Với sự nỗ lực, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp và Nhân dân trong toàn tỉnh, tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong những năm qua. Xây dựng nông thôn mới đã làm cho nông thôn Quảng Trị có sự phát triển và sự thay đổi khá căn bản về chất, kết quả thực hiện đạt được khá đồng đều trên tất cả các lĩnh vực và có tính bền vững khá cao.
Từ xuất phát điểm từ 3,6 tiêu chí /xã, đến nay bình quân tiêu chí đã đạt 15,65 tiêu chí/xã, có 49/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Nông thôn Quảng Trị có sự thay đổi khá rõ rệt đang diễn ra từng ngày, các xã sau khi đạt chuẩn nông thôn mới bắt tay vào xây dựng xã, thôn, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và trở thành phong trào sâu rộng ở nhiều địa phương, tạo nên các miền quê đáng sống, thể hiện ngày càng rõ hơn sự trù phú, an lành và bình yên.
Đạt được những kết quả đó, trong những năm qua Ban chỉ đạo tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo, mang tính đột phá, phù hợp nhằm biến những bất lợi khó khăn thành tiềm năng lợi thế; đặc biệt là đã khơi dậy và phát huy có hiệu quả vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia nông thôn mới một cách tích cực và chủ động; trong thực hiện cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách mạnh mẽ, tạo được sự đồng thuận cao. Coi công tác tuyền vận động là đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ đảng viên và ngươi dân về mục đích ý nghĩa, lợi ích thiết thực trong xây dựng nông thôn mới hình thành nên các phong trào hành động cách mạng ở địa phương. Nhận thức được sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu là yếu tố then chốt để đạt kết quả xây dựng nông thôn mới ở địa phương, do đó trong tham mưu chỉ đạo thực hiện chương trình luôn phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Phong trào ngày thứ 7 vì nông thôn mới là phong trào thể hiện rõ vai trò của người đứng đầu cấp ủy trong chỉ đạo thực hiện chương trình. Trong thời gian qua, phong trào “ Ngày thứ 7 vì nông thôn mới” đã được triển khai sâu rộng, có hiệu quả ở nhiều địa phương.
Năm 2020 là năm cuối thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, cũng là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy. Tỉnh ta đề ra đến năm 2020 có 50-55% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn huyện trắng xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã miền núi dưới 8 tiêu chí, xã đồng bằng dưới 16 tiêu chí. Để đạt mục tiêu đề ra các địa phương đã rất tích cực trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn còn một số mục tiêu, nhiệm vụ chưa hoàn thành. Công tác chỉ đạo ở một số địa phương còn chưa quyết liệt, tiến độ triển khai còn chậm so với yêu cầu đề ra.
Các xã ở miền núi có số tiêu chí đạt thấp, trong đó còn 6 xã dưới dưới 8 tiêu chí, hầu hết các xã này đều tập trung ở huyện Đakrông. Là các địa phương vùng khó, trong xây dựng nông thôn mới các xã gặp không ít những nhiều khó khăn. Ngoài các tiêu chí cơ sở hạ tầng cần nguồn lực đầu tư, có nhiều tiêu chí mà hầu hết các xã chưa đạt như thu nhập, hộ nghèo, nhà ở, hình thức tổ chức sản xuất, môi trường; bên cạnh đó có một số địa phương chưa thực hiện tốt việc duy trì vững chắc các tiêu chí đã đạt, trong đó 2 tiêu chí thường bị rớt chuẩn đó là tiêu chí hệ thống chính trị và an ninh trật tự. Ngoài các xã miền núi, hiện nay toàn tỉnh còn có 8 xã đồng bằng dưới 16 tiêu chí, tập trung ở huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Các xã này cũng cần phải nỗ lực lớn để thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Huyện Đakrông chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2020, UBND, BCĐ nông thôn mới tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương khắc phục những khó khăn do dịch bệnh Covid 19, tập trung thực hiện các các giải pháp sớm hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Ông Trần Trọng Tuấn - Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: “Đối với 11 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh đã có nhiều văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đề nghị các địa phương sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm tra, thẩm định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, đã tổ chức tập huấn, nắm bắt tình hình thực hiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các địa phương. Dự kiến cuối năm 2020 có thêm 8-9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn lên 57-59 xã (đạt tỷ lệ 57,4-58,4%). Đối với những địa phương miền núi dưới 8 tiêu chí và đồng bằng dưới 16 tiêu chí, UBND tỉnh đã đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát cụ thể có kế hoạch và giải pháp thực hiện từng tiêu chí. Hiện nay, các huyện đã tổ chức các đoàn kiểm tra, rà soát, hướng dẫn các xã giải pháp lựa chọn và thực hiện các tiêu chí, đảm bảo ít nhất mỗi xã phải đạt từ 2-3 tiêu chí/xã. Để đạt mục tiêu không còn huyện trắng xã đạt chuẩn nông thôn mới, Sở Nông nghiệp và PTNT cơ quan được giao đỡ đầu xã Triệu Nguyên và các sở, ngành đã chỉ đạo hỗ trợ xã Triệu Nguyên thực hiện hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, trong đó chú trọng tập trung hỗ trợ kỹ thuật để triển khai thực hiện các mô hình phát triển sinh kế, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã, hỗ trợ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.... Đến thời điểm này, xã Triệu Nguyên đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, hoàn thiện hồ sơ để đề nghị thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020”.
Xác định đây là năm nước rút trong xây dựng nông thôn mới nên các địa phương cần phải quyết tâm hơn nữa để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra.