Tầm quan trọng của công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới
Thứ ba - 29/09/2015 21:21
Công tác dân vận có vai trò vô cùng quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Năm 2014, huyện Vĩnh Linh có ba xã: Vĩnh Thủy, Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Nhìn lại quá trình thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới ở huyện Vĩnh Linh mới thấy rõ ý nghĩa của công tác dân vận.
Nông thôn là địa bàn sinh sống của nông dân gắn bó với đất đai, ruộng vườn, cây trồng, vật nuôi để xây dựng cuộc sống từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đất đai, ruộng vườn, cây trồng, vật nuôi là thứ tài sản mà nông dân từng đổ mồ hôi, xương máu chống chọi với thiên tai, chiến tranh để bảo vệ, giữ gìn. Chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự mang lại lợi ích lâu dài, đồng thời tạo ra bộ mặt làng quê ngày càng tươi đẹp, ích nước lợi nhà. Điều đó người dân rất hiểu, rất phấn khởi, hưởng ứng tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương đã gặp những khó khăn khi đụng chạm đến tài sản riêng của nhiều gia đình, dẫn đến sự căng thẳng xảy ra. Nếu không có phương pháp tuyên truyền, chỉ đạo khéo léo thì sẽ dẫn đến những phức tạp, làm chậm tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Kinh nghiệm từ xã Vĩnh Kim cho thấy, khi mở đường giao thông nông thôn, chỉnh trang đường sá chật hẹp, cây cối lấn ra đường, tu chỉnh lại kênh mương nội đồng cho phù hợp, nhiều hộ dân không chịu phá bỏ cây trồng, kiên quyết giữ lại phần đất trong diện tích phải điều chỉnh. Và nếu phá bỏ cây cối, giải tỏa đất thì phải đền bù thiệt hại. Ngoài việc cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền vận động, giải thích, đòi hỏi phải thực hiện công tác dân vận khéo, làm cho người dân đồng tình tự giác phá bỏ cây cối, hiến đất mà không yêu cầu đền bù. Đảng bộ xã đã chỉ đạo Mặt trận và các ban, ngành của xã chuyển hướng vận động bằng cách cử cán bộ có uy tín đến tận từng nhà dân trao đổi, chia sẻ khó khăn, thông cảm với các thành viên trong gia đình, đồng thời khơi dậy niềm tự hào của quê hương, của gia đình trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã sẵn sàng phá nhà làm hầm cho bộ đội, thương binh. Cán bộ làm công tác dân vận lấy gương những gia đình tự giác hiến đất, phá bỏ cây cối để mở đường, tạo điểm nhấn trong cuộc vận động ở giai đoạn nước rút, đặc biệt gia đình cán bộ, đảng viên phải nêu gương. Bằng phương pháp đến từng hộ vận động khéo léo, có lý có tình, đồng cảm chia sẻ, dần dần đã làm thay đổi nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, những hộ tự giác phá bỏ tiêu, chè, cao su để mở đường rộng rãi cũng vận động những hộ khác làm theo. Kết quả là 100% hộ dân trong số hộ được vận động đồng tình cao với địa phương, tự giác phá bỏ hàng trăm cây tiêu, chè, cao su lâu năm, chấp nhận hiến một số diện tích ruộng để mở đường nội bộ, chỉnh trang nông thôn, mở rộng kênh mương nội đồng mà không đòi hỏi đền bù. Mọi gia đình tự nguyện với trách nhiệm cao. Khi dân đã hiểu, tự giác thì mọi khó khăn vướng mắc sẽ được tháo gỡ, trở nên dễ dàng, thuận lợi. Cái chính là phải có phương pháp vận động mềm dẻo theo phương châm: Trong vận động phải tôn trọng nhân dân, lắng nghe dân nói, biết khơi dậy tình đoàn kết cộng đồng, lấy dân làm gốc. Nhờ vậy, Vĩnh Kim là địa phương đã hoàn thành 19/19 tiêu chí của đề án xây dựng nông thôn mới.
Xã Vĩnh Thạch cũng tương tự như Vĩnh Kim vì cùng nằm ở vùng ven biển, mô hình thôn, xóm giống nhau. Vĩnh Thạch thuận lợi hơn các xã khác là được Chủ tịch nước bảo trợ nên hưởng lợi từ sự đầu tư từ bên ngoài lớn hơn rất nhiều. Nhưng cán bộ dân vận của xã vẫn kiên trì thực hiện công tác vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến cây, phá bỏ một số công trình phụ để mở đường giao thông, thay đổi diện mạo nông thôn theo tiêu chuẩn của đề án đề ra. Riêng xã Vĩnh Thủy là địa bàn đã có quy hoạch khá bài bản, là địa phương đi đầu về dồn điền đổi thửa và nhiều phong trào khác của huyện Vĩnh Linh. Khi thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Thủy cũng gặp một số khó khăn như Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim. Và công tác dân vận lại phát huy tác dụng tích cực. Nếu không dân vận khéo thì Vĩnh Thạch cũng như Vĩnh Kim, Vĩnh Thủy không dễ đạt chuẩn nông thôn mới ở tốp đầu tiên của tỉnh Quảng Trị.
Các xã như Vĩnh Nam, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thành, Vĩnh Hiền, Vĩnh Tân…cũng có những chuyển động mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới. Hàng ngàn mét vuông đất cùng với những công trình phụ, các loại cây công nghiệp lâu năm của dân được dân tự nguyện phá bỏ, hiến cho thôn xóm mở mang đường sá có trị giá tiền tỷ. Đó là chưa kể hàng ngàn ngày công tự nguyện của nhiều gia đình phục vụ giải tỏa đất đai. Hiện nay ở huyện Vĩnh Linh, nhiều xã đang đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Vai trò của cán bộ dân vận, Mặt trận thôn, xã rất quan trọng. Điều khẳng định chắc chắn rằng: Dân vận khéo sẽ tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong dân, kể cả những việc tưởng chừng không thể làm được, đúng như Bác Hồ nói: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.