Tuy nhiên, việc hỗ trợ cũng như các dự án triển khai thường không mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ bà con thoát nghèo theo hướng bền vững. Một số mô hình phát triển sản xuất được đầu tư xong, một thời gian sau các mô hình có lúc không còn nữa hoặc hiệu quả không cao, không đem lại thu nhập, cải thiện được điều kiện sống của bà con. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại, vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước còn nặng; tập quán sản xuất chủ yếu dựa vào tự nhiên vẫn còn hằn sâu trong mỗi người dân bản Chùa. Vì vậy, thu nhập và điều kiện sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo năm 2016 chiếm đến 95%.
Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu cốt lỏi và xuyên suốt trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, rút kinh nghiệm các mô hình hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất ở Bản Chùa những năm trước, Đảng ủy, UBND xã Cam Tuyền ban hành Đề án “Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ở Bản Chùa giai đoạn 2015-2020”; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng “bắt tay chỉ việc”, hỗ trợ “cần câu thay cho hỗ trợ con cá”. Với cách làm này đã tạo chuyển biến rõ nét trong việc đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế của bà con dân bản.
Một trong những minh chứng thành công của cách làm sáng tạo đó, năm 2017, thực hiện chủ trương phát triển vùng nguyên liệu dứa theo hướng liên kết 4 nhà của Tỉnh Quảng Trị, trong tổng 17 ha xã Cam Tuyền đăng ký, thì bản Chùa đã triển khai thực hiện 12,5 ha, với 24 hộ dân thực hiện. Trong quá trình thực hiện, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo khối đoàn thể, đội ngũ cán bộ phải thường xuyên về họp dân để tuyên truyền vận động bà con chuyển đổi đất rừng sang trồng dứa. Xã đã huy động trên 100 cán bộ, chiến sỹ tiểu đoàn cơ động, đoàn thanh niên, cán bộ công đoàn xã Cam Tuyền về bắt tay chỉ việc, hướng dẫn kỹ thuật cũng như trực tiếp trồng giúp bà con. Nhờ có sự liên kết giữa 4 nhà, nhất là sự vào cuộc một cách tích cực của các cấp chính quyền và cam kết thu mua, bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp nên người dân yên tâm, phấn khởi tham gia.
Ông Hồ Văn Nhiên, Trưởng bản Chùa cho biết: Ban đầu đi vận động người dân rất ngại và lo lắng, vì lâu nay bà con quen với cách sản xuất chủ yếu dựa vào tự nhiên. Cây dứa là cây trồng mới đối với bà con, đòi hỏi quy trình kỹ thuật phức tạp, từ khâu làm đất, bón phân, phủ bạt ni long đến trồng và chăm sóc. Do đó, với trình độ và nhận thức còn hạn chế bà con không dám mạnh dạn thực hiện. Bên cạnh đó nguồn hỗ trợ không phải cho không mà bà con phải chịu các chi phí về giống và phân bón, điều này làm người dân càng lo lắng hơn. Tuy nhiên, khi được các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; có cán bộ về cùng làm, cùng hỗ trợ bà con nên họ thấy yên tâm hơn. Đến nay, dứa đã lên tốt, chúng tôi thực sự mừng, nếu có lãi thì bà con chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng; sau khi được cán bộ hướng dẫn, hiện nay bà con có thể tự trồng chăm sóc được cây dứa.
Để có được mô hình trồng dứa là cả quá trình vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nhằm thay đổi từ nhận thức đến hành động của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhìn những đồi dứa xanh tốt, đang phát triển từng ngày ít ai có thể nghĩ rằng bà con vùng Bản có thể làm được những điều này.
Ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, cho biết: Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, hiện nay xã đã đạt 16/19 tiêu chí. Xã Cam Tuyền đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, là xã đăng ký đạt chuẩn cuối cùng của huyện Cam Lộ. Trong các tiêu chí chưa đạt, chúng tôi xác định tiêu chí hộ nghèo là khó nhất, bởi các tiêu chí như giao thông, chỉ cần có vốn chúng tôi có thể làm được ngay; hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 19,4%, trong đó Bản chùa có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất; việc giảm tỷ lệ hộ nghèo ở bản Chùa thực sự rất khó khăn. Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xã luôn trăn trở trong việc tìm giải pháp nhằm giúp đồng bào bản Chùa thoát nghèo bền vững. Hiện tại, chúng tôi đã thực hiện thành công việc vận động bà con chuyển đổi đất rừng sang trồng dứa theo hướng áp dụng khoa học công nghệ, liên kết 4 nhà. Với cách làm theo hướng bắt tay chỉ việc, hướng dẫn tận tình cho bà con, chúng tôi cơ bản đã thành công với mô hình này. Mô hình trồng dứa hứa hẹn sẽ đem lại thu nhập cao và bền vững cho bà con. Hiện nay, tư duy của bà con đã có sự thay đổi rõ rệt; trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này nếu có hiệu quả và sẽ nghiên cứu triển khai các mô hình phát triển sản xuất khác nhằm giúp bà con Bản Chùa thoát nghèo bền vững.
Đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức thực sự là giải pháp hữu hiệu nếu muốn thoát nghèo bền vững cho bà con người dân tộc thiểu số. Với cách làm sáng tạo trên, hy vọng đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo ở bản Chùa sẽ giảm đáng kể, xã Cam Tuyền sẽ thực hiện hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới; góp phần đưa huyện Cam Lộ sớm trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019