Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, huyện Đakrông đã đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; tranh thủ các nguồn vốn của trung ương, tỉnh, huyện, huy động sức dân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, huyện Đakrông đã huy động trên 501,238 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó ngân sách Nhà nước chiếm 90,5% nhân dân đóng góp bằng tiền mặt, hiến đất, tài sản, ngày công chiếm 1,02%, còn lại là các nguồn vốn khác.
Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Thu nhập của người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân năm 2015 đạt 9 triệu đồng/người, tăng 5 triệu đông/ người so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 47,64% năm 2010 xuống còn 25,92% vào năm 2015. Chất lượng các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế từng bước được nâng cao. Tình hình an ninh, trật tự ở nông thôn được đảm bảo; chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở được nâng cao.
Hiện trạng nông thôn mới của các địa phương có sự thay đổi rõ nét, số tiêu chí đạt chuẩn ngày càng được tăng lên (bình quân đạt từ 1,2 tiêu chí/xã vào năm 2010 tăng lên đạt 6,6 tiêu chí/xã năm 2015); đã có 01 xã đạt 10 tiêu chí là xã Triệu Nguyên; số xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí 12 xã; không còn xã dưới 5 tiêu chí; số tiêu chí tăng bình quân 1 tiêu chí/xã/năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Đakrông còn gặp phải một số khó khăn và hạn chế như: Một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về chương trình. Ban chỉ đạo nông thôn mới cấp xã hoạt động chưa hiệu quả; các thành viên BCĐ cấp huyện trách nhiệm chưa cao, thiếu sâu sát địa bàn được phân công; Mô hình sản xuất quy mô còn nhỏ, hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa có giải pháp nhân rộng; tập quán canh tác củ vẫn chưa xóa bỏ, sản xuất hàng hóa chưa nhiều. Các hình thức kinh tế hợp tác trong nông thôn chưa phát huy hiệu quả; số lượng các tổ hợp tác ít. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước; nguồn huy động trong dân chưa nhiều, huy động từ doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.Môi trường nông thôn còn nhiều vấn đề bức xúc, ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường nông thôn chưa cao; nhiều tập quán, hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại.Số lượng tiêu chí đạt chuẩn còn thấp, có 9 tiêu chí chưa có xã nào đạt như: Trường học, Cơ sở vật chất văn hóa, chợ, nhà ở, thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, môi trường, giáo dục và hệ thống chính trị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới và đưa ra các giải pháp, kế hoạch khắc phục khó khăn trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Hồ Văn Dừng, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy đã biểu dương những kết quả mà BCĐ nông thôn mới huyện đã đạt được trong 5 năm qua, đồng thời đồng chí cũng chỉ ra những khó khăn tồn tại trong xây dựng nông thôn mới và yêu cầu BCĐ nông thôn mới huyện cần tập trung một số nhiệm vụ trong thời gian tới như: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, tạo phong trào xây dựng nông thôn mới mạnh mẽ, rộng khắp, có tính đột phá bền vững, xác định đây là chiến lược lâu dài là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên liên tục của các cấp ủy Đảng chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách quyết liệt, thường xuyên sâu sát trong xây dựng nông thôn mới, trước mắt chỉ đạo quyết liệt để đạt mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2016-2020
Đồng chí Hồ Văn Dừng - Phó Bí thư Huyện ủy- phát biểu chỉ đạo Hội nghị Nhân dịp này, huyện Đakrông đã vinh danh các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015.
Đồng chí Lê Đắc Quỳ- Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCĐ nông thôn mới huyện
tặng bằng khen cho các tập thể xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới
giai đoạn 2011-2015