Cùng với một số địa phương khác, được sự hỗ trợ của dự án (WB7), vụ đông xuân 2016-2017, HTX Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh triển khai thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa và nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích”, thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu. HTX Phước Thị có tổng diện tích trồng lúa là 146 ha, năng suất bình quân 47-53 tạ/ha. Thông thường, thời vụ gieo trồng trong vụ đông xuân từ ngày 5- 15/1 hàng năm, đúng theo lịch thời vụ chung của tỉnh để tránh những bất lợi khi lúa ở giai đoạn trổ bông. Tuy vậy, với điều kiện thời tiết của tỉnh thì trong vụ đông xuân thường xuyên bị ảnh hưởng của lụt tiểu mãn ngày 21/5, do đó các diện tích gieo sạ trà sau hoặc giống dài ngày bị ảnh hưởng rất lớn. Về phương thức làm đất, người dân tuân thủ phương thức không cày ngâm hoặc cày ải (tùy theo vụ). Trước khi gieo sạ 15- 20 ngày tiến hành cày lần 1 sau đó 5-7 ngày trước khi sạ cày lần 2 và bừa nhuyễn trước khi gieo sạ. Với cách làm đất truyền thống như trên đã làm giảm độ dày của tầng canh tác, đất bị dí chặt và hạn chế bộ rễ lúa phát triển, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây lúa. Phần lớn các nông hộ tại địa phương không bón phân chuồng và các loại phân hữu cơ khác. Các loại phân vô cơ các nông hộ sử dụng gồm đạm, lân, NPK, kali và vôi bột. Tuy nhiên, việc bón lân và vôi lại không thường xuyên. Phương thức bón phân của người dân là kết hợp bón phân đơn và phân hỗn hợp NPK. Như vậy, với việc bón vôi không thường xuyên và không sử dụng phân chuồng/ hữu cơ để bón lót đang là một tồn tại lớn trong canh tác lúa của các nông hộ trong mô hình, hậu quả là đất ngày càng bị thoái hóa và hiệu quả sử dụng phân bón thấp. Mặt khác, việc bón kết hợp phân đơn và phân hỗn hợp sẽ làm tăng chi phí trong sản xuất, từ đó làm giảm hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa của các nông hộ. Với việc áp dụng phương thức tưới theo phiên cấp nước, cứ theo chu kỳ 10 ngày thì thủy nông sẽ đưa nước về 1 lần, sau khi nước về kênh mương tưới thì việc điều tiết nước mặt ruộng do nông dân tự làm, do đó chưa đảm bảo để chủ động tưới và tiêu vào những thời điểm hạn đầu vụ hè thu, lũ tiểu mãn vụ đông xuân và lũ cuối vụ hè thu.
Triển khai xây dựng mô hình “Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa và nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích”, các hộ dân tham gia mô hình đã tuân thủ thực hiện “một phải, năm giảm”. Cụ thể, sử dụng giống lúa mới ngắn và trung ngày có năng suất, chất lượng tốt, áp dụng công cụ sạ hàng thay cho sạ lan với lượng giống là 70 kg/ ha, bón phân cân đối với việc tăng cường bón vôi, phân chuồng và phân hữu cơ vi sinh, bón phân vào các giai đoạn theo nhu cầu sinh lý của cây lúa, đặc biệt là giảm lượng đạm thông qua bảng so màu lá lúa để bón. Cùng với đó, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM… đã tăng năng suất lúa so với đại trà lên 20% ở cả vụ đông xuân và hè thu, hiệu quả tăng so với đại trà là 4,4 triệu đồng/ha ở vụ đông xuân và 7,1 triệu đồng ở vụ hè thu. Ông Nguyễn Giang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Thị cho biết: “Triển khai sản xuất mô hình theo phương pháp nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hâu, người nông dân nhàn hơn rất nhiều, tuân thủ đúng quy trình, giảm thuốc trừ sâu bảo vệ sức khỏe, tỉa dặm nhanh tiết kiệm công, tưới đúng quy trình tiết kiệm nước…Hơn thế, năng suất sản lượng tăng nên ai cũng phấn khởi và tin tưởng vào mô hình. Từ việc thí điểm 24 ha, vụ này HTX chúng tôi triển khai làm 64 ha theo mô hình”.
Ngoài HTX Phước Thị của xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, hiệu quả mô hình cũng thể hiện rõ khi triển khai ở các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh), Gio Quang, Gio Thành (Gio Linh) và xã Cam Thanh (Cam Lộ). Từ kết quả này cho thấy cần thiết nhân rộng biện pháp canh tác mới cho các địa phương khác nằm trong vùng dự án thuộc hệ thống tưới La Ngà và Trúc Kinh - Hà Thượng trong thời gian tới, đặc biệt áp dụng đối với các loại cây hoa màu như lạc, đậu xanh, rau và cây hồ tiêu. Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Để thực hiện được mô hình CSA thâm canh cây lúa, các địa phương tham gia mô hình phải đáp ứng yêu cầu liền vùng, liền thửa, quy mô tối thiểu 10 ha trở lên và đảm bảo hệ thống tưới tiêu chủ động, địa hình bằng phẳng, hạ tầng nội đồng tốt, cam kết tuân thủ thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của dự án. Đối với mô hình CSA thâm canh cây màu cũng phải liền vùng, liền thửa, quy mô tối thiểu 5 ha và đáp ứng các yêu cầu như đối với cây lúa. Riêng đối với cây hồ tiêu, địa phương phải chọn vùng có truyền thống sản xuất cây hồ tiêu với diện tích sản xuất hàng năm tối đa 50 ha/xã, thị trấn, mô hình nhân rộng hồ tiêu phải đảm bảo có diện tích tập trung tối thiểu 5 ha, trong đó các vườn, hộ tham gia phải có diện tích tối thiểu 0,1 ha”.
Mục tiêu chung của dự án cải thiện nông nghiệp có tưới là hỗ trợ các địa phương của dự án trong đó có Quảng Trị cải thiện các hệ thống tưới tiêu và các dịch vụ nông nghiệp phục vụ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường, tăng khả năng thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu và cải thiện đời sống cho cộng đồng nông dân. Để mô hình được nhân rộng, cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, các HTX và đặc biệt là sự đồng thuận tham gia của người dân nhằm mang lại hiệu quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn