Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sạch

Thứ tư - 30/08/2017 21:11
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh tập trung mục tiêu cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh được chuyển dịch theo hướng lấy hiệu quả làm trọng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng các biện pháp canh tác nông nghiệp sạch. Một trong những giải pháp then chốt nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững là ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN).
Trồng rau sạch ở Triệu Phong
Trồng rau sạch ở Triệu Phong

Các hoạt động nghiên cứu và triển khai, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được quan tâm triển khai làm cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất phù hợp với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái thuận lợi và hiệu quả hơn; năng suất, sản lượng của các loại cây trồng, vật nuôi tăng cao hơn. Việc áp dụng các quy trình công nghệ mới sẽ giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, góp phần vào việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn.

 

Ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp thể hiện ở một số khâu như công tác giống, biện pháp canh tác; quản lý, chuyển giao KHCN vào sản xuất... Hàng năm, có từ 10- 15% diện tích sản xuất được chuyển giao sử dụng giống mới. Nhiều giống mới được khảo nghiệm thành công và mở rộng sản xuất như: Giống lúa RVT, Trân Châu Hương, TL6, AC5…; giống ngô lai NK54, HN88...; giống sắn KM140, giống cao su RRIC100, RRIC121...; bò chuyên thịt Droughtmaster; giống lợn siêu nạc 3 máu ngoại, gà siêu trứng VCN15; keo lai dâm hom… góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

 

Bên cạnh đó, nông dân ứng dụng có hiệu quả nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất như: “1 phải, 5 giảm”, IPM, ICM, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học trong xử lý môi trường nuôi; ứng dụng các biện pháp an ninh sinh học trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, rút ngắn chu kỳ nuôi trồng, giảm thiểu dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Ứng dụng thành công KHKT vào khai thác và bảo quản sản phẩm như: Máy dò cá Sona, máy kéo lưới vây rút, máy liên lạc bộ đàm tầm xa, cải tiến hầm bảo quản cá bằng công nghệ hỗn hợp poliurethan...

 

Việc ứng dụng hiệu quả đập cao su; cửa cống composit; điều tiết van đóng xả nước bằng điện; màng chống thấm Bentofix NSP3300-NT; kết hợp nông lâm nghiệp và thủy lợi để cải tạo vùng cát; xây dựng bản đồ các vùng ngập lụt... đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thâm canh, phát triển nông nghiệp bền vững, giảm nhẹ thiên tai. Ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp còn thể hiện ở việc đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.

 

Sản xuất nông nghiệp sạch là xu hướng của sản xuất nông nghiệp hiện đại. Nhiều đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN về lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KHKT để phát triển về giống cây con mới, phân bón, quy trình chăm sóc… Các mô hình phát triển nông nghiệp phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng, ứng dụng quy trình chăm sóc mới tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi sau khi thí điểm thành công được nhân rộng.

 

Kết quả của các dự án đã có hiệu ứng lan tỏa, người dân có cơ hội tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch như các dự án bảo vệ môi trường đã hỗ trợ người dân sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên có ứng dụng KH&CN nhằm tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Năm 2015, huyện Triệu Phong triển khai thí điểm phương pháp canh tác tự nhiên ứng dụng công nghệ sinh học tại 4 xã là Triệu Thượng, Triệu Sơn, Triệu Trung và Triệu Tài với 12 nhóm hộ sản xuất trên tổng diện tích thực hiện mô hình là gần 1 ha.

 

Các nhóm hộ sản xuất đều cam kết không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không lạm dụng phân bón hóa học; không cho gia súc, gia cầm ăn thức ăn công nghiệp, thuốc kháng sinh. Cây trồng được bón phân hữu cơ hoai mục, vật nuôi được cho ăn các loại thức ăn tự phối trộn bằng cám, gạo, ngô... với men vi sinh và phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, dịch bệnh hại vật nuôi bằng các loại chế phẩm sinh học tự chế biến từ các loại thảo mộc dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Sau hơn 1 năm triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo phương pháp hữu cơ đã thu được những kết quả khá.

 

Năng suất cây trồng theo phương pháp hữu cơ vẫn đạt tương đương với canh tác vô cơ nhưng canh tác hữu cơ sản phẩm có chất lượng tốt, sạch, do đó giá bán cao hơn so với sản phẩm canh tác vô cơ, trong khi đó chi phí giảm hơn nên tăng thu nhập cho hộ sản xuất. Phương pháp canh tác này giúp giữ độ ẩm của đất, cải tạo đất tốt và bảo vệ môi trường sản xuất và sức khỏe cho người sản xuất.

 

Ngoài ra, việc hướng dẫn, xây dựng, xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm nông nghiệp canh tác sạch của các địa phương như cam K4 Hải Lăng, rau xà lách xoong Gio An, đậu xanh lòng Triệu Vân, mứt gừng Mỹ Chánh, tiêu Cùa, cà phê Khe Sanh…cũng được triển khai thực hiện đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, cải thiện thu nhập cho người nông dân.

 

Thành công của mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn đang từng bước giúp thay đổi nhận thức của người nông dân, dần hướng sang phương thức canh tác nông nghiệp sạch, theo hướng hàng hóa. Việc ứng dụng KH&CN đã đóng góp quan trọng trong thành công của phương pháp canh tác nông nghiệp sạch và bền vững, từ đó nâng cao giá trị nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi đời sống nông dân và diện mạo nông thôn, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay9,064
  • Tháng hiện tại201,660
  • Tổng lượt truy cập8,401,957
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây