Tái cơ cấu nông nghiệp cần có quyết tâm cao

Thứ năm - 29/06/2017 20:45
Tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ 9 (khóa XVI) diễn ra vào ngày 19/4/2017, một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu tập trung bàn thảo, đóng góp nhiều ý kiến đó là Dự thảo Nghị quyết về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.
Những cánh đồng lúa năng suất cao
Những cánh đồng lúa năng suất cao

Tái cơ cấu nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, nhằm làm chuyển biến nền nông nghiệp của tỉnh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mang lại những đổi thay tích cực trong cuộc sống của người nông dân. Trong những năm qua thực hiện chính sách đổi mới, nền kinh tế nước ta có chuyển biến tích cực, song vẫn là một nước nông nghiệp. Năng suất lao động nông thôn vẫn còn quá thấp, cơ sở hạ tầng hạn chế, năng lực khoa học công nghệ còn yếu, khả năng gắn kết thị trường chưa mạnh mẽ. Đáng lo hơn khi gần đây tăng trưởng của nông nghiệp đã chậm lại, nhiều địa phương năng suất, sản lượng lương thực cũng đã đạt ngưỡng. Giá trị hạt lúa cũng giảm, năng suất không tăng thêm nhiều. Do đó, thay vì chạy theo sản lượng, chúng ta cần tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị nông sản. Đây là quyết sách mạnh mẽ, phù hợp với bối cảnh mới, đặc biệt là xu thế hội nhập quốc tế.

 

Ở Quảng Trị, sau 9 năm thực hiện Nghị quyết 26/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, khóa X và Chương trình hành động 72/2008 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay tình hình sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nhiều chuyển biến. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ổn định và khá toàn diện. Sản lượng lương thực hàng năm đạt khoảng 24-25 vạn tấn, đã hình thành một số vùng chuyên canh cây công nghiệp, mang lại giá trị cao; một số sản phẩm nông sản đã xuất khẩu sang một số nước như tiêu, cà phê, cao su, tinh bột sắn…

 

Ngành chăn nuôi cũng có bước thay đổi, bên cạnh chăn nuôi gia đình, một số hộ đã đầu tư chăn nuôi quy mô lớn hơn với các trang trại, gia trại. Trồng rừng, nuôi trồng thủy sản phát triển cả về số lượng và chất lượng. Một số địa phương đã thay đổi cơ cấu mô hình sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường như các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch ở huyện Triệu Phong, Hải Lăng…

 

Riêng huyện Hải Lăng đã cho thành lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nguyên Khang - Hải Lăng Garden, đây là HTX nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của tỉnh; ngoài ra huyện Hải Lăng cũng quy hoạch thêm 10 ha đất ở xã Hải Trường để phát triển vườn rau công nghệ cao. Huyện Cam Lộ tập trung khai thác thế mạnh trồng và chế biến các loại cây dược liệu...

 

Đó là những chuyển biến, tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hạn chế, thiếu sự liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn còn một số mặt hạn chế; chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn còn chậm. Việc xây dựng nông thôn mới với nhiều nỗ lực cũng đã đạt kết quả bước đầu quan trọng, đến nay đã có 31 xã đạt chuẩn NTM.

 

Xuất phát từ những yêu cầu, lý do trên mà Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.

 

Đây cũng là bước đi cần thiết nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Chỉ thị số 26, ngày 6/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nghị quyết của Tỉnh ủy xác định: Cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là chuyển từ nông nghiệp lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng. Chuyển từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung gắn với chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

 

Thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, phát huy, khơi dậy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, sáng tạo của nông dân và sự vào cuộc đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Mục tiêu đặt ra là tạo được tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2017-2020 đạt 3,5-4%. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; giảm dần tỉ trọng giá trị sản phẩm ngành trồng trọt. Sản lượng lương thực ổn định trên 25 vạn tấn, sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 đạt 38.000 tấn.

 

Đến năm 2020 có 50 HTX kiểu mới; 70% tổng số tổ hợp tác nông nghiệp được đăng ký chứng thực với chính quyền; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có ít nhất một huyện đạt chuẩn NTM, không có xã đồng bằng nào đạt dưới 10 tiêu chí, không có xã miền núi nào đạt dưới 5 tiêu chí. Mục tiêu cao nhất của tái cơ cấu nông nghiệp là nâng cao đời sống cho người nông dân. Đây là động lực quan trọng để phát huy toàn bộ tinh thần sáng tạo, năng lực, trí tuệ của nông dân. Để thực hiện tái cơ cấu phải có bước đi, cách làm phù hợp, tùy theo điều kiện, đặc điểm của từng vùng, từng địa phương.

 

Tái cơ cấu nông nghiệp cần có quyết tâm cao; khắc phục tư duy sản xuất, chăn nuôi theo lối truyền thống. Không nhất thiết phải làm lúa với diện tích lớn mà tùy từng nơi có lợi thế có thể sản xuất, nuôi trồng thủy sản, cây công nghiệp, cây dược liệu... Kiên quyết không chạy theo phong trào mà phải thực chất, tìm hướng phù hợp để thực hiện thắng lợi tái cơ cấu.

 

Tập trung vào duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn và phát triển bền vững. Khắc phục tình trạng trì trệ ở một số địa phương trong việc chậm triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nhận thức chưa thay đổi, vẫn mải mê đi theo sản xuất cây lúa, rau màu hoặc chăn nuôi truyền thống.

 

Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, sản xuất hàng hóa, xây dựng cánh đồng lớn nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Mở rộng chăn nuôi theo hình thức tự nhiên, không sử dụng thức ăn tăng trọng, sản xuất sản phẩm sạch.

 

Bên cạnh đó tăng cường tuyên truyền, tạo chuyển biến trong nhận thức về tái cơ cấu, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động trẻ, tăng cường trí thức trẻ cho HTX nông nghiệp, tạo thuận lợi cho việc thực hiện tái cơ cấu. Cần thấy rằng tái cơ cấu là vấn đề khó vì thế phải đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức để có cách làm phù hợp. Cần thực hiện các biện pháp quyết liệt và tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia liên kết theo chuỗi. Đưa nông nghiệp lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao…

 

 

Tác giả bài viết: Quỳnh Anh

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập410
  • Hôm nay1,345
  • Tháng hiện tại31,894
  • Tổng lượt truy cập9,581,479
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây