Nhiều giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Chủ nhật - 16/08/2015 20:16
Chuyển hướng tăng trưởng nông nghiệp từ chiều rộng sang nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp và phát triển bền vững, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ để tăng thu nhập cho nông dân là mục tiêu cơ bản trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị. Phóng viên Báo Quảng Trị phỏng vấn đồng chí VÕ VĂN HƯNG, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh về những nội dung liên quan.
Đ/c Võ Văn Hưng Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị
Đ/c Võ Văn Hưng Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị
     - Thưa đồng chí! Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị những năm qua? 
      5 năm qua (từ năm 2010 đến nay), sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị đã có bước phát triển khá toàn diện với việc tốc độ tăng trưởng nông - lâm - ngư nghiệp bình quân năm đạt trên 3,8% (giá trị xuất khẩu đạt gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh). Sản lượng lương thực có hạt liên tục tăng qua các năm như năm 2010 đạt 22,4 vạn tấn thì đến năm 2014 đã đạt gần 27 vạn tấn.
     Các loại cây công nghiệp hàng hóa có tiềm năng, lợi thế và giá trị kinh tế cao như cao su, hồ tiêu, cà phê, sắn đã từng bước được đầu tư phát triển thành vùng sản xuất tập trung, thâm canh, chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Một số sản phẩm đang hướng tới việc xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý như tiêu Cùa, tinh bột sắn Hướng Hóa, cà phê Khe Sanh, tiêu Vĩnh Linh, ném Hải Lăng… 
      Chăn nuôi đang phát triển theo hình thức thâm canh bán công nghiệp và công nghiệp. Nâng cao chất lượng đàn và tăng giá trị sản lượng và giá trị sản xuất. Đàn bò lai từ khoảng 20% của năm 2010 đến nay đã tăng lên trên 40%; đàn lợn tiếp tục tăng 6%; đàn gia cầm tăng 23%. Tỷ trọng chăn nuôi trong tổng giá trị nông nghiệp đã tăng từ 20,4% năm 2010 lên 27% năm 2015. Thủy sản phát triển đúng hướng với tổng sản lượng năm 2014 đạt 31.960 tấn (tăng 7.272 tấn so với năm 2010). Năng lực khai thác, nuôi trồng thủy sản được tăng cường và gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. 
       Công tác bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng chuyển mạnh từ sản xuất lâm nghiệp truyền thống sang phát triển lâm nghiệp bền vững. Bình quân hàng năm trồng mới trên 5.000 ha rừng tập trung và 2 - 2,5 triệu cây phân tán; toàn tỉnh có trên 20.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững…
Thu hoạch tôm thẻ trắng ở xã Trung Giang huyện Gio Linh

             Thu hoạch tôm thẻ trắng ở xã Trung Giang huyện Gio Linh
       
       Công tác thủy lợi được đầu tư đúng mục tiêu và định hướng, tạo nền tảng cơ bản để khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng và phòng tránh thiên tai. Phong trào xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực…Ước đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 19 xã đạt tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 
      - Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế nông nghiệp tỉnh Quảng Trị hiện đang gặp phải những khó khăn, hạn chế gì, thưa đồng chí? 
       Khó khăn, thách thức lớn nhất trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị hiện nay là sản xuất còn chịu sự tác động lớn của thiên tai và dịch bệnh; cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn chuyển dịch còn chậm; phương thức sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán và chất lượng chưa đồng đều; tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp còn thấp và chất lượng một số loại vật nuôi chủ lực chậm được cải thiện; công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến nông - thủy sản còn lạc hậu và chất lượng nông sản sau chế biến chưa cao, chưa tạo lập được thương hiệu bền vững trên thị trường; giá cả các loại vật tư, nông sản không ổn định; thị trường tiêu thụ nông sản còn hạn hẹp và các sản phẩm sản xuất ra chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên thiếu ổn định về sản lượng, giá cả; mới chỉ có một số loại sản phẩm gỗ dăm, gỗ MDF, cà phê, nhựa thông xâm nhập được vào các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật, châu Âu nhưng với số lượng còn hạn chế; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn chậm được triển khai, chưa đồng bộ, chưa thật sự hấp dẫn; trình độ nhận thức và tư liệu sản xuất của nhiều hộ gia đình nông dân vẫn còn hạn chế, nhất là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao; hoạt động kinh tế tập thể nhìn chung kém hiệu quả; kinh tế tư nhân quy mô còn nhỏ lẻ; chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp còn thiếu và chưa được triển khai thực hiện rộng rãi…Những vấn đề này đã tác động rất lớn đến tăng giá trị ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế và cải thiện thu nhập của nông dân địa phương. 
       - Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là giải pháp cơ bản để khắc phục những hạn chế này nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và tăng thu nhập cho nông dân. Đồng chí cho biết những định hướng lớn trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Quảng Trị thời gian tới? 
       Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thành công phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, nhất là tập trung thực hiện các giải pháp về cơ chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp và hỗ trợ nông dân; cơ chế, chính sách đất đai; cơ chế, chính sách phát triển chuỗi ngành hàng nông sản; cơ chế, chính sách đổi mới toàn diện hệ thống quản lý, dịch vụ công cho nông nghiệp. 
       Trên cơ sở này, ngành NN&PTNT tỉnh sẽ tập trung thực hiện, tham mưu thực hiện việc ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực và xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển đối với lúa chất lượng cao, cao su, cà phê, hồ tiêu, lạc, sắn, gỗ rừng trồng, bò, lợn, tôm sú và tôm thẻ chân trắng; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, VietGlobal, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng các loại nông sản hàng hoá đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh cũng như phục vụ xuất khẩu; tiếp tục thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa để đẩy nhanh quá trình tập trung tích tụ ruộng đất gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung; mở rộng các hình thức hợp tác liên kết sản xuất giữa hộ gia đình nông dân với các tổ chức kinh tế hợp tác và doanh nghiệp để xây dựng cánh đồng sản xuất hàng hóa lớn ổn định; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, các cơ sở chế biến, xuất khẩu để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh việc thực hiện hợp đồng, liên kết 4 nhà (nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, đảm bảo tính bền vững và hiệu quả hoạt động của các chuỗi giá trị nông sản; tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền cho nông dân để nâng cao nhận thức, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm; hạn chế tình trạng sử dụng quá mức các loại phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, các chất kích thích tăng trưởng trái với quy định, không rõ nguồn gốc; phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, công nghiệp, quy mô trang trại, gia trại gắn với an toàn sinh học và phòng chống dịch bệnh có hiệu quả; đẩy mạnh chương trình nạc hóa đàn lợn, zebu hóa đàn bò, nâng cao chất lượng đàn gia cầm; tập trung phát triển ngành thủy sản thành ngành kinh tế mạnh của tỉnh trên cơ sở tăng cường đầu tư đóng mới tàu thuyền công suất lớn, từng bước hiện đại hóa đội tàu khai thác hải sản kết hợp phát triển mạnh mẽ diện tích nuôi trồng thủy sản; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển theo hướng phát triển rừng bền vững; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng và hình thành các vùng rừng trồng nguyên liệu tập trung, thâm canh gắn với cơ sở chế biến; đẩy mạnh việc trồng rừng theo hướng bền vững (FSC), đây là bước đi cần thiết nhằm đáp ứng được yêu cầu trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững; tiếp tục phát triển hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu, nâng cao năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp và chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu… 
       Ngoài những giải pháp trên, cần đặc biệt quan tâm việc chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp của hộ nông dân từ truyền thống, nhỏ lẻ sang hàng hóa với quy mô hợp lý trên mỗi hộ gia đình và toàn vùng thông qua việc hình thành các tổ chức kinh tế của nông dân như tổ nhóm hợp tác xã, hiệp hội sản xuất và các mối liên kết giữa hộ nông dân và các tổ chức sản xuất kinh doanh; chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại thu nhập cao và ổn định cho nông dân; huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; gắn tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. 
       - Xin cảm ơn đồng chí! 
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập303
  • Hôm nay1,239
  • Tháng hiện tại31,788
  • Tổng lượt truy cập9,581,373
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây