Sau sự cố môi trường biển, để phục hồi kinh tế, ông Ngô Văn Lương cùng với 1 nhóm hộ ở xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh tiếp tục vay vốn, cải tạo ao hồ, đầu tư nuôi tôm trên diện tích được xã giao. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật từ chọn giống cho đến chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, đặc biệt cả nhóm hộ cùng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi khâu nên tôm phát triển tốt, mang lại thu nhập khá. Chính nhờ vậy đời sống của từng gia đình đã được nâng lên và hiện nay nhóm hộ đang nỗ lực nuôi tôm theo hướng bền vững.
Không chỉ ở Vĩnh Giang, trong những năm qua, nhiều nơi trong tỉnh Quảng Trị cũng đã mở rộng diện tích nuôi tôm, chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1 ngàn ha, sản lượng thu được mỗi năm khoảng 5 ngàn tấn, mang lại giá trị 450 đến 500 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 180 đến 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng thành lập nhóm hộ hoặc mô hình Tổ hợp tác để làm tốt công tác quản lý từ con giống cho đến môi trường, nuôi có hiệu quả mà trong thực tế cho thấy phần lớn các vùng nuôi tôm trên địa bàn hình thành 1 cách tự phát, nguồn lực kinh tế của người dân còn hạn chế nên hầu hết hệ thống ao nuôi chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật. Điều đáng nói hơn là những năm đầu mới xây dựng, khi môi trường xung quanh còn sạch thì việc nuôi tôm thuận lợi nhưng dần dần khi môi trường bị ô nhiễm, việc xử lý ao nuôi, nguồn nước không triệt để đã dẫn đến dịch bệnh xảy ra thường xuyên, nhiều hộ liên tục bị bị thua lỗ, không còn nguồn vốn để sản xuất, phải bỏ ao nuôi. Chỉ tính trong năm 2016, dịch bệnh xảy ra ở 22 xã, thị trấn của 5 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và Thành phố Đông Hà với diện tích gần 345 ha. Trong 6 tháng đầu năm 2017, dịch bệnh tiếp tục gây thiệt hại trên diện tích 128 ha ở 15 xã, thị trấn. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Huân, PHó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Do điều kiện cơ sở vật chất chưa được đầu tư đúng mức, người dân am hiểu kỹ thuật nuôi còn hạn chế nên 1 số nơi đã xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường, đặc biệt sự cố môi trường biển xảy ra đã gây ra những thiệt hại lớn đến nghề nuôi tôm. Trước thực trạng đó, Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch phát triển nuôi tôm đến năm 2020 với các giải pháp quan trọng. Theo đó, trên cơ sở quy hoạch tổng thể của ngành nông nghiệp, các địa phương tiến hành quy hoạch chi tiết vùng nuôi 1 cách phù hợp, mở rộng diện tích năm 2017 tăng lên 1100 ha và đến năm 2020 là 1500 ha. Bên cạnh đó, triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung giai đoạn 2006-2020, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi tôm, nhất là thủy lợi vùng nuôi, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp và nhân dân để xây dựng các vùng nuôi, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Về con giống, trước mắt khuyến cáo người dân lựa chọn mua ở những cơ sở sản xuất có nguồn gốc, có uy tín, có thương hiệu đã qua kiểm dịch, về lâu dài khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế đầu tư vào công tác nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất tôm giống chất lượng cao theo hướng tăng trưởng nhanh, sạch bệnh đẻ cung ứng cho người dân trên địa bàn, khuyến khích áp dụng các quy trình nuôi tôm theo công nghệ tiên tiến, quy trình nuôi sử dụng các chế phẩm sinh học thay các loại hóa chất, thuốc kháng sinh. Mặt khác ngành tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất theo hướng từng bước tích tụ diện tích, hình thành các vùng nuôi tập trung, có quy mô lớn, từng bước chuyển đổi các vùng nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh sang nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến, xen ghép tôm - cua, tôm - rong câu, tôm - cua - cá nước lợ hoặc nuôi chuyên cua, cá nước lợ. Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tập huấn, phổ biến các biện pháp kỹ thuật nuôi mới, quy trình nuôi tôm thích ứng với từng loại hình sinh thái, xây dựng các mô hình trình diễn nuôi tôm an toàn dịch bệnh để cho người dân tham khỏa, học tập nhân rộng. Đối với tỉnh và các ngành chức năng sẽ có chính sách hỗ trợ giá giống cho các mô hình nuôi tôm áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật để triển khai nhân rộng trên địa bàn, nhằm xây dựng được mỗi năm khoảng 25 ha nuôi tôm áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến. Ngoài ra tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ công tác quan trắc và cảnh báo môi trường, dịch bệnh, tăng cường công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, dư lượng kháng sinh, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất tôm giống, thức ăn nuôi tôm, thuốc thú y thủy sản và sản phẩm xử lý cải tạo môi trường. Đặc biệt nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách để gắn kết các nhà máy, cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu, hợp đồng bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất. Tỉnh Quảng Trị có lợi thế để phát triển nuôi tôm nhưng do sự cố môi trường biển trong năm 2016 vừa qua đã làm ảnh hưởng và gây nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, hiện tại môi trường biển đã cơ bản trở lại bình thường. Mặt khác, hiện nay tôm là loại vật nuôi được Bộ NN&PTNT lựa chọn để ưu tiên phát triển để nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp. Hơn nữa, theo dự báo, hiện tại nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tôm trên thị trường thế giới ngày càng tăng và những năm tới còn rất lớn nên không sợ xảy ra tình trạng dưa thừa do mở rộng sản xuất. Nắm bắt cơ hội này, trên cơ sở đánh giá thực trạng nuôi tôm trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị thấy rõ 1 số tồn tại, hạn chế để khắc phục. Đồng thời có những định hướng phát triển cụ thể, theo đó, ngoài việc hỗ trợ của tỉnh và các ngành chức năng, thiết nghĩ người dân cần có ý thức cao hơn nữa, liên kết hình thành các Tổ cộng đồng, Tổ hợp tác, Tổ cộng đồng để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất và tuân thủ đúng quy trình nuôi từ việc chọn giống cho đến chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, phát triển nghề nuôi tôm 1 cách bền vững, hiệu quả.