Quyết tâm làm giàu trên vùng cát

Thứ hai - 04/09/2017 21:30
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Độ, năm nay 40 tuổi, ở làng Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh phát triển kinh tế hiệu quả cao từ mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp cá- vịt trời và trồng rừng trên vùng đất cát khô cằn, được mọi người trong và ngoài địa phương biết đến, khen ngợi.
Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp nuôi vịt trời, thả cá, trồng rừng của cựu chiến binh Nguyễn Đình Độ ở thôn Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, Gio Linh
Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp nuôi vịt trời, thả cá, trồng rừng của cựu chiến binh Nguyễn Đình Độ ở thôn Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, Gio Linh

Là vùng đất cát, làng Nhĩ Thượng chạy dài 2 km bao quanh các thửa ruộng nhỏ của làng từ thôn An Mỹ, xã Gio Mỹ đến thôn Nhĩ Trung, xã Gio Thành. Thu nhập kinh tế chủ yếu của người dân nơi đây là lúa, cuộc sống đạm bạc, bình yên. Phía sau làng là một triền cát, cỏ dại mọc thưa thớt. Anh Độ và bạn bè đồng trang lứa trong làng thuở nhỏ đi chăn bò nơi đây nhiều năm đã chứng kiến cỏ không đủ cho bò gặm. Vùng đất cát chưa mưa đã ngập nước, chưa nắng đã khô cằn bạc màu, hoang hóa đã làm cho anh Độ nhiều đêm trăn trở, tìm cách để cải tạo, biến nơi này trở thành vùng kinh tế hiệu quả.

 

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, tháng 8/ 1997 anh Độ thi vào Trường Trung cấp Thủy lợi ở tỉnh Quảng Nam. Theo anh, phải học chuyên môn thuộc lĩnh vực nông nghiệp để sau này áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế của địa phương một cách tốt nhất, thực hiện bằng được ước mơ của mình. Tháng 10/1999 ra trường, anh xin vào làm cán bộ kỹ thuật tại một số công ty TNHH xây dựng đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Năm 2005, anh Độ được vào làm hợp đồng phụ trách địa chính- xây dựng xã Gio Mỹ. Lúc này, ý định cải tạo vùng cát hoang hóa trở thành trang trại chăn nuôi đã hình thành trong anh.

 

Có được một ít vốn dành dụm ban đầu và học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi trên cát hiệu quả của nhiều mô hình ở các địa phương khác nên anh Độ mạnh dạn xin UBND xã Gio Mỹ tạo điều kiện cho thuê khu đất cát 10 ha (trong thời hạn 5 năm) để đào ao nuôi cá và vịt. Tuy nhiên, trước mắt không có nguồn vốn lớn để đầu tư con đường từ cổng làng đến khu trang trại và điện thắp sáng phục vụ chăn nuôi, thủy lợi, nên anh chỉ đào hồ, chủ yếu nuôi cá tự nhiên và nuôi thử nghiệm vịt trời.

 

Đến năm 2013, thấy mô hình nuôi vịt trời và cá nước ngọt bước đầu khả quan nên anh Độ được UBND xã đồng ý cho thuê tiếp khu đất 10 ha để đào thêm hồ phát triển chăn nuôi, đưa tổng diện tích lên 20 ha. Anh vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT huyện Gio Linh đầu tư cơ sở hạ tầng, đào ao nuôi cá, trồng rừng và mở rộng nguồn giống vịt trời; đồng thời thuê nhân công phục vụ chăn nuôi. Tổng kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng là 630 triệu đồng (trong đó đường dây điện kéo từ khu dân cư ra trang trại 1.000m là 60 triệu đồng; xây dựng đường 300m vào trang trại 70 triệu đồng; hệ thống chuồng trại khép kín với diện tích 3.000m2 là 150 triệu đồng; đầu tư gần 300 triệu đồng đào 5 hồ nuôi cá nước ngọt, trong đó có 1 hồ nuôi cá tự nhiên; 50 triệu đồng đầu tư vào trang thiết bị để xử lý con giống và chuồng trại kiên cố, 25 triệu đồng chi phí trồng keo lưỡi liềm tạo bóng mát cho cá và vịt ).

 

Sau khi hoàn thành cơ bản cơ sở hạ tầng, anh Độ bắt tay vào chăn nuôi giống vịt trời và thả các loại cá lóc, mè, rô phi, trê, chép. Ban đầu anh mua 1.000 con giống vịt trời về nuôi thử nghiệm, với tổng kinh phí là 50 triệu đồng, tại Công ty Thống Nhất, tỉnh Thanh Hóa. Giống vịt trời rất phù hợp với điều kiện sống ở vùng đất cát rộng rãi. Ngoài nguồn thức ăn chăn nuôi, vịt trời còn tự kiếm mồi trong tự nhiên, chất lượng thịt thơm ngon. Anh Độ chủ động trong công tác chọn con giống, tiếp tục đầu tư với số lượng vịt nhiều hơn.

 

Trong 6 năm trở lại đây, mô hình trang trại đã cho thu nhập cao, bình quân hàng năm trừ chi phí đem lại lãi ròng 282 triệu đồng (trong đó thu từ vịt giống 150 triệu đồng; vịt thịt 1,3 tỷ đồng; cá lóc nuôi ở hồ tự nhiên 20 triệu đồng, cá nuôi 120 triệu đồng). Đến nay, anh Độ đã trả được vốn vay ngân hàng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động ở địa phương với mức tiền công bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh góp phần vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn xã, tham gia hỗ trợ tích cực vào các hoạt động của các hội, đoàn thể, cơ quan và địa phương, hỗ trợ Quỹ vì người nghèo của xã.

 

Đặc biệt, anh đã dành kinh phí hỗ trợ, giúp đỡ em Dương Hồng Nghĩa, là đối tượng mồ côi trú tại thôn Lại An, xã Gio Mỹ, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Huế yên tâm học tập. Trao đổi về mô hình phát triển kinh tế của anh Độ, ông Trần Xuân Lộc, Chủ tịch UBND xã Gio Mỹ cho biết: “Vùng đất cát nơi này đã từng bị bom đạn tàn phá trong chiến tranh, lại bạc màu, bỏ hoang hàng chục năm qua.

 

Để phát triển kinh tế hiệu quả trên vùng cát này không phải dễ, cần rất nhiều vốn, sức lao động và ý chí quyết tâm mới làm được. Thế nhưng cựu chiến binh Nguyễn Đình Độ đã dám nghĩ, dám làm, chinh phục được thiên nhiên, biến vùng đất hoang hóa thành trang trại kinh tế hiệu quả. Đây là mô hình trang trại hiệu quả đầu tiên của vùng Đông huyện Gio Linh”.

 

Với hiệu quả của mô hình trang trại chăn nuôi vịt trời, cá nước ngọt và trồng rừng trên cát, năm 2016 anh Nguyễn Đình Độ được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen hội viên CCB sản xuất giỏi, tháng 7/2017 được Hội CCB tỉnh và huyện Gio Linh chọn đi dự hội thảo “Cựu chiến binh với công tác bảo vệ môi trường và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội” do Trung ương Hội CCB Việt Nam tổ chức tại tỉnh Hà Tĩnh; ngày 21/6/2017 trang trại chăn nuôi của anh được đón đoàn công tác Hội CCB tỉnh Savannakhet (Lào) đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

 

Được biết, đoàn công tác CCB tỉnh Savannakhet hứa sẽ giúp anh Độ xuất khẩu vịt trời sang thị trường nước bạn Lào tiêu thụ. Nguyện vọng của anh Độ là được các cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện làm cầu nối giúp tiêu thụ sản phẩm; các ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn để mở rộng sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
98 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay896
  • Tháng hiện tại19,125
  • Tổng lượt truy cập9,533,299
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây