Quảng Trị, hoàn thành tổng kết xã điểm Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015
Thứ năm - 05/11/2015 02:36
Thực hiện kế hoạch 3648KH/UBND của UBND tỉnh ngày 21/9/2015 về việc tổng kết 5 năm Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh đã chỉ đạo mỗi huyện chọn 01- 02 xã để tổng kết điểm, đến nay tất cả các huyện trên địa bàn toàn tỉnh đã hoàn thành việc tổng kết điểm ở xã (xã A Ngo, Đakrông; xã Vĩnh Nam, Vĩnh Linh; xã Gio Sơn, Gio Linh; xã Triệu Thuận, Triệu Phong; xã Hải Thượng, Hải Lăng; xã Cam An, Cam Lộ; xã Tân Hợp, Hướng Hóa), riêng thị xã Quảng Trị chỉ có 01 xã thực hiện nông thôn mới (xã Hải Lệ) nên tổng kết ở cấp xã và thị xã.
Các địa phương đã tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015 gắn với tổng kết phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó để xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách và cách làm phù hợp, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra của chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Việc tổng kết điểm cấp xã làm cơ sở để các huyện tổ chức tổng kết cấp huyện, trong đó UBND tỉnh đã chọn 02 huyện Vĩnh Linh và Hướng Hóa tổng kết điểm cấp huyện, tổng kết cấp tỉnh dự kiến tỉnh tổng kết vào cuối tháng 11. Tại buổi tổng kết các xã cũng đã biểu dương, khen thưởng thưởng cho các cá nhân và tập thể đạt thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới của địa phương. Kết quả tổ chức hội nghị tổng kết của các địa phương có thể khẳng định rằng qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội, sự thay đổi về nhận thức của cán bộ, người dân về mục tiêu, ý nghĩa, cách làm trong xây dựng nông thôn mới, đến nay bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, đã huy động một cách mạnh mẽ về sức người, sức của, tạo sự đoàn kết trong chỉnh trang nông thôn, xây dựng nông thôn mới, kết quả rõ nhất đó là sự biến động tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từ chỗ chỉ đạt bình quân 3,6 tiêu chí/xã năm 2011 đến tháng 9 năm 2015 đạt 11,4 tiêu chí/xã. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 4 xã đạt 19 tiêu chí là Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim, Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh), Tân Hợp ( huyện Hướng Hóa), kế hoạch của UBND tỉnh đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có khoảng 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (khoảng 19 xã), hiện nay Văn phòng điều phối tỉnh đã tiếp nhận 03 xã nộp hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn (Triệu Thành, Hải Thượng, Tân Liên). Tỉnh Quảng Trị cũng đã đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 40 - 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Số lượng tiêu chí tăng thêm bình quân của mỗi xã là 1 - 2 tiêu chí/năm. Bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương cũng đã đánh giá quá trình xây dựng nông thôn mới còn gặp phải những khó khăn, tồn tại điền hình như: Một số địa phương, cơ sở chưa quyết liệt trong chỉ đạo; thiếu chủ động sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên nhất là trong bố trí nguồn lực cho chương trình. Xuất phát điểm của các xã thấp nhưng phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, đa dạng, một số chính sách mới được triển khai nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kết quả đạt được của Chương trình còn chưa đồng đều, vùng khó khăn mức độ đạt còn thấp. Một số cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm được ban hành, sửa đổi bổ sung cho phù hợp, nhất là cơ chế, chính sách huy động sự tham gia của doanh nghiệp, chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các địa phương có điểm xuất phát thấp và điều kiện kinh tế xã hội khó khăn (miền núi, bãi ngang). Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán; sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp, giá trị gia tăng chưa cao. Việc ứng dụng và triển khai công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế. Vì vậy, đời sống của bà con mặc dù được nâng lên nhưng vẫn còn khó khăn, đặc biệt là các địa phương miền núi, bãi ngang, ven biển. Nhu cầu đầu tư xây dựng nông thôn mới của các địa phương rất lớn trong khi nguồn ngân sách trực tiếp đầu tư cho Chương trình còn hạn chế. Nguồn huy động từ doanh nghiệp chưa nhiều, do có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Tác giả bài viết: Lê Thị Vân -Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị