Từ những bộn bề công việc
Ông Đặng Sỹ Dũng - Chủ tịch UBND xã cho biết, cuối năm 2019, khi xã nhà quyết định đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, khi đó chúng tôi thấy được sự ngỗn ngang trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Lúc này, xã đạt 15/19 tiêu chí, trong đó các tiêu chí chưa đạt gồm giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Đường giao thông trục xã, nội thôn còn nhiều km chưa được cứng hóa, đường giao thông nội đồng có nơi chưa đáp ứng nhu cầu đi lại và phục vụ sản xuất cho người dân. Cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa - xã hội trên địa bàn xã còn nghèo nàn, các nhà văn hóa thôn hầu hết đều xuống cấp, chưa đạt chuẩn. Xã chưa có điểm vui chơi giải trí cho người già và trẻ em. Trường mầm non xã chưa đạt chuẩn, còn thiếu cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ dạy và học. Xã chưa có điểm thương mại dịch vụ trên địa bàn. Đời sống của một bộ phận người dân trên địa bàn xã vẫn còn khó khăn; mức thu nhập bình quân mới đạt 24 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo còn 9,7 %. Môi trường nông thôn chưa đảm bảo, các thôn đều chưa có tổ thu gom rác thải. Cảnh quan diện mạo nông thôn còn ngổn ngang, hệ thống điện thắp sáng đường quê trên các tuyến đường nông thôn chưa được đầu tư đầy đủ.
Thể hiện quyết tâm chính trị cao
Trên cơ sở xác định những khó khăn đó, với quyết tâm về đích nông thôn mới năm 2020, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết, UBND xã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và cán bộ, công chức xã theo dõi địa bàn, phụ trách các tiêu chí nông thôn mới. Công tác tuyên truyền, vận động được Mặt trận và các đoàn thể trên địa bàn xã thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm vận động Nhân dân phát huy vai trò chủ thể tham gia đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ xây dựng nông thôn mới. Các tiêu chí chưa đạt cần khá nhiều nguồn lực đầu tư, trong điều kiện đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo UBND xã đã tìm mọi giải pháp huy động nguồn lực từ nhiều nguồn để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hoàn thiện các tiêu chí, với tổng nguồn lực đầu tư các tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, trường học và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn gần 13 tỷ đồng. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xã đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, có liên kết nhằm cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, nổi bật là mô hình Dứa Queen của tổ hợp tác Tràng Sòi, mô hình rừng FSC, mô hình thử nghiệm Sâm bố chính thôn Tân Kiên, mô hình na Thái thôn Ái Tử, Cây thìa canh thôn Tân Kiên, mô hình Chanh leo với quy mô 01 ha liên kết với Công ty Vinafoot Tây Bắc tại thôn Tân Kiên, Kiên Phước, mô hình chăn nuôi gà liên kết an toàn sinh học tại thôn Hà Xá với quy mô chuồng trại 1.300 con/lứa, mô hình chăn nuôi lợn liên kết thôn Nại Hiệp với quy mô 500 con/lứa. Để đảm bảo môi trường nông thôn xanh sạch đẹp, xã đã vận động thành lập 5 tổ thu gom rác thải, đầu tư xây dựng 2 trạm trung chuyển rác; vận động lắp đặt hệ thống điện thắp sáng trên toàn bộ các thôn trên địa bàn xã. Tuyên truyền vận động bàn con cắt tỉa hàng rào, vệ sinh đường làng ngõ xóm, có các biện pháp xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, xã đã ban hành chương trình cải tiến, đổi mới tác phong lề lối làm việc, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, đạo đức trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai như tranh chấp, lấn chiếm, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn xã. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tiếp tục được phát động rộng khắp; các mô hình “Làng không có tội phạm” hoạt động có hiệu quả; phát động xây dựng mới mô hình “Toàn dân phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy” tại thôn Ái Tử bước đầu có tác dụng tích cực.
