Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế tập thể ở Đakrông

Thứ ba - 26/10/2021 03:27
Thời gian qua, Đảng bộ huyện Đakrông đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn. Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển KT - XH của địa phương.
Đóng gói sản phẩm trà thảo dược túi lọc tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh - Ảnh: K.S
Đóng gói sản phẩm trà thảo dược túi lọc tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh - Ảnh: K.S
Thực hiện Nghị quyết 13/NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), Ban Thường vụ Huyện ủy Đakrông đã giao nhiệm vụ cho UBND huyện giao cụ thể hóa, tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; thường xuyên theo dõi, đánh giá việc thực hiện, định kỳ cuối năm báo cáo kết quả về Ban Thường vụ Huyện ủy để theo dõi, chỉ đạo. Trên cơ sở đó, UBND huyện tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến những quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ về phát triển KTTT mà nghị quyết đề ra cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện, lãnh đạo UBND, công chức địa chính - nông nghiệp các xã, thị trấn. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp với các địa phương tổ chức biên soạn tài liệu về KTTT, tăng cường công tác tuyên truyền bằng những hình thức phong phú và đa dạng như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, lồng ghép vào các buổi họp thôn, sinh hoạt chi bộ… Lồng ghép, huy động các nguồn vốn từ các chương trình dự án, các tổ chức và người dân để hỗ trợ phát triển KTTT. UBND các xã, thị trấn chủ động triển khai các buổi tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn, giới thiệu mô hình hợp tác xã (HTX) hiệu quả, những cách làm hay, gương sáng trong phát triển HTX… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, đảng viên, cán bộ, công chức và Nhân dân về vai trò, vị trí của KTTT trong nền kinh tế thị trường, tạo tiền đề quan trọng cho việc thành lập các HTX, tổ hợp tác (THT) trên địa bàn huyện. Hằng năm, UBND huyện tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá hoạt động của các HTX, THT, các mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện; tổng hợp, báo cáo thực trạng tình hình phát triển kinh tế HTX, tham mưu, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển HTX theo quy định.
 
Năm 2012, từ xuất phát “trắng” HTX hoạt động, với sự vào cuộc của các cấp, ngành và địa phương nên trên địa bàn huyện đã thành lập được các HTX. Đồng thời, định hướng xây dựng, hỗ trợ phát triển các mô hình theo hướng thành lập các THT liên kết sản xuất, tạo tiền đề, cơ sở hình thành các HTX trong tương lai. Đến nay, trên địa bàn huyện có 4 HTX với 35 thành viên và 11 THT với 89 thành viên. Trong đó, có 3 HTX sản xuất nông nghiệp và 1 HTX khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng. Nhìn chung, các HTX thành lập mới đã tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Luật Hợp tác xã; vốn, quỹ của từng HTX từng bước tăng lên, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thành viên. Bộ máy quản lý từng bước được tinh gọn, công tác quản lý, điều hành HTX được đổi mới; hoạt động liên kết giữa các HTX, THT với các tổ chức, doanh nghiệp được mở rộng. Hoạt động của các HTX bước đầu giải quyết đầu ra nông sản cho nông dân, phát huy được tiềm năng, lợi thế của các địa phương, tạo hướng đi mới cho phát triển kinh tế của huyện.
 
Điển hình như HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh ở Khóm 2, thị trấn Krông Klang có 7 thành viên, dù mới đi vào hoạt động hơn 1 năm nhưng được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, địa phương nên HTX có nhiều tín hiệu khả quan trong sản xuất và kinh doanh. Nhận thấy ở địa phương có điều kiện về khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để trồng cây dược liệu, chế biến trà thảo dược, trên diện tích 10 ha của các thành viên tại xã Mò Ó, Ba Lòng và thị trấn Krông Klang, HTX đầu tư 1 tỉ đồng trồng các loại cây thảo dược như: Đinh lăng, thổ phục linh, sa nhân, hoàng kỳ, hồ điệp…, dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ thu hoạch khoảng 2 ha. Tại xưởng ươm giống cây dược liệu của HTX có 10 lao động làm việc thường xuyên. Bên cạnh đó, HTX thu mua thêm một số loại cây dược liệu trên địa bàn huyện để sản xuất trà thảo dược. Hiện nay, đơn vị đã sản xuất thành 2 loại trà thảo dược túi lọc gồm trà thất tiên thảo và trà trinh nữ được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018. Đã có trên 1.000 hộp trà thảo dược túi lọc của HTX được giới thiệu, bán tại sàn thương mại điện tử lớn trong cả nước như Lazada, Co.opmart, Vinmart, Vỏ Sò (voso.vn), Viettelpost… Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Mặc dù mới xuất bán ra thị trường trong tháng 9/2021 nhưng qua theo dõi, chúng tôi nhận được phản hồi tốt của khách hàng về chất lượng các loại trà thảo dược, tạo động lực để đơn vị tiếp tục sản xuất, chế biến.
 
Nhận thấy một số xã trên địa bàn huyện có khá nhiều diện tích trồng chuối mật mốc nhưng đầu ra sản phẩm khó khăn nên HTX có ý tưởng thu mua chuối quả để sấy dẻo, giúp bà con có thu nhập tốt hơn. Vừa qua, đơn vị thử nghiệm một số mẻ chuối sấy dẻo đầu tiên và khá thành công. Dự kiến, khi HTX đi vào hoạt động ổn định sẽ mở rộng sản xuất thêm sản phẩm này. Hiện nay, HTX đang đề nghị Sở Công thương hướng dẫn thủ tục để đưa các sản phẩm trà thảo dược vào bày bán tại các chuỗi siêu thị lớn trong cả nước. Do mới đi vào hoạt động nên còn khó khăn trong tiếp cận với khoa học công nghệ, HTX rất mong các cấp, các ngành và địa phương quan tâm hỗ trợ trang thiết bị hiện đại để HTX có điều kiện nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm cũng như tạo ra mẫu mã bao bì, nhãn mác sản phẩm ngày càng đa dạng, thẩm mỹ hơn”.
 
Mặc dù là một huyện khó khăn nhưng Đakrông đã có nhiều nỗ lực trong đẩy mạnh phát triển KTTT, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Đại Lợi cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW trên địa bàn huyện vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Vì vậy, thời gian tới huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền vai trò, vị trí của KTTT, các điển hình đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Hoạt động của HTX phải gắn với chủ trương, nghị quyết của các cấp ủy đảng, chính quyền ở từng địa phương và phục vụ cho nhiệm vụ phát triển KT - XH trong từng thời kỳ. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng lao động cho cán bộ quản lý và thành viên HTX. Có chính sách khuyến khích cán bộ trẻ có trình độ, năng lực tham gia vào các chức danh quản lý, điều hành HTX. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất theo hướng tiết kiệm và sử dụng nguồn lực đầu vào hợp lý, hiệu quả nhằm giảm chi phí, tăng năng suất. Định hướng phát triển HTX gắn với xây dựng sản phẩm OCOP”.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay2,014
  • Tháng hiện tại41,348
  • Tổng lượt truy cập9,590,933
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây