Trong những năm qua, huyện Gio Linh đã lồng ghép nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh và sản xuất. Bên cạnh đó đã có các giải pháp mang tính đột phá để khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng miền, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp
Để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xã Trung Hải, huyện Gio Linh đã ttiển khai nhiều hoạt động thiết thực. Trên cơ sở quy hoạch, xã đã chỉ đạo các HTX hoàn thành dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng đường giao thông nội đồng và từng bước áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đã đưa năng suất lúa ngày càng cao. Bên cạnh đó, người dân tích cực phát triển rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt khai thác lợi thế nằm ven sông Bến Hải mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản. Chính nhờ vậy giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm từ 10-12%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 21,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 7,8% theo tiêu chí mới. Ông Lê Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Trung Hải, huyện Gio Linh cho biết: Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, xã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tăng cường cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm có thế mạnh, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, nhân rộng các mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn dịch bệnh. Không chỉ Trung Hải, các xã trên địa bàn huyện Gio Linh đã có những chủ trương, định hướng đúng trong phát triển kinh tế xã hội phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Các xã miền tây đã tích cực mở rộng diện tích cây công nghiệp dài ngày, phát triển chăn nuôi gia súc có quy mô lớn. Ở vùng đồng bằng, người dân đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất lúa và các loại hoa màu. Ở vùng biển, dù bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nhưng ngư dân vẫn quyết tâm cải hoán, nâng cấp, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, vươn ra khơi xa, khai thác hải sản cũng như chủ động tìm các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp trên vùng cát để tạo sinh kế lâu dài. Chính nhờ vậy, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tổng giá trị sản xuất hàng năm tăng trên 11%, thu nhập bình quân đầu người đạt 31,8 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 10,3%. Ông Lê Quang Chiến, Bí thư huyện ủy Gio Linh cho biết: Năm 2017 và những năm tới, để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Gio Linh xác định nhiệm vụ trọng tâm đó ban hành các chính sách hỗ trợ, các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện về vốn, tập huấn kỹ thuật, khuyến khích người dân khai thác thế mạnh của từng tiểu vùng. Cùng với mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC, tập trung chăm sóc cao su, cải tạo vườn tiêu, phát triển chăn nuôi có quy mô lớn, từng bước đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời chỉ đạo nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả trên vùng cát, vùng biển, tạo sinh kế bền vững, lâu dài, đảm bảo an sinh xã hội.