Thực hiện biên bản ghi nhớ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam (Công ty Đại Nam) đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với 13 hợp tác xã, tổ hợp tác của huyện Gio Linh, thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà với tổng diện tích thực hiện trong vụ hè thu 2017 là 89,76 ha.
Trong đó phía Công ty Đại Nam cho tạm ứng phân bón trên diện tích 40,85 ha và hỗ trợ 100% phân bón đối với 49,91 ha, đồng thời thu mua toàn bộ lúa tươi đảm bảo tiêu chuẩn với giá 7.000 đồng/kg.
Quy trình canh tác lúa chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Obi Ong biển của Công ty Đại Nam, không sử dụng phân bón vô cơ cũng như thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh.
Điểm nổi bật của mô hình là diện tích lúa ở tất cả các điểm đều không bị bệnh lùn sọc đen gây hại mặc dù đầu vụ có xuất hiện rầy lưng trắng. Ước tính năng suất lúa khô của toàn bộ diện tích thí điểm đạt 37,9 tạ/ha.
Đánh giá hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, đại diện các hợp tác xã tham gia cho biết canh tác theo phương pháp này cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, không bị sâu bệnh hây hại, đồng thời đảm bảo sức khỏe người sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường, đặc biệt tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao cho người tiêu dùng.
Các đại biểu cũng đề xuất một số ý kiến đối với Công ty Đại Nam như xem xét tăng giá thu mua lúa tươi, điều chỉnh quy trình bón phân theo hướng tăng lượng phân đầu vụ thay vì bón đồng đều như đã thực hiện.
Từ kết quả bước đầu của mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ vụ hè thu 2017, các ngành chức năng cũng như các địa phương kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm để mở rộng sản xuất trong vụ đông xuân 2018 và những năm tiếp theo.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn