Nông sản chất lượng cao, hướng đi đã mở

Thứ năm - 07/09/2017 21:11
Thời gian qua, huyện Hải Lăng là địa phương đầu tiên trong tỉnh sản xuất rau, quả sạch theo phương thức thủy canh hồi lưu kết hợp hữu cơ trong nhà kính, đảm bảo chất lượng an toàn và cho năng suất cao. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Nguyên Khang - Hải Lăng garden Trần Đới cho biết, hiện nay, HTX đang trồng rau xà lách và dưa lưới, sau đó tiếp tục mở rộng để trồng các loại rau khác và cà chua để cung ứng cho thị trường.
Người dân huyện Vĩnh Linh chăm sóc vườn tiêu sạch
Người dân huyện Vĩnh Linh chăm sóc vườn tiêu sạch

Trong khuôn viên rộng 2.000 m2 , 2 nhà kính được xây dựng kiên cố, thiết kế khoa học nhằm tạo môi trường ổn định cho rau phát triển tốt, một nhà trồng rau sạch và bên cạnh là nhà kính trồng dưa lưới. Nguồn giống được ông Đới nhập về từ Hà Lan, Malaixia… Các loại rau xà lách được trồng theo hình thức thủy canh hồi lưu kết hợp hữu cơ, tức là rau không trồng trên đất mà được trồng trên nước, phía dưới rễ có xơ dừa và một ít đất sạch được sàng lọc. Do đó, rau sẽ không bị hấp thụ những chất bẩn, độc hại có trong đất.

 

Bên cạnh đó, rau củ được trồng trong nhà kính, có hệ thống quạt, phun sương để điều hòa độ ẩm, nhiệt độ… nên không phụ thuộc vào thời tiết ở bên ngoài cũng như không có côn trùng lọt vào, vì thế không cần sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật. “Thời gian thực hiện từ gieo ươm đến khi thu hoạch nhanh hơn và cho năng suất cao hơn. Trung bình 1 vụ rau xà lách sẽ cho thu hoạch sau khoảng 22 ngày, một năm có thể trồng được 14 vụ, 1 vụ thu được 1,3- 1,4 tấn rau/ha, bình quân mỗi năm thu hoạch được 15-17 tấn rau sạch.

 

Cây dưa lưới cũng đã được trồng từ đầu tháng 7 trên diện tích 1.000m2 với 2.400 cây. Sau 65 ngày sẽ cho thu hoạch, đặc biệt, mỗi cây, chúng tôi chỉ lấy 1 quả duy nhất để đảm báo chất lượng tốt nhất”, ông Đới cho biết thêm. Vừa qua, các sản phẩm rau sạch của HTX đã được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn hiện tại, HTX đang đẩy mạnh công tác tìm kiếm thị trường ổn định và tạo dựng thương hiệu cho nguồn rau sạch này. Ông Nguyễn Giáp, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, huyện rất chú trọng tới việc sản xuất rau sạch, rau công nghệ cao. Từ cuối năm 2016, huyện đã cử 2 cán bộ của Phòng Nông nghiệp và PTNT vào học tập mô hình làm rau công nghệ cao ở các tỉnh phía Nam để về hướng dẫn kỹ thuật triển khai thực hiện tại địa phương. Trong định hướng cơ cấu lại nông nghiệp, Hải Lăng đặc biệt chú trọng đến sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

 

Huyện Cam Lộ có thế mạnh về các loại nông sản mang đặc trưng vùng gò đồi bán sơn địa có đất đỏ ba dan màu mỡ. Ông Phạm Viết Thanh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ cho hay, từ trước tới nay, huyện có nhiều loại nông sản được sản xuất theo phương thức sạch, an toàn và có chất lượng cao như các loại cao dược liệu (cao cà gai leo An Xuân, chè vằng Định Sơn), tinh bột nghệ vùng Cùa, tinh dầu lạc, tiêu ngâm muối…

 

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lộ lần thứ 7 (khóa XV) đã thông qua đề án và thống nhất nghị quyết về “Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương”. Qua đó, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu các thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm hàng hoá cụ thể như: Tinh dầu lạc, cao chè vằng, cà gai leo, tinh bột nghệ, tiêu Cùa…

 

Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường phối hợp, liên kết phát triển thị trường tiêu dùng nội địa, tập trung vào thị trường các thành phố lớn và các tỉnh lân cận; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản; tuyên truyền vận động người dân nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm an toàn, chất lượng thực phẩm trong khâu chế biến, hướng đến xây dựng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi, áp dụng triệt để các tiêu chuẩn quy định; đổi mới công nghệ sản xuất, ứng dụng quy trình sản xuất đạt các tiêu chuẩn về an toàn sinh học; nghiên cứu nhu cầu thị trường, nắm bắt kịp thời những biến động của thị trường để dự báo, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp từng giai đoạn, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực.

 

Tiếp tục thực hiện nhân rộng các kết quả giải pháp kỹ thuật của đề án “Thí điểm mô hình phục hồi và phát triển vườn tiêu” theo hướng an toàn sinh học, phục vụ cho dự án chỉ dẫn địa lý cây hồ tiêu Quảng Trị; tập trung rà soát, quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng vùng trồng mới tập trung ra khỏi tiêu vườn hộ gia đình gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng như tưới, tiêu…nhằm tạo đột phá và ổn định về năng suất. Quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất tập trung ổn định cho làng nghề nấu cao dược liệu Định Sơn và thương hiệu cao chè vằng; quy hoạch phát triển thêm một số cây cà gai leo, hà thủ ô, nghệ… theo hướng an toàn sinh học. Ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến để chế biến nâng chất lượng và đa dạng kiểu sản phẩm các làng nghề kết hợp với xây dựng ổn định vùng nguyên liệu an toàn sinh học; nghiên cứu thị trường, mẫu mã, xây dựng thương hiệu, quảng bá bán hàng để có cơ sở cho việc lập kế hoạch tổ chức sản xuất, góp phần nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản.

 

Huyện Vĩnh Linh có nền nông nghiệp phát triển đa dạng, phong phú. Những năm qua, chính quyền và người dân địa phương luôn xác định được các mặt hàng truyền thống có thế mạnh của địa phương để đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh cho biết, ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhân dân còn tích cực sản xuất nông sản theo hướng sạch, sử dụng các chế phẩm sinh học, hữu cơ thay cho thuốc hóa học trong quá trình canh tác. Nhờ đó, những năm qua, trên địa bàn huyện Vĩnh Linh ngày càng có nhiều mô hình sản xuất nông sản sạch đạt chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường như đậu xanh Vĩnh Giang, dưa hấu Vĩnh Tú, ném Vĩnh Kim và tiêu Vĩnh Linh.

 

Ngoài những nông sản chất lượng cao truyền thống, vừa qua, huyện Vĩnh Linh có nhiều mô hình mới ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: Mô hình sản xuất rau sạch trong nhà lưới ở Vĩnh Tú, mô hình trồng cây dược liệu ở Vĩnh Thái… Đến nay, nhiều nông sản sạch có chất lượng cao của huyện như tiêu khô, khoai môn, ném, rau quả sạch, dưa hấu… đều đã xây dựng được chỗ đứng trên thị trường và địa phương đang tích cực đăng kí thương hiệu, nhãn mác cho nông sản. Tháng 6/2017 vừa qua, 279 hộ nông dân trồng cây hồ tiêu trên địa bàn 4 xã: Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiền, Vĩnh Kim, Vĩnh Nam rất phấn khởi khi chính thức trở thành xã viên HTX sản xuất, kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh với tổng diện tích trên 500 ha.

 

Nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương, huyện Vĩnh Linh đã được dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý Việt Nam” do Cơ quan phát triển Pháp tài trợ trong giai đoạn 2016- 2018 hỗ trợ thành lập HTX. Lần đầu tiên những người trồng tiêu ở Vĩnh Linh bắt đầu có sự liên kết, hợp tác sản xuất theo mô hình HTX kiểu mới. Hiện nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều đang tích cực xây dựng nền nông nghiệp sạch, dần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào canh tác. Người dân các địa phương mong muốn tỉnh cùng các sở, ban, ngành liên quan có sự quan tâm, hỗ trợ sớm xây dựng, hoàn thiện những mô hình sản xuất nông sản sạch, có chất lượng cao.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay17,642
  • Tháng hiện tại191,729
  • Tổng lượt truy cập8,392,026
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây