Phấn đấu có 19 xã đạt chuẩn:
Năm 2015, là năm cuối cùng của giai đoạn 1 trong việc thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (2011-2015), tỉnh đã đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2015 phấn đấu có 19 xã đạt chuẩn (chiếm hơn 15%). Đến thời điểm này tỉnh Quảng Trị đã có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Vĩnh Thủy, Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim), còn lại 16 xã, tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt để đạt được mục tiêu như đã đề ra nhưng chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn.
Khó khăn vẫn là đầu tư cơ sở hạ tầng:
Các tiêu chí về quy hoạch, bưu điện, lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất, điện, giáo dục, tổ chức chính trị xã hội và an ninh trật tự, chợ nông thôn, hộ nghèo và y tế các xã đăng ký về đích năm nay đều đã đạt được. Riêng về các tiêu chí như giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa hầu hết các xã chưa đạt, đang trong giai đoạn hoàn thiện, đây cũng là nhóm tiêu chí khó nhất đối với tất cả các xã trên địa bàn tỉnh, bởi đây là nhóm tiêu chí cần nguồn lực đầu tư lớn trong khi đó đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn nên việc huy động nguồn lực trong dân rất hạn chế, do đó để thực hiện được các tiêu chí này cần thiết phải có sự hỗ trợ đầu tư rất lớn từ ngân sách và các nguồn lực khác.
Tập trung tất cả nguồn lực:
Để các xã về đích năm nay đúng như mục tiêu đã đề ra, Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh đã đưa ra một số giải pháp sau:
Tập trung đầu tư có trọng điểm để dồn lực hỗ trợ cho các xã đã đăng ký về đích trong năm nay bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án ... Qua rà soát bước đầu, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các xã về đích năm nay là: 140.103 triệu đồng. Trong đó, Ngân sách Trung ương, tỉnh: 39.755 triệu đồng; các huyện, thị xã: 13.336 triệu đồng; các xã: 7.173 triệu đồng; vốn lồng ghép các Chương trình, dự án: 45.934 triệu đồng; vốn huy động Hợp tác xã, doanh nghiệp: 4.450 triệu đồng; vốn đóng góp của nhân dân: 28.769 triệu đồng. Năm 2015, tỉnh đã bố trí nguồn ngân sách Trung ương và địa phương cho 16 xã đạt đạt chuẩn năm 2015 là 20.520, như vậy về vốn ngân sách cấp tỉnh cần bổ sung thêm 19.234 để các xã có thể về đích trong năm nay. Ngoài ra, cần tranh thủ các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức chính phủ như Chương trình “Hạnh phúc” của cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc, các tổ chức phi chính phủ và các nguồn lực khác. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, việc hỗ trợ đối với các xã đăng ký đạt chuẩn năm 2015 chỉ đầu tư để hoàn thiện các tiêu chí ở mức đạt tối thiểu theo quy định, tập trung vào các nội dung thực sự cần thiết phục vụ phát triển sản xuất và an sinh xã hội của người dân, việc duy trì, nâng cao các tiêu chí sẽ tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo.
Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, để các xã xây dựng nông thôn mới một cách toàn diện và bền vững, đảm bảo mục tiêu hướng tới là sự hài lòng của người dân về đời sống vật chất lẫn tinh thần, cần phải chú trọng thực hiện các giải pháp giúp cải thiện và ổn định đời sống nhân dân; tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất, liên kết, liên doanh trong xản xuất và tiêu thụ sản phẩm không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm để tăng thu nhập cho người dân.
Các ngành, các cấp, Ban chỉ đạo chương trình các cấp cần có kế hoạch phối hợp, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu để hoàn thành yêu cầu tiêu chí đúng kế hoạch, đồng thời phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất cho người dân nông thôn.
Chặng đường nông thôn mới của giải đoạn 1 đã gần kết thúc, UBND, Ban chỉ đạo tỉnh đang chỉ đạo các ngành và các địa phương chuẩn bị tổng kết 5 năm Phong trào "Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới" kết hợp với phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2010-2015, nhằm đánh giá những ưu, hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm, từ đó có những giải pháp trong quá trình thực hiện giai đoạn 2016-2020. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị xã hội và sự đoàn kết, nổ lực, tự vươn lên của người dân nông thôn chắc chắn rằng phong trào xây dựng nông thôn mới năm nay sẽ đạt được mục tiêu đề ra và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong những năm tới.