Với cách làm công khai minh bạch, sự nêu gương trách nhiệm của tập thể cán bộ Đảng viên, chủ trương của xã nhận được sự đồng tình hưởng ứng và ủng hộ của đông đảo Nhân dân trên địa bàn. Người dân đã chung tay góp sức, phát huy được vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Những kết quả tích cực đạt được
Với sự quyết tâm của Đảng bộ chính quyền xã, sự đồng lòng chung sức của người dân trong toàn xã, xã Triệu Ái giữ vững được 15 tiêu chí đã đạt và thực hiện hoàn thành 4 tiêu chí còn lại, đến nay cơ bản đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư hoàn thiện, 100% các tuyến đường xã, liên thôn được cứng hóa. Tất cả các trường học đều được công nhận trường học đạt chuẩn. Nhà văn hóa các thôn đều được xây dựng phục vụ tốt hơn cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân. Xã đã đầu tư 2 điểm thương mại dịch vụ tạo điều kiện cho người dân trao đổi mua bán hàng hóa. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập của người dân dự kiến năm 2020 đạt 42,8 triệu đồng, hộ nghèo giảm xuống còn 3,73%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 95,4%; 100% hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, trong đó có 61,3% hộ sử dụng nước sạch theo chuẩn quốc gia; 100% cơ sở sản xuất thực thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và có các biện pháp đảm bảo môi trường. Phong trào ra quân phát quang, dọn dẹp vệ sinh môi trường gắn với chỉnh trang nông thôn mới ở các thôn được duy trì thường xuyên, liên tục. Đảng bộ, chính quyền xã được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là một trong những xã có vị trí dẫn đầu của toàn huyện về thực hiện tốt công tác cải cách hành chính. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã luôn được giữ vững, các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp được giải quyết kịp thời, có 5/5 thôn được công nhận đạt chuẩn về an ninh trật tự. Xã đạt tiêu chí an toàn về an ninh trật tự trong nhiều năm. Người dân trên địa bàn cơ bản hài lòng về những kết quả xây dựng nông thôn mới, điều đó thể hiện ở kết quả lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của xã có đạt tỷ lệ 98%..
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới, ông Đặng Sỹ Dũng - Chủ tịch UBND xã Triệu Ái cho biết: bài học xuyên suốt, đó là phải xác định công tác tuyên truyền vận động là công tác trọng tâm, cần thực hiện thường xuyên, liên tục; trên cơ sở các văn bản, hướng dẫn của cấp trên cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể phải triển khai đến tận người dân, giúp dân hiểu rõ mục đích, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới và vai trò chủ thể của người dân “dân biết, dân đóng góp, dân làm, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Đảng ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể đến toàn thể nhân dân phải đoàn kết trên dưới một lòng chung sức chung tay xây dựng nông thôn mới. Trong thực hiện cần phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng cá nhân, tập thể; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dưng nông thôn mới. Xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, xuyên suốt, quá trình thực hiện không được máy móc, rợp khuân mà phải tùy vào điều kiện thực tế của địa phương để có các giải pháp phù hợp, đổi mới, sáng tạo, trong đó quan tâm duy trì vững chắc các tiêu chí đã đạt, từng bước phấn đấu thực hiện các tiêu chí chưa đạt. Nguồn lực đầu tư để thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới rất lớn trong khi nguồn lực của nhà nước có hạn, vì vậy phải biết huy động nguồn lực từ nhiều nguồn, đặc biệt là nguồn đóng góp của doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà hảo tâm và của cộng đồng dân cư. Thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhằm phát hiện những hạn chế, thiếu sót để kịp thời khắc phục, sửa chữa tránh tình trạng gây thất thoát tiền của của nhà nước và Nhân dân. Luôn đặt lợi ích của Nhân dân trên hết, phát huy và tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; có chính sách, cơ chế cụ thể để phát huy hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.