QUẢNG TRỊ HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Thứ năm - 10/09/2015 21:14
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức; là một địa phương có điểm xuất phát thấp, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, ngân sách địa phương hạn hẹp, đời sống nhân dân còn nhiều vất vả. Tuy nhiên, với quyết tâm, nỗ lực của Lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương và sự tham gia đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân nên sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn đã và đang mang lại những kết quả tích cực.
Bê tông hóa giao thông nông thôn
Bê tông hóa giao thông nông thôn
        Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện và bền vững. Cơ cấu cây trồng vật nuôi được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, thâm canh; Từng bước xây dựng và tăng cường mối quan hệ liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Năng suất, sản lượng cây lương thực có hạt đạt cao nhất từ trước đến nay ( Sản lượng lương thực có hạt năm 2014 đạt gần 27 vạn tấn (đạt 114,76% KH, tăng 20,4% so với năm 2010), cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết XV đề ra gần 3,5 vạn tấn.  Đến nay, Quảng Trị là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về phát triển trồng rừng bền vững,  đã có 10.324 ha diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quốc tế FSC và 5.260ha được cấp chứng chỉ rừng có kiểm soát. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được hoàn thiện, văn hoá xã hội có sự chuyển biến tích cực, môi trường nông thôn ngày càng được cải thiện; an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn cơ bản được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao (thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 10 triệu đồng năm 2010, lên 18 triệu đồng năm 2014).
      Trước khi thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010, toàn tỉnh chưa có xã nào đạt từ 10 tiêu chí trở lên, đến tháng 6/2015 đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Vĩnh Thủy, Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Linh) và Triệu Thành (huyện Triệu Phong); có 13 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 63 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; số xã đạt từ 5- 9 tiêu chí còn 37 xã; cơ bản không còn xã dưới 5 tiêu chí (năm 2010 còn 78 xã dưới 5 tiêu chí). Mức đạt tiêu chí nông thôn mới bình quân từ 3,6 tiêu chí/xã năm 2010 đến nay đã đạt bình quân 11,2 tiêu chí/ xã; mức tăng tiêu chí bình quân qua các năm từ 1-2 tiêu chí, các tiêu chí khó như thu nhập, hộ nghèo, cơ sở hạ tầng ngày càng được tăng lên về số xã đạt chuẩn.
       Bằng việc đề ra nhiều giải pháp nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, đến nay tổng huy động nguồn lực sau 5 năm cho xây dựng nông thôn mới (2011 – 6/2015) là 5.807,021 tỷ đồng đầu tư vào nông thôn.  Trong đó,  ngân sách các cấp trực tiếp hỗ trợ cho Chương trình nông thôn mới 394,585 tỷ đồng; vốn lồng ghép các chương trình, dự án 4.117,909 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, HTX 691,622 tỷ đồng; tổng nguồn lực đóng góp của nhân dân cho xây dựng nông thôn mới bằng tiền mặt, công lao động và hiện vật quy ra tiền là 537,886 tỷ đồng, nguồn vốn khác 65,019 tỷ đồng; ngoài ra hằng năm huy động trên 5.500 nghìn tỷ đồng nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
       Nỗi bật trong huy động nguồn lực là phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn. Với phương châm “Nhân dân làm nhà nước hỗ trợ”, cùng với nguồn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, huy động lồng ghép các chương trình, dự án, trong 5 năm qua nhân dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực, tự nguyện đóng góp tiền mặt, ngày công, tự nguyện hiến đất, hiến cây, tháo dỡ công tường rào, nhà cửa để xây dựng đường giao thông nông thôn; nhiều con đường bê tông sạch đẹp, nối liền các truyến đường thôn, ngõ xóm, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của người dân và phát triển sản xuất, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tổng nguồn lực huy động thực hiện kiên cố hóa giao thông nông thôn từ năm 2010-2014 là 2.897,3 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương 1.317,7 tỷ đồng; ngân sách địa phương 723,5 tỷ đồng; các chương trình, dự án 578,4 tỷ đồng; vốn xã hội hóa 5,5 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 71,9 tỷ đồng. Các nguồn vốn khác 200,3 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa là 42,5%; tỷ lệ đường trục thôn, xóm, bản được cứng hóa đạt 41,8%; tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt 8,04%.
       Để nguồn vốn đầu tư cho nông thôn mới được sử dụng có hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành quy định sử dụng các nguồn vốn; đặc biệt đối với nguồn vốn TPCP đầu tư cho nông thôn mới, UBND tỉnh đã kịp thời thông báo vốn cho cả giai đoạn 2014-2016 nhằm tạo điều kiện cho các địa phương biết được khả năng hỗ trợ của Trung ương, chủ động được nguồn lực để sắp xếp, lựa chọn công trình ưu tiên đầu tư phù hợp với đề án xây dựng nông thôn mới của xã; đồng thời lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn. Để nguồn vốn được sử dụng có hiệu quả và đúng với mục đích của Chương trình; tỉnh đã chỉ đạo ưu tiên nguồn vốn tâp trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã, thôn, bản trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, đời sống hằng ngày của người dân, có tác dụng thúc đẩy sản xuất và đời sống của người dân, góp phần tăng tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình: đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương nội đồng, cải tạo đồng ruộng; việc xây dựng các công trình hạ tầng khác có mức đầu tư lớn như trụ sở xã, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn chủ yếu sử dụng nguồn vốn khác và chỉ được phê duyệt đầu tư khi xác định được rõ nguồn vốn.
        Cùng với nguồn hỗ trợ của Ngân sách Trung ương, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết "Huy động các nguồn lực và quy định mức hỗ trợ trong xây dựng NTM đến năm 2020"; hàng năm ngân sách địa phương bố trí tối thiểu 20 tỷ đồng từ nguồn thu nội địa đầu tư trực tiếp cho xây dựng nông thôn mới; trong đó dành từ 18-20% để hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh trong xây dựng nông thôn mới, phần còn lại đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu; ngoài ra huy động thêm các nguồn vượt thu, nguồn thu từ xổ số kiến thiết và các nguồn thu khác. Nguồn ngân sách địa phương ưu tiên đầu tư cho các xã có khả năng đạt 19 tiêu chí nông thôn mới theo lộ trình hang năm. Tất cả nội dung xây dựng NTM thực hiện theo cơ chế "Nhà nước và nhân dân cùng làm" trên cơ sở đồ án quy hoạch và đề án NTM cấp xã đã được phê duyệt... Theo đó, các địa phương nắm vững mục tiêu và hệ thống tiêu chí NTM để có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp điều kiện và yêu cầu bức thiết của người dân; phát huy cao nguồn lực tại chỗ; lồng ghép các chương trình, dự án; lựa chọn, tập trung hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên, tạo sự chuyển biến trên diện rộng, tạo niềm tin đối với người dân vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
        Xác định việc huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực nội tại của chính người dân nông thôn, chủ thể của xây dựng nông thôn mới là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình. Trong các năm qua, các cấp uỷ đảng, tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương xem công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Hoạt động tuyên truyền được triển khai với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, với các hoạt động tuyên truyền đến tận địa bàn nông thôn theo nhiều chuyên đề hội thi, hội diễn, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới. Một số hoạt động tuyên truyền sinh động có ý nghĩa được triển khai thực hiện như Gameshow “Vui cùng nhà nông”; Hội thi báo chí viết về nông thôn mới do hội nhà báo tổ chức; Ban tuyên giáo tỉnh ủy xuất bản khoảng 3.000 cuốn sách với tên gọi " Nông thôn mới Quảng Trị- đếm lại những bước đi” phát hành đến tận các Chi bộ làm tài liệu sinh hoạt định kỳ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ngày càng thu hút sự tham gia tích cực của người dân thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới. Lũy kế đến tháng 6/2015, tổng nguồn lực đóng góp của nhân dân cho xây dựng nông thôn mới bằng tiền mặt, công lao động và hiện vật quy ra tiền là 537.886 triệu đồng, chiếm gần 10% tổng nguồn lực huy động cho xây dựng nông thôn mới..
       Nổi bật trong huy động sức dân là phong trào hiến đất, hiến tài sản để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, điển hình một số địa phương và cá nhân như: Huyện Triệu Phong có 1.252 hộ dân tự nguyện hiến trên 167.800 m2 đất, trên 13.000 ngày công với tổng trị giá 1,4 tỷ đồng và gần 4.770 triệu đồng tiền mặt để xây mới và tu sửa kênh mương thủy lợi, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh và chỉnh trang nông thôn; huyện Hải Lăng đã hiến 164.181 m2 đất các loại, huy động được gần 25.400 ngày công để phát quang, mở rộng xây dựng đường giao thông nông thôn; xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh) người dân tự nguyện hiến 49.000 m2 đất, giải toả 20.000 mét bờ rào, 2.650 cây lâu năm để xây dựng 10 km đường liên thôn; Ông Hồ Văn Loan, thôn Xary, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa hiến 5.690 m2 đất canh tác đang trồng cao su để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường THCS và Trạm Y tế xã Hướng Phùng; Ông Hồ Văn Thủy, trưởng thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông đã hiến 650 m2 đất đang trồng cây cà phê và hoa màu đang thu hoạch để xây trường học; Ông Nguyễn Văn Tuyền - thôn Đại Hào, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong đã hiến 750m2 đất ở để xây dựng chợ Thuận.
        Thực hiện có hiệu quả phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” góp phần huy động có hiệu quả các nguồn lực. Sau khi phát động phong trào, hàng năm UBND tỉnh đã chỉ đạo lựa chọn 01 huyện, thị xã để tổ chức phát động nhằm duy trì phong trào thường xuyên, liên tục để tiếp tục huy động sự tham gia của đông đảo các cấp, các ngành và toàn thể quần chúng nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; Mặt trận, các đoàn thể và các huyện, thị xã cũng đã cụ thể hóa phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng NTM” bằng việc phát động các phong trào thi đua gắn với thực tế địa phương như phát huy nội lực, hiến đất góp công xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu nông thôn theo tiêu chí NTM; xóm làng huy động nhân dân cải tạo, chỉnh trang nhà ở, cải tạo ao, vườn, cổng, ngõ, tường rào xanh, sạch, đẹp...Nhiều phong trào gắn kết trong nông thôn đã được triển khai, đem lại hiệu quả thiết thực, huy động sự tham gia đóng góp to lớn của quần chúng nhân dân trong thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới như: Mặt trận thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, đến năm 2014 toàn tỉnh có 927/1.144 khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hoá; có 136.650 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, huy động hỗ trợ xây dựng mới 8.685 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, trị giá 89,42 tỷ đồng; phong trào 5 không 3 sạch của Hội phụ nữ huy động 100% cấp hội tham gia với nhiều mô hình được triển khai có hiệu quả; phong trào xung kích trong xây dựng nông thôn của Đoàn Thanh niên kết quả đã đảm nhận nâng cấp, sửa chữa 204 km đường giao thông nông thôn, 46 km đường giao thông nội đồng, 87 km kênh mương thủy lợi; xây dựng 228 “ con đường thanh niên xây dựng nông thôn mới” 205 công trình “ ánh sáng đường quê”; thành lập 75 đội hình thanh niên xung kích thu gom rác thải trên địa bàn; phong trào chỉnh trang nông thôn, cải tạo vườn tạp của Hội nông dân đã vận động nhiều hội viên  tự nguyện hiến đất, tài sản để chỉnh trang nông thôn.
