Những đổi thay từ chương trình Nông thôn mới ở xã Mò Ó

Thứ hai - 06/07/2015 21:56
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Bà con Vân Kiều xã Mò Ó đi cấy lúa
Bà con Vân Kiều xã Mò Ó đi cấy lúa
         Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Mặc dù những kết quả đạt được và những kinh nghiệm rút ra mới chỉ là những kết quả và kinh nghiệm bước đầu nhưng đã khẳng định sự đúng đắn của Nghị quyết Trung ương, thể hiện trong việc xây dựng mô hình trong thực tiễn, cho ta những kinh nghiệm về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và niềm tin để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược to lớn mà Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn" đã đề ra.
        Còn nhớ, năm 2010 khi tôi đến với huyện miền núi ĐaKrông để hoàn thành chương trình tập huấn cộng đồng cho bà con thôn bản (thuộc Chương trình 135). Khi từ thôn Cu Tài của xã A Bung ra đến bản Khe Luồi của xã Mò Ó trời đã nhá nhem tối. Lúc đó chúng tôi gồm có ba người với đủ thứ lỉnh kỉnh trên xe. Từ tài liệu, bút vở cho đến màn hình chiếu. Ngày tập huấn trên lớp, tối về chiếu phim phục vụ bà con. Tôi thấy đó là những ngày tháng tươi đẹp nhất. Nhìn ánh đèn lấp ló trong tán cây rừng tôi dừng xe đứng ngắm. Những ánh sáng nứt ra từ thứ lá rừng xanh thẫm khiến lòng tôi trút bỏ tất cả những mệt nhọc trong những ngày dài. Chọn cho mình một ngôi nhà sàn gần bên bờ suối, tôi ngồi bên cửa sổ ngắm núi rừng vào đêm. Cái thú ngắm núi rừng có một vài chút sáng le lói nó đã ăn sâu vào tôi. Cứ ngồi và tưởng tượng ra đủ điều hay. Và lòng thấy yên bình khi đặt chân lên ngôi nhà của đồng bào. Người Vân Kiều Pa Cô hàng đời nay vẫn thế, chỉ cần bước chân vô nhà là thành khách quý, biết tôi là cán bộ nhà nước họ vội vàng đi nấu cơm. Tấm chân tình đó qua bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống chắc tôi khó mà quên được. Cái chân thành dễ đi vào lòng người và nằm luôn ở đấy.
         Với diện tích tự nhiên 2.523 ha, 483 hộ 1.835 nhân khẩu sinh sống tập trung trên địa bàn 5 thôn, trong đó có 4 thôn là người đồng bào Vân Kiều sinh sống. Năm 2011 Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chọn xã Mò Ó  là một trong tám xã trên địa bàn tỉnh triển khai thí điểm xây dựng Chương trình Nông thôn mới. Tin này đến với Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Mò Ó khiến mọi người vừa mừng vừa lo. Từ xuất phát điểm của một xã khó khăn với trên 70 % đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, xây dựng nông thôn mới bằng những cơ sở nào? Đó là sự lo lắng của Đảng ủy và chính quyền lúc bấy giờ. Nhưng bù vào đó là niềm tin, nếu xây dựng thành công chương trình nông thôn mới trên địa bàn xã đồng nghĩa với việc xóa được cái đói, giảm được cái nghèo, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Nhận thức xây dựng nông thôn mới là chương trình mang tính toàn diện để giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã Mò Ó đã sớm ban hành các chương trình hành động, nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới cùng với kế hoạch, đề án cụ thể để lãnh đạo thực hiện một cách có hiệu quả nhất các mục tiêu, tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Cũng nhờ chính quyền và nhân dân xã Mò Ó  đã có sự đồng thuận cao từ đó nội lực được phát huy tối đa nên bộ mặt nông thôn miền núi của xã ngày càng khởi sắc. Sau hơn bốn năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay xã Mò Ó  đã đạt được 8/19 tiêu chí nông thôn mới. Từ hệ thống chính trị cơ sở vững chắc, an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững cho đến chính sách y tế, các thiết chế văn hóa được đảm bảo. Từ bưu điện, thủy lợi cho đến việc quy hoạch ở nông thôn. Cũng cần nói thêm rằng, vấn đề quy hoạch ở nông thôn là một việc làm đã nghe thôi cũng thấy lạ, đối với một xã đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn từ “quy hoạch” lại quá xa vời. Vậy mà ngày nay những con đường chạy về các thôn bản đều được bê tông hóa. Con đường ngày trước tôi đến đây, trong những lối hẹp quanh co chỉ len được bước chân giờ đây đã khang trang, sạch đẹp. Tôi lại đứng nhìn, cả những ánh đèn sáng trưng kéo dài trên những con đường bản thay cho những ánh đèn xuyên qua những tán cây trong khu vườn năm xưa làm tín hiệu cho tôi biết được nơi ấy có mặt của con người. Năm năm như cái chớp mắt, những đổi thay của Mò Ó  khiến lòng nghe ấm áp lạ lùng.
         Lần trở lại này, đi và hồi tưởng. Đôi lúc tôi tự mình đi lang thang trên những miền rừng để so sánh những đổi thay với những ngày trước. So với những năm trước 2011, khi chưa phát động chương trình xây dựng nông thôn mới mới thấy phấn khởi vô cùng. Cái cơ bản là ý thức của người dân nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số đã có những đổi thay đáng kể. Đồng bào không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. Người dân đã biết tự mình vươn lên xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt việc nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất để xây dựng hạ tầng cơ sở. Đó là điều mà khó có nơi nào cũng thực hiện được, kể cả các xã miền xuôi...
         Điều mà tôi trông thấy, đó là sự đổi thay đầy khởi sắc ở Mò Ó  - một xã đồng bào dân tộc thiểu số thuộc miền Tây của huyện ĐaKrông. Khi tôi đến đây, lúa đang thì con gái. Những ruộng lúa đẹp miên man, chúng mướt mát dưới cái sương mai hứa hẹn một vụ mùa sai hạt. Từ bỏ tập quán canh tác lúa rẫy, lúc đầu bà con Vân Kiều cũng khá nhọc nhằn với hạt lúa nảy mầm trong bao ủ lá rồi đem gieo ở ngoài đồng sin sít nước. Những ánh mắt ngồi nhìn cây lúa con chen rễ vào bùn đất và quẫy mầm xanh lên trời thật lạ lẫm. Rồi từ mương tưới tiêu dẩn nước về với ruộng đồng, chỉ ba tháng sau trên tay bà con Vân Kiều đã có một vụ lúa vàng nặng hạt. Mỗi năm lại có thể có đến hai mùa vàng. Giờ không còn lo cái ăn, không còn cái đói trong những ngày đông lạnh giá. Nhân dân ta coi hạt lúa như hạt ngọc nhà trời cho, đồng bào Vân Kiều coi hạt lúa là món quà mà Thần Lúa mới mang đến cho bà con thôn bản. Bởi thế lễ hội Mừng lúa mới năm nào cũng diễn ra. Và bát cơm thơm được dâng lên Thần Lúa với sự hàm ơn rằng mẹ của tôi, bố của tôi, tôi và con cháu chúng tôi đều mang ơn Thần Lúa. Nhờ tập huấn nâng cao nhận thức và chuyển giao tiến bộ khoa học kỷ thuật vào sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, góp phần nâng cao thu nhập vươn lên xóa đói giảm nghèo nên vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới của cộng đồng dân cư nông thôn miền núi ngày càng nâng lên, giờ bà con Vân Kiều ở xã Mò Ó  không còn đốt rừng làm rẫy nữa.  Những công trình thủy lợi trên địa bàn xã đảm bảo tưới tiêu 10 ha lúa nước cho bà con mỗi năm có 30 đến 40 tạ/ha. Những cái tên công trình thủy lợi gắn với địa danh của bà con thôn bản như: Khe Câu, Khe Luồi, Đồng Dôn... là những tên gọi thân thương đối với đồng bào xã Mò Ó . Hiệu quả từ cây lúa nước đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, tập quán “phát, đốt, cốt, trỉa” phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên của đồng bào Vân Kiều. Đó cũng là sức bật thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân miền núi.
        Tuy nhiên, với những thuận lợi, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Mò Ó vẫn còn rất nhiều những lo toan trong dựng xây và phát triển. Nhất là vấn đề giảm nghèo bền vững sẽ vẫn là thách thức lớn đối với xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như xã Mò Ó . Nhưng có niềm tin là làm được, có ánh sáng là làm được...
          Trong ánh đèn đường sáng trưng, những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, màu xanh ngút ngàn của những rừng tràm, của những vườn cây ăn quả của xã Mò Ó  ngày hôm nay. Và con đường láng mịn nối tiếp nhau giữa những bản làng, nụ cười của người Vân Kiều lấp lánh ánh sáng của ấm no, hạnh phúc. Đó là những ánh đèn trên miền sơn cước níu chân mỗi người từng đến nơi đây. Đêm hôm đó tôi ở lại khe luồi. Bên ánh lửa bập bùng trên mái nhà sàn, tôi đón lấy chén rượu từ tay của cụ Hồ Văn Thanh - già làng bản Khe Luồi và nghe những câu chuyện kể. Về người Vân Kiều Pa Cô mang họ Bác Hồ, về những tên con khe con suối, tên bản làng thân thương như Khe Luồi, Khe Lặn, Phú Thành… tên những con vật mà họ tộc mang ơn. Rồi cả những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đồng bào cưu mang cán bộ, chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Chuyện những năm đầu giải phóng gặp nhiều khó khăn phải đốt nương, làm rẫy rồi chuyện lên thành phố coi những ánh đèn đường. “Giờ thì Mò Ó  có đèn đường, Khe Luồi có đèn đường, đèn sáng trưng từ chương trình nông thôn mới” - già nói với chúng tôi trong điệu cười ăm ắp niềm hạnh phúc.
 

Nguồn tin: Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập441
  • Hôm nay2,574
  • Tháng hiện tại33,123
  • Tổng lượt truy cập9,582,708
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây