Với cách làm này đã mở ra hướng đi thích hợp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ông Nguyễn Hữu Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khoáng sản Quảng Trị cho hay: Là một đơn vị khai thác ty tan, sau khi hoàn thổ cho các địa phương, chúng tôi nhận thấy cần phải biến những vùng đất hoang hóa này thành nơi tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Do đó, sau nhiều năm nghiên cứu, năm 2016, Công ty đã xây dựng Dự án sản xuất rau củ quả trên đất cát bạc màu theo công nghệ tiên tiến trên diện tích 100 ha ở huyện Vĩnh Linh với tổng số vốn đầu tư là 120 tỷ đồng. Bước đầu, đơn vị đã trồng các loại như ném, cải bẹ, xà lách và măng tây, cà chua, ớt Hàn Quốc, củ cải trắng, thanh long ruột đỏ, dưa lưới trên diện tích 20 ha. Nhờ chọn giống tốt và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt sử dụng công nghệ tưới Israel và hệ thống điều chỉnh tốc độ gió để điều chỉnh lượng đạm, lân, kali trong đất nên các loại cây trồng phát triển rất tốt, cho năng suất, sản lượng rất cao. Từ thành công bước đầu, trong thời gian tới, Công ty sẽ chuyển giao công nghệ và phối hợp với các xã mở rộng diện tích, khai thác có hiệu quả vùng đất cát hoang hóa
Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao ở huyện Hải Lăng Không chỉ Dự án nói trên, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, ở tỉnh Quảng Trị ngày càng thu hút nhiều dự án sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn. Ngoài việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao với một số Tập đoàn của Nhật Bản, Malaysia, Singapo, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án như Tập đoàn cao su Việt Nam xây dựng Nhà máy chế biến gỗ MDF ở Khu công nghiệp Quán Ngang, Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Thái Lan đầu tư khu nuôi tôm công nghiệp với diện tích 50 ha, Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đầu tư phát triển vùng nguyên liệu Dứa hiện có 110 ha, Tập đoàn Đại Nam đầu tư phát triển nền nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình cánh đồng lớn, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, sản xuất lúa hữu cơ, trồng rừng FSC, tái canh cà phê, trồng cỏ, nuôi bò, nuôi gà an toàn sinh học, nuôi lợn có quy mô, nuôi tôm theo hướng thâm canh. Nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn cũng đã hướng mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, triển khai các dự án có quy mô và áp dụng công nghệ tiên tiến như chăn nuôi lợn công nghiệp, trồng tiêu sạch, rau xà lách và dưa lưới, trồng cỏ nuôi bò, sản xuất thức ăn chăn nuôi. Có thể nói, Quảng Trị đang chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nông sản sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, nguồn vốn đầu tư còn thấp. Ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Tỉnh đang tập trung nhiều nguồn lực, huy động lồng ghép các nguồn vốn khác nhau và tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, từng bước thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân ở nông thôn. Bên cạnh đó, trên cơ sở xác định bộ sản phẩm chủ lực của địa phương có lợi thế cạnh tranh, tiến hành rà soát quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông và thủy lợi, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh và các HTX, Tổ hợp tác đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch. Tỉnh cũng đã có chủ trương giao chỉ tiêu cho mỗi huyện, thị, thành phố, tùy theo đặc điểm của địa phương, xây dựng được từ 1-2 mô hình sản xuất nông nghiệp sạch.