với lợi thế là ngân hàng có mạng lưới rộng khắp trong cả nước, am hiểu, gắn bó với từng địa phương và nhận thức rõ tầm quan trọng của Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Quảng Trị (Agribank Quảng Trị) đã chủ động triển khai các nội dung về hỗ trợ vốn tín dụng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đối với cho vay xây dựng nông thôn mới tập trung vào nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến việc hỗ trợ lãi suất để phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo Quyết định 21 ngày 14/9/2015 của UBND tỉnh.

 

Theo đó, đối tượng áp dụng là những hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác nông nghiệp, chủ trang trại vay vốn đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo đề án xây dựng nông thôn mới tại 117 xã. Ưu tiên hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất các loại cây trồng, con nuôi theo hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ, theo mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh. Việc hỗ trợ lãi suất chỉ áp dụng cho các dự án cho vay mới ngắn hạn, trung hạn và dài hạn thỏa mãn điều kiều kiện cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng cho vay để đầu tư trực tiếp vào sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ theo cơ chế tín dụng thông thường. Trong đó, mức hỗ trợ lãi suất được thực hiện dưới hình thức ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% số tiền lãi cho khách hàng vay trong suốt thời hạn cho vay đối với khoản cho vay ngắn hạn. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất đối với 2 năm đầu, từ năm thứ 3 trở đi hỗ trợ 30% lãi suất cho các khách hàng vay vốn tại các ngân hàng cho vay đối với khoản vay trung hạn và dài hạn.

 

Tính đến ngày 30/11/2017, Agribank Quảng Trị đã giải ngân được 20 tỷ 592 triệu đồng với 126 hộ gia đình, cá nhân được vay vốn. Trong đó lĩnh vực vay đầu tư vào trồng trọt là 1 tỷ 901 triệu đồng, vay phát triển chăn nuôi là 7 tỷ 268 triệu đồng, vay nuôi trồng thủy sản 150 triệu đồng, vay phát triển kinh tế trang trại là 500 triệu đồng. Huyện giải ngân vốn cao nhất là Triệu Phong 10 tỷ đồng, Cam Lộ hơn 3 tỷ đồng; huyện thấp nhất là Vĩnh Linh chỉ 84 triệu đồng…

 

Việc xét chọn dự án cho vay có hỗ trợ lãi suất được thực hiện từ cơ sở, đúng đối tượng, đảm bảo tính công khai, dân chủ, minh bạch. Khách hàng vay vốn có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới của xã, quy hoạch và phương án phát triển sản xuất của phường, thị trấn được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng phải chứng minh được hiệu quả kinh tế mang lại cho chính người sản xuất, kinh doanh và khả năng hoàn trả vốn vay theo quy định của ngân hàng cho vay. Sản phẩm cuối cùng làm ra phải là sản phẩm hàng hóa có chất lượng, phù hợp nhu cầu thị trường, gắn kết được giữa sản xuất với các cơ sở chế biến hiện tại và có khả năng kết nối với sản phẩm cùng loại trong cả tỉnh để hình thành vùng hàng hóa có sản lượng lớn, ổn định lâu dài. Khuyến khích phát triển sản phẩm mới, sản phẩm mang tính đặc trưng của các vùng, miền trong tỉnh.

 

Ông Lê Tùng, Giám đốc Chi nhánh Agribank huyện Triệu Phong cho biết: “Năm 2017, chi nhánh được giao định mức hỗ trợ lãi suất là 550 triệu đồng theo Quyết định 21 của UBND tỉnh, tương đương với số vốn giải ngân là 11 tỷ đồng. Với đặc thù là huyện thuần nông, người dân rất cần vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao đời sống nên từ khi có chủ trương hỗ trợ lãi suất của UBND tỉnh, nông dân trong huyện rất phấn khởi. Tính đến cuối tháng 11/2017, chi nhánh đã giải ngân được 10 tỷ đồng và dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ tiếp tục giải ngân thêm 1 tỷ đồng để hoàn thành kế hoạch tỉnh giao”.

 

Qua thực tế tìm hiểu về quá trình triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 21 của UBND tỉnh, chúng tôi nhận thấy hiệu quả rõ nét của các dự án cho vay. Với mức lãi suất 10%/năm của Agribank đưa ra thì người vay được hỗ trợ 5% (tương đương 50% về lãi suất cho vay), chỉ còn trả 5% lãi suất nên đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho đối tượng vay do chi phí “đầu vào” thấp, nhờ đó người dân tổ chức sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Qua khảo sát thực tế ở huyện Triệu Phong cho thấy các hộ vay đã phục hồi được đàn lợn, bò sau khi giá của hai vật nuôi này liên tục xuống thấp, người chăn nuôi không có lãi. Đơn cử như các hộ ông Nguyễn Văn Lý ở xã Triệu Vân, Lê Đình Vững ở xã Triệu Trạch đã vay vốn phát triển mô hình chăn nuôi lợn theo hướng gia trại với khoảng 100-200 con lợn; hộ ông Nguyễn Văn Thạnh ở xã Triệu Vân vay vốn để phát triển đàn bò hơn 30 con.

 

Theo đánh giá của cán bộ tín dụng thì hiện nay chất lượng đàn gia súc, gia cầm của các hộ vay đang sinh trưởng, phát triển tốt, hy vọng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Từ hiệu quả thực tế mang lại của chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất trên địa bàn huyện Triệu Phong đã nảy sinh nhu cầu vay vốn ngày càng nhiều hơn đối với nông dân. Vì vậy, ông Lê Tùng kiến nghị với UBND tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ mức vay lớn hơn đối với các mô hình phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại có quy mô lớn. Căn cứ theo nhu cầu vay của địa phương trong năm 2018, đề nghị UBND tỉnh nâng nguồn phân bổ cho địa phương khoảng 1,5 tỷ đồng để chi nhánh lập kế hoạch tiến hành giải ngân khoảng 20 tỷ đồng theo như định hướng phát triển của huyện Triệu Phong.

 

Với cam kết tiếp tục đồng hành với chương trình xây dựng nông thôn mới, Agribank Quảng Trị chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay nông nghiệp, nông thôn, quan tâm đến việc đổi mới phương thức cho vay, cải tiến quy trình, đơn giản thủ tục cho vay, tiết kiệm chi phí cho vay để hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội để đóng góp nhiều hơn nữa cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó có thể khẳng định rằng chính sách về hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 21 của UBND tỉnh đang là động lực to lớn để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở nhiều địa phương trong tỉnh, phát huy tiềm năng, lợi thế để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập503
  • Hôm nay2,003
  • Tháng hiện tại32,552
  • Tổng lượt truy cập9,582,137
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây