Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Sau gần hai năm triển khai thực hiện, đến nay chương trình OCOP đã mang lại những hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất theo tập quán lạc hậu sang sản xuất kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn.
Đối với tỉnh Quảng Trị, chủ thể sản xuất các sản phẩm theo hướng OCOP của địa phương bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề, các hộ sản xuất kinh doanh. Năm 2019, toàn tỉnh có 22 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 19 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, 2 sản phẩm đạt mức phân hạng 4 sao và 17 sản phẩm đạt mức phân hạng 3 sao. Sản phẩm dầu lạc nguyên chất Super Green của Công ty TNHH MTV Từ Phong là một trong hai sản phẩm đạt mức phân hạng 4 sao năm 2019. Đến nay, sản phẩm của công ty đã có mặt trên kệ hàng của các hệ thống phân phối lớn như Aeon Việt Nam; Co.opmart, Lotte Mart, Big C, Satra Mart và 120 hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Đối chiếu tiêu chí đánh giá xếp hạng, các sản phẩm đạt 4 sao là sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; sản phẩm hạng 5 sao là sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tiềm năng để nâng hạng các sản phẩm 4 sao như dầu lạc nguyên chất Super Green, gạo sạch Triệu Phong lên đạt chuẩn 5 sao OCOP trong thời gian tới là hoàn toàn khả thi.
Theo số liệu điều tra, khảo sát thu thập dữ liệu phục vụ xây dựng đề án chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, toàn tỉnh có 35 sản phẩm thế mạnh, thuộc 6 nhóm sản phẩm. Ngoài ra, có gần 100 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể phát triển, tham gia chương trình OCOP. Hiện nay có 5 sản phẩm có doanh thu trên 20 tỉ đồng/năm gồm: Nước mắm, bún bánh, cá hấp, ném củ và cao dược liệu. Như vậy, còn nhiều sản phẩm tiềm năng có thể xây dựng các tiêu chí để đạt chuẩn OCOP nhằm phát huy giá trị kinh tế của sản phẩm.
Trong kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP năm 2020, tỉnh xác định và tập trung phát triển, nâng cấp các sản phẩm đã được đánh giá. Đối với các địa phương trong chỉ đạo điểm chương trình OCOP tập trung phát triển sản phẩm để đạt hạng 4 sao, 5 sao. Khuyến khích các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh...) tham gia chương trình OCOP đổi mới, sáng tạo, nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm đảm bảo các quy định tại Bộ tiêu chí về đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Để chuẩn bị hồ sơ đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tiềm năng đạt 5 sao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố rà soát, khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký và chuẩn bị hồ sơ sản phẩm, xác nhận các nội dung của hồ sơ minh chứng về tỉ lệ sử dụng lao động địa phương, nguồn nguyên liệu. UBND cấp xã có trách nhiệm hướng dẫn chủ thể có nhu cầu nâng cấp hạng sao đối với sản phẩm sau khi có quyết định công nhận kết quả đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP ở cấp tỉnh và cấp trung ương. Các địa phương rà soát các sản phẩm có tiềm năng hoặc các sản phẩm đã được hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh công nhận 4 sao để xây dựng kế hoạch tư vấn và hỗ trợ nâng hạng sao cho sản phẩm.
Trong quá trình khảo sát đăng ký sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch cần xem xét nhu cầu của chủ thể đăng ký, yếu tố khả thi về đào tạo, nâng cao năng lực của chủ thể, nét đặc biệt của phong cảnh thiên nhiên gắn với bảo tồn di tích và bản sắc văn hoá đặc trưng, tiềm năng để phát triển thành một điểm đến du lịch chất lượng, độc đáo, đa dạng và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, để có thể triển khai hiệu quả chương trình OCOP, các địa phương cần tuân thủ đúng chu trình OCOP, tăng cường rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia chương trình, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn cán bộ quản lý cấp xã, cán bộ chuyên môn cấp tỉnh, huyện hiểu rõ bản chất của chương trình. Phân công rõ trách nhiệm cán bộ theo dõi, chỉ đạo chương trình, đặc biệt quan tâm chú ý đến chủ trương phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn làm cơ sở để phát triển các sản phẩm OCOP. Tăng cường vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã trong việc phát triển và đánh giá sản phẩm OCOP, đồng thời có kế hoạch và chính sách cụ thể hỗ trợ các sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP nhưng có tiềm năng để phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, cảnh quan, văn hóa và tính cộng đồng của địa phương.