Dấu ấn nổi bật trong quá trình xây dựng quê hương Cam Lộ là tập trung triển khai có hiệu quả chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, theo tinh thần và quan điểm chỉ đạo: “Xây dựng NTM phải xem tái cơ cấu nông nghiệp là then chốt; tam nông là chiến lược; NTM là căn bản; nông dân là chủ thể. Xây dựng NTM phải sáng, xanh, sạch, đẹp gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương. Xây dựng NTM không chạy theo hình thức mà phải thực hiện được tinh thần 4 có: Có công việc cụ thể; có địa chỉ cụ thể; có phân công cụ thể; có hiệu quả cụ thể. Lấy thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sự hài lòng của người dân là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, là thước đo hiệu quả trong chỉ đạo xây dựng NTM”. Từ điểm xuất phát thấp, bình quân đạt 5,38 tiêu chí NTM/xã; thu nhập bình quân đầu người 12,7 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo 16,9%.
Song với quyết tâm dựa vào nội lực là chính, huyện Cam Lộ đã chủ động, sáng tạo lựa chọn những giải pháp có trọng tâm, trọng điểm xây dựng NTM cho từng giai đoạn. Giai đoạn 2011 - 2015, tập trung chỉ đạo các lĩnh vực trọng điểm, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất, cơ sở thiết yếu sinh hoạt ở nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2020, ưu tiên tập trung tổ chức lại sản xuất theo hướng 5 tăng: Thâm canh cao để tăng năng suất; áp dụng quy trình sản xuất an toàn để tăng chất lượng; đẩy mạnh chế biến, sơ chế để tăng giá trị sản phẩm; xây dựng thương hiệu để tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Kết quả, qua gần 10 năm triển khai thực hiện, đến năm 2018 có 100% xã đạt chuẩn NTM; năm 2019, xã Cam Chính đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người ước đến cuối năm 2020 đạt 48- 50 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%, không có hộ nghèo thuộc diện chính sách, không có nhà tạm bợ. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ. 100% tuyến đường trục thôn, ngõ xóm, đường xã, liên xã, đường từ trung tâm xã đến huyện đã được cứng hóa, bê tông hóa, nhựa hóa; gần 90% đường trục chính ra đồng được cứng hóa.
Hệ thống thủy lợi nội đồng được đảm bảo tưới và tiêu nước chủ động cho 100% diện tích đất trồng lúa và 50% diện tích cây trồng cạn. 100% xã, thị trấn có hệ thống điện đạt chuẩn. 24/24 trường học đạt chuẩn quốc gia, là huyện duy nhất của tỉnh có 100% số trường học thuộc các cấp học đạt chuẩn quốc gia. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư nâng cấp, 100% thôn, bản, khu phố đều có tối thiểu 1 cụm loa FM hoạt động tốt, có hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ truy cập internet. 100% xã, thôn, bản có hội trường đa năng, hội trường thôn đạt chuẩn. Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư xây dựng mới Trung tâm văn hóa ngoài trời Bàu Ra, với quy mô 2,5 ha đảm bảo theo chuẩn quy định, phục vụ tốt các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT trên địa bàn. 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại Trung tâm y tế huyện được trang cấp đầy đủ, đạt các tiêu chuẩn quy định, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân.
|
Làng quê nông thôn mới Cam Lộ ngày càng xanh, sạch, đẹp. Ảnh: TH |
Cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, huyện Cam Lộ xác định phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung cốt lõi trong xây dựng NTM. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành 5 nghị quyết chuyên đề, UBND huyện xây dựng 6 đề án phát triển kinh tế nông nghiệp để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Đến nay, các sản phẩm chủ lực của huyện đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, gồm hơn 4.000 ha cao su ở vùng gò đồi, 422 ha hồ tiêu vùng đất đỏ ba dan, 700 ha lạc vùng bãi bồi ven sông Hiếu, 1.700 ha lúa vùng đồng bằng, trên 100 ha cây dược liệu, 17.000 ha rừng trồng tập trung...
Các vùng sản xuất chuyên canh tập trung đã được liên kết với các nhà máy chế biến tiêu thụ; hình thành các chuỗi giá trị sản xuất theo chương trình OCOP gắn với thương hiệu địa phương, được thị trường đón nhận với tín hiệu tốt và đạt nhiều giải thưởng danh giá về chất lượng như sản phẩm cao dược liệu, tinh dầu lạc, hồ tiêu, cao su mủ cốm. Hiệu quả kinh tế từ các vùng sản xuất tập trung cho giá trị cao hơn từ 40 - 50 triệu đồng/ha so với sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nâng giá trị sản phẩm bình quân 1 ha sản xuất nông, lâm nghiệp lên gần 70 triệu đồng, tăng trên 30 triệu đồng so với năm 2011. Hình thành vành đai trang trại, gia trại trên 500 ha, đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, ứng dụng quy trình chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh. Các làng nghề truyền thống đã phát huy hiệu quả hoạt động, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, huyện Cam Lộ đã tập trung quy hoạch và đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng 3 Cụm công nghiệp Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Tuyền, thực hiện nhiều giải pháp tích cực thu hút các nhà đầu tư; đã thu hút được 33 dự án đầu tư, trong đó có 20 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động địa phương với mức thu nhập 4 - 4,5 triệu đồng/tháng. Phát huy thế mạnh vị trí giao thông thuận lợi có Quốc lộ 1, Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh đi qua để phát triển thương mại - dịch vụ đa dạng với nhiều loại hình, ngành hàng kinh doanh khác nhau, góp phần lưu thông, tiêu thụ nông sản cho Nhân dân.
Xây dựng NTM đã góp phần đưa kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá, nâng cao giá trị gia tăng và từng bước thu hẹp khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Bên cạnh đó, để động viên, khích lệ phong trào xây dựng NTM, huyện ban hành các cơ chế, chính sách như: Tặng thưởng công trình phúc lợi 200 triệu đồng cho xã về đích NTM; 100 triệu đồng cho xã về đích xã NTM kiểu mẫu; 50 triệu đồng thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu mức 1; 70 triệu đồng thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu mức 2 và 100 triệu đồng thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Từ năm 2011 - 2019, huyện đã hỗ trợ trên 20 tỉ đồng cho các hộ nông dân chuyển đổi cây trồng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Các chủ trương, chính sách của huyện đã được Nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực thi đua thực hiện tốt phong trào xây dựng NTM tại các khu dân cư. Nhân dân đã đóng góp bằng công sức, tiền của với các việc làm cụ thể, thiết thực như: Hiến hơn 39 ha đất để mở rộng đường trục xã, trục thôn, đường ngõ xóm; hiến hơn 19.000 cây các loại và đóng góp 52.000 ngày công để chỉnh trang nông thôn, xây dựng NTM; di dời trên 3.000 ngôi mộ ra ngoài vùng đất sản xuất; xóa trên 500 nhà dột nát cho hộ nghèo trị giá 3 tỉ đồng. Tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM đạt hơn 3.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 40,3%; vốn tín dụng chiếm 22%; vốn doanh nghiệp chiếm 21,5%; vốn Nhân dân đóng góp chiếm 16,3%. Với những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Cam Lộ vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2019, là huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị về đích NTM.
Kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được, Đảng bộ, chính quyền huyện Cam Lộ xác định mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo là: Quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Cam Lộ trở thành huyện NTM theo hướng nâng cao, đưa trình độ phát triển kinh tế đạt mức khá của tỉnh, tốc độ tăng trưởng cao về công nghiệp, dịch vụ, nhiều sản phẩm nông sản chế biến có thương hiệu và có giá trị gia tăng cao, chất lượng cuộc sống người dân, cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện tốt. Đến năm 2035 xây dựng Cam Lộ trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo hướng đô thị, phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến, tạo nên những miền quê xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.