 Ghi nhận từ phong trào “Chỉnh trang nông thôn” của BCĐ nông thôn mới huyện Hải Lăng, nhờ làm làm tốt công tác chỉ đạo, bằng việc phân công, phân nhiệm cụ thể; chú trọng và tích cực thực hiện công tác tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu rõ mục đích, nội dung  nên sau 2 năm triển khai thực hiện (6/2013-6/2015) “Toàn huyện đã phát quang, mở rộng được 268,95 km đường, trong đó: Đường trục thôn 76,16 km, đường ngõ xóm 143,86 km, đường trục chính nội đồng 48,94 km; Làm mới được 42,22 km đường giao thông, trong đó: bê tông hóa đường trục thôn, ngõ xóm 21,75 km và cứng hóa đường trục chính nội đồng 20,47 km. Nâng cấp bằng cấp phối được 185,44 km đường giao thông, gồm: đường trục thôn 26,41 km, đường ngõ xóm 76,65 km, đường trục chính nội đồng 82,38 km. Đã vận động nhân dân hiến 164.181 m2 đất các loại, huy động được gần 25.400 ngày công để phát quang, mở rộng đường. Đến nay, có 100%  thôn đã có điện chiếu sáng đường quê, tổng chiều dài đường giao thông được thắp sáng là 266,9 km, với 5.398 bóng điện các loại (bình quân 49,4 m/bóng điện); ước tổng kinh phí thực hiện 6,073 tỷ đồng”
       Mặc dù, trong những năm qua, UBND tỉnh đã tích cực huy động các nguồn lực đầu tư cho nông thôn mới, nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho xây dựng nông thôn mới tăng qua các năm, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư xây dựng NTM của các địa phương. Nguồn ngân sách trực tiếp cho Chương trình còn hạn chế, chưa đạt kế hoạch đề ra. Nguồn huy động từ doanh nghiệp chưa nhiều, do có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Một điểm đáng quan tâm nữa là nguồn lực huy động từ dân cư có xu hướng tăng trong những năm đầu thực hiện nhưng sau đó giảm mạnh; lý do trong những năm đầu thực hiện, đóng góp của dân cư chủ yếu ở việc hiến đất và tài sản trên đất, nhưng những năm sau đó huy động từ dân cư sẽ giảm tương đối và chỉ tập trung ở hình thức đóng góp ngày công lao động và tiền mặt..;Để đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020 có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND tỉnh ngày 25/4/2015 của HĐND tỉnh) còn rất nhiều khó khăn đối với Quảng Trị, đặc biệt hiện nay tỷ lệ các tiêu chí về cơ sở hạ tầng đạt chuẩn rất thấp (Đến tháng 6/2015 phần lớn các tiêu chí do người dân tự thực hiện và các tiêu chí cần ít nguồn lực đầu tư đã được các địa phương thực hiện khá tốt. Các tiêu chí còn lại chủ yếu là các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, cần nhiều nguồn lực đầu tư, tỷ lệ đạt thấp (Giao thông 7/117 xã;  thủy lợi là  34/117 xã; Trường học có 24/117 xã; Cơ sở vật chất văn hóa là 12/117 xã); đa số các tiêu chí này cần nhiều nguồn lực đầu tư để xây dựng đạt chuẩn và để duy trì bền vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí.
        Ðể tiếp tục huy động có hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng NTM trong các năm đến, tỉnh Quảng Trị đã đề ra một số giải pháp sau: (i)Đẩy mạnh phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân và các đơn vị, địa phương cùng chung sức bằng những việc làm cụ thể, thiết thực (ii) Tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân thụ hưởng trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. (iii) Hoàn thiện môi trường đầu tư và tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư. Ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (iv) Nâng cao chất lượng công tác quản lý để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn đảm bảo đầu tư hiệu quả, đúng trọng tâm theo lộ trình đã đề ra trong Đề án xây dựng nông thôn mới (v) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện Chương trình. Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 15/7/2014 về tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhằm đảm bảo việc huy động vốn thực hiện Chương trình linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với từng địa phương.

Tác giả bài viết: Lê Thị Oanh - Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập507
  • Hôm nay1,738
  • Tháng hiện tại32,287
  • Tổng lượt truy cập9,581,872
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây