Từ công tác điều hành đến hành động “chung sức xây dựng NTM”
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, Tỉnh uỷ Quảng Trị đã ban hành Chương trình hành động số 72-CTHĐ/TU ngày 31/12/2008 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 với các biện pháp tập trung chỉ đạo quyết liệt. Chương trình MTQG xây dựng NTM trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội. Để chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình, các cấp từ tỉnh đến xã, thôn đã kịp thời thành lập và kiện toàn hệ thống chỉ đạo điều hành cụ thể: 8/8 huyện, thị xã thành lập BCĐ cấp huyện, 100% số xã thành lập Ban Quản lý, BCĐ cấp xã, 100% thôn đã thành lập Ban phát triển thôn. Coi trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân dân trên toàn địa bàn tỉnh, nhất là phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng NTM”, hằng năm tổ chức phát động tại một địa phương nhằm làm cho phong trào được duy trì, thường xuyên và liên tục. Hoạt động tuyên truyền được triển khai với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, với các hoạt động tuyên truyền đến tận địa bàn nông thôn theo nhiều chuyên đề hội thi, hội diễn, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay trong xây dựng NTM. Một số hoạt động tuyên truyền sinh động có ý nghĩa được triển khai thực hiện như Gameshow “Vui cùng nhà nông”; Hội thi báo chí viết về NTM do hội nhà báo tổ chức; Ban tuyên giáo Tỉnh ủy xuất bản 3.000 cuốn “Tài liệu tuyên truyền xây dựng nông thôn mới” phát hành đến tận các Chi bộ làm tài liệu sinh hoạt định kỳ. Coi trọng, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, phát hiện kịp thời những cách làm hay, mô hình tốt để động viên, khen thưởng và nhân rộng.
Xác định mục tiêu lớn nhất của chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, Quảng Trị đã chọn cách tiếp cận phù hợp lấy tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân làm khâu đột phá mà trọng tâm là chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1817/QĐ-UBND ngày 9/10/2013 phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM, với nhiều giải pháp chỉ đạo thực hiện nhằm không ngừng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng bền vững của ngành nông nghiệp. Chỉ đạo tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 25/4/2014 về huy động các nguồn lực và quy định mức hỗ trợ trong xây dựng NTM. Bên cạnh việc đâu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, UBND, BCĐ NTM tỉnh còn chỉ đạo các địa phương phải quan tâm đúng mức công tác nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng chính quyền, nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy nhà nước các cấp, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở đạt chuẩn và cải cách hành chính. Chú trọng đảm bảo trật tự an toàn xã hội và an ninh nông thôn.
Những kết quả đạt được và vấn đề đặt ra
Qua gần 5 năm triển khai thực hiện, đến tháng 6/2015 đã có 4 xã đạt chuẩn NTM là Vĩnh Thủy, Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Linh) và Triệu Thành (huyện Triệu Phong); có 13 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 63 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; số xã đạt từ 5- 9 tiêu chí còn 37 xã; cơ bản không còn xã dưới 5 tiêu chí (năm 2010 không có xã nào trên 10 tiêu chí và còn 78 xã dưới 5 tiêu chí). Mức đạt tiêu chí NTM bình quân từ 3,6 tiêu chí/xã năm 2010 đến nay đã đạt bình quân 11,2 tiêu chí/ xã (gần đạt mức bình quân chung của Trung ương đạt 11,6 tiêu chí/xã); mức tăng tiêu chí bình quân qua các năm từ 1-2 tiêu chí, các tiêu chí khó như thu nhập, hộ nghèo, cơ sở hạ tầng ngày càng được tăng lên về số xã đạt chuẩn.
Tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, rõ nét, đó là: Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng định hướng phát triển của tỉnh; Tốc độ tăng trưởng giá trị ngành nông - lâm - ngư nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt 4%/năm; sản lượng lương thực có hạt đạt từ 24,5-25 vạn tấn/năm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện rõ nét, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên; tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn đã giảm xuống còn 11,26% vào cuối năm 2014. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư cơ bản đồng bộ, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống ở vùng nông thôn. Môi trường vực nông thôn ngày càng được cải thiện, hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh, chuồng, trại chăn nuôi được tập trung đầu tư. Dân chủ ở cơ sở ngày càng phát huy, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân được nâng lên rõ rệt. Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Xây dựng NTM đã huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Phong trào Quảng Trị chung sức xây dựng NTM được Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng đã trở thành phong trào thi đua thường xuyên, sâu rộng, lan tỏa trên khắp các vùng nông thôn. Đặc biệt vai trò chủ thể của người dân ngày càng được phát huy, nhân dân tích cực tham gia và đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ để đầu tư xây dựng NTM. Đã huy động được nguồn lực khá lớn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tính đến 6/2015, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM là 5.807,021 tỷ đồng đầu tư vào nông thôn. Trong đó, ngân sách các cấp trực tiếp hỗ trợ cho Chương trình NTM 394,585 tỷ đồng; vốn lồng ghép các chương trình, dự án 4.117,909 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, HTX 691,622 tỷ đồng; tổng nguồn lực đóng góp của nhân dân cho xây dựng NTM bằng tiền mặt, công lao động và hiện vật quy ra tiền là 537,886 tỷ đồng, nguồn vốn khác 65,019 tỷ đồng; ngoài ra hằng năm huy động trên 5.500 nghìn tỷ đồng nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
So với năm 2010, đây là bước chuyển biến quan trọng, có thể khẳng định các nội dung của Nghị quyết 26 - NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa X và Chương trình hành động số 72-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy Quảng Trị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã thực sự phù hợp với nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo sự chuyển biến nhất định trong phát triển sản xuất, giảm nghèo và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề khó khăn, tồn tại cần được giải quyết, khắc phục. Đó là:
(i) Vẫn còn tồn tại một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức rõ và đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa và nội dung của Chương trình; còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước; ý thức tự giác, tự nguyện tham gia xây dựng NTM chưa cao.
(ii) Trong các năm qua, UBND tỉnh đã tích cực huy động các nguồn lực đầu tư cho NTM, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư xây dựng NTM của các địa phương. Nguồn ngân sách trực tiếp cho Chương trình còn hạn chế, chưa đạt kế hoạch đề ra. Nguồn huy động từ doanh nghiệp chưa nhiều, do có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Do đó, mặc dù số lượng tiêu chí đạt chuẩn có tăng so với năm 2010, nhưng mức độ tăng chưa đồng đều giữa các tiêu chí. Số lượng xã đạt chuẩn các tiêu chí về cơ sở hạ tầng còn thấp (Giao thông 7/117 xã; thủy lợi là 34/117 xã; trường học có 24/117 xã; cơ sở vật chất văn hóa là 12/117 xã); đây chủ yếu là các tiêu chí cần nhiều nguồn lực đầu tư mới đạt chuẩn.
(iii) Phong trào thi đua xây dựng NTM mặc dù diễn ra sôi nổi tại một số địa phương, tuy nhiên chưa được đồng đều và thường xuyên, đặc biệt là một số xã ở 02 huyện miền núi là Hướng Hóa và Đakrông do đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
(iv) Phương thức sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, giá trị gia tăng trong sản xuất chưa cao. Việc ứng dụng và triển khai công nghê cao vào sản xuất còn hạn chế. Kinh tế tập thể trong nông thôn chưa phát huy hiệu quả tối đa.
(v) Môi trường nông thôn mặc dù đã được cải thiện tuy nhiên vẫn còn là vấn đề bất cập của nhiều địa phương, đặc biệt là vấn đề xử lý chất thải và rác thải khu vực nông thôn.
Cần có những giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM
Để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 50% số xã (59 xã) đạt chuẩn NTM, 58 xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên; số lượng tiêu chí tăng thêm bình quân của mỗi xã là 1 - 2 tiêu chí/năm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao cần tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, gần gũi với người dân. Đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua ‘‘Quảng Trị chung sức xây dựng NTM’’, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả và nâng cao chất lượng cuộc vận động ‘‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư’’ gắn với xây dựng NTM. Tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, trao quyền chủ động cho người dân theo phương châm “ nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”; thực hiện nghiêm túc công khai, minh bạch, giao quyền cho cộng đồng quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện chương trình NTM ở địa phương. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp to lớn, có sáng kiến hay, việc làm tốt cho xây dựng NTM.
Hai là, tiếp tục củng cố, kiện toàn BCĐ NTM các cấp theo hướng Bí thư cấp ủy trực tiếp làm trưởng ban; nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên BCĐ; Kiện toàn, nâng cao năng lực Bộ máy giúp việc BCĐ các cấp theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp, đủ tầm, đủ sức điều phối thực hiện Chương trình. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đảm bảo hiệu quả, có chất lượng và tuân thủ đúng các quy định quản lý hiện hành.
Ba là, Tích cực huy động các nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án; có cơ chế chính sách huy động doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, vận động nhân dân tích cực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và thực hiện các nội dung xây dựng NTM. Nâng cao chất lượng công tác quản lý để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn đảm bảo đầu tư hiệu quả, đúng trọng tâm theo lộ trình đã đề ra trong Đề án xây dựng NTM
Bốn là, Tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, thực hiện có hiệu quả Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn. Nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa – xã hội, hoạt động của hệ thống chính trị; cải thiện môi trường nông thôn; đảm bảo trật tự an toàn xã hội và an ninh nông thôn.
Năm là, Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện Chương trình. Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 15/7/2014 về tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM nhằm đảm bảo việc huy động vốn thực hiện Chương trình linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với từng địa phương.
Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM của tỉnh Quảng Trị trong gần 5 năm qua một lần nữa đã khẳng định sự quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, hợp sức của nhân dân và toàn xã hội. Giai đoạn 2016-2020 được xác định là giai đoạn đẩy mạnh xây dựng NTM, nhiệm vụ đặt ra cho tỉnh nhà còn rất nặng nề, với nhiều khó khăn, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, người dân và toàn xã hội cùng chung sức tích cực tham gia nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đạt mục tiêu theo kế hoạch đề ra./.