Tôn vinh Doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015.
Thứ hai - 03/08/2015 21:25
Ngày 25/7/2015, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 tổ chức Lễ tôn vinh Doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015.
Sau 5 năm thực hiện, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những thành tựu lớn, góp phần vào thực hiện thành công Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 khoá X về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ có khoảng 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cho đến nay, cả nước đã có trên 75.000km đường giao thông nông thôn được cải tạo, nâng cấp, trên 20.000 phòng học các cấp và hàng ngàn nhà văn hoá, trạm y tế, trạm cấp nước sạch, công trình thuỷ lợi được phát triển ở nông thôn. Có trên 19 ngàn mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến, liên kết giữa doanh nghiệp-doanh nhân-nhà khoa học đem lại hiệu quả cao, tăng thêm thu nhập cho người nông dân. Do đó bộ mặt khu vực nông thôn một số vùng quê đã đổi thay rõ rệt, nhất là về hạ tầng, thu nhập (tăng gấp 2 lần so với trước khi thực hiện chương trình). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm. Không chỉ có thế, mà điều quan trọng nữa là trình độ cán bộ cơ sở được nâng cao rõ rệt, dân chủ cơ sở được nâng lên về chất, người dân phấn khởi, tin tưởng hơn vào công cuộc đổi mới của Đảng. Kết quả trên có nguyên nhân chính là: - Chủ trương xây dựng NTM của Đảng là chủ trương rất hợp lòng dân; - Trong thời gian ngắn, từ Trung ương đến địa phương đã xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách cơ bản, đầy đủ và tương đối phù hợp, tạo môi trường tốt để phát huy nội lực của người dân và cả xã hội cho xây dựng NTM; - Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Trong đó có sự đóng góp rất tích cực và có ý nghĩa của khối doanh nghiệp, doanh nhân. Chương trình NTM khởi đầu đúng vào lúc nền kinh tế nước ta suy thoái. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước đã có những đóng góp thiết thực cho xây dựng NTM ở các địa phương, với nhiều phương thức phong phú như: - Liên kết sản xuất tạo điều kiện để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân. - Phát triển các cơ sở sản xuất về khu vực nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương; - Hỗ trợ các địa phương xoá nhà tạm giúp hộ nghèo; - Tài trợ giống cây trồng, vật nuôi, ứng trước vật tư cho các hộ nghèo, giúp họ nhanh thoát nghèo. - Đặc biệt là đã hỗ trợ cho nhiều địa phương xây dựng hạ tầng: giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, sân thể thao... Có thể nói: Trong hoàn cảnh khó khăn của nền kinh tế, mức tham gia của doanh nghiệp chưa được nhiều (mới chỉ chiếm khoảng 5,7% tổng vốn huy động vào xây dựng NTM) nhưng đã tác động rất tích cực cho xây dựng NTM ở nhiều địa phương. Nhất là những nơi còn khó khăn. Những nơi doanh nghiệp đến đầu tư, bộ mặt khu vực nông thôn ở đó đều thay đổi nhanh chóng. Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp đã được xác định là nhiệm vụ chiến lược và trọng tâm của cấp Uỷ, chính quyền các cấp, yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Đó cũng là dư địa rộng lớn để các doanh nghiệp đầu tư. Trong thực tế, tái cơ cấu đang được triển khai ở các địa phương trên cả nước. Trong đó, căn cứ vào định hướng quy hoạch của Trung ương, các tỉnh, thành phố đều xác định những sản phẩm lợi thế, xây dựng các đề án phát triển hàng hoá theo chuỗi giá trị và xác định doanh nghiệp là đầu tàu trong các chuỗi đó. Đối với xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, BCĐ TW đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm sẽ là: - Hoàn thành hệ thống hạ tầng cơ bản nông thôn. - Phát triển sản xuất, tăng thu nhập bền vững cho nông dân. - Cải thiện môi trường cảnh quan nông thôn. - Phát triển văn hoá nông thôn. - Nâng cao chất lượng an ninh nông thôn. - Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xây dựng NTM. Đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực có nhiều rủi ro, có tỷ suất lợi nhuận không cao nhưng sẽ có ý nghĩa quý báu về mặt xã hội, góp phần thiết thực vào nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân nước ta, những người đã có nhiều đóng góp cho cách mạng nhưng còn chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Thu hút Doanh nghiệp về với nông thôn là “chìa khóa” để giải quyết nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, là giải pháp hữu hiệu nhất giúp nông dân nâng cao thu nhập và đời sống, tạo động lực phát triển kinh tế, giảm khoảng cách giữa các vùng miền. Thực hiện Quyết định 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về việc tổ chức tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức khảo sát, phối hợp với Ban Thi đua, Khen thưởng Trung ương và Ban Chỉ đạo một số tỉnh, thành phố nghiên cứu xây dựng tiêu chí lựa chọn. Căn cứ vào từng tiêu chí và đề xuất của Ban chỉ đạo nông thôn mới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng Ban Thi đua, Khen thưởng Trung ương xét các tập thể doanh nghiệp và doanh nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc cho xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trên cả nước, góp phần phát triển hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Thi đua, Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1142/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 về việc tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 65 tập thể và 31 cá nhân đã có đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến năm 2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Lễ Tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 là một sự kiện quan trọng, một điểm nhấn của năm nay,là hoạt động có ý nghĩa thiết thực tổng kết giai đoạn I phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. /.