Tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp

Thứ tư - 03/11/2021 21:04
Thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế là một mục tiêu quan trọng được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Để cụ thể hóa mục tiêu này, trong giai đoạn 2016- 2020, ngành nông nghiệp và PTNT đã tích cực tham mưu thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp thông qua việc đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Với những quyết sách đúng đắn, kịp thời, gắn liền với thực tiễn đã tạo động lực thúc đẩy có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng năng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế nội bộ ngành nông nghiệp, tạo vị trí vững chắc là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế tỉnh nhà.
Mô hình nuôi lợn an toàn sinh học tại xã Triệu Trạch
Mô hình nuôi lợn an toàn sinh học tại xã Triệu Trạch
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, nhưng sản xuất nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực theo hướng thâm canh cao để tăng năng suất; áp dụng quy trình sản xuất an toàn để tăng chất lượng; đẩy mạnh chế biến, sơ chế để tăng giá trị sản phẩm; xây dựng thương hiệu để tăng tính cạnh tranh trên thị trường; liên kết tiêu thụ để tăng doanh số hàng hóa bán ra…góp phần duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 3,49%.

Các lĩnh vực của ngành đều được cơ cấu lại, đạt được những kết quả tích cực.Tổ chức lại trồng trọt theo hướng chuyên canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng chất lượng cao, tập trung ruộng đất, sản xuất cánh đồng mẫu lớn, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, canh tác tự nhiên gắn với liên doanh liên kết. Chăn nuôi chuyển dần từ quy mô hộ gia đình sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, đảm bảo môi trường và an toàn dịch bệnh; tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi ngày càng tăng. Nuôi trồng thủy hải sản phát triển theo hướng thâm canh, đa dạng đối tượng và phương thức nuôi, áp dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh khai thác xa bờ, tăng năng lực bảo quản, chế biến; đồng thời tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá và chú trọng phát triển mô hình liên kết giữa khai thác, dịch vụ hậu cần và tiêu thụ sản phẩm.Công tác quản lý bảo vệ rừng được quan tâm đầu tư, phát triển; Rừng tự nhiên được quản lý bảo vệ tốt. Năng suất, chất lượng giá trị gỗ rừng trồng được nâng cao; quản lý rừng bền vững theo chứng chỉ FSC được nhân rộng; đẩy mạnh chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ phát triển của công nghiệp chế biến gỗ.

Bên cạnh những thành tựu nêu trên,quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp vẫn còn những "nút thắt" cần tập trung tháo gỡ. Quy hoạch vùng sản xuất tập trung chưa được thực hiện ở các địa phương; doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn còn hạn chế, thiếu doanh nghiệp đàu tầu, quy mô lớn, đầu tư vào chế biến sâu; Sản xuất chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, nhỏ lẻ; Quan hệ sản xuất chậm được đổi mới; hoạt động của HTX hiệu quả chưa cao; Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn thiếu bền vững; Chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng CN lần thứ 4 đang làm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế - xã hội; Việc huy động, lồng ghép các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế.

Bước vào giai đoạn 2021-2025, chủ trương “đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế” tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn xác định định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; chuyển từ nền nông nghiệp sản xuất theo sản lượng sang nông nghiệp hiệu quả, tăng giá trị, trách nhiệm, bền vững, chuyển đổi số, kinh tế số; chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành; từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị, từ hỗ trợ đầu vào sang hỗ trợ, kết nối liên kết chế biến, tiêu thụ đầu ra; quan tâm phát triển thị trường xuất khẩu đi đôi với chú trọng phát triển thị trường nội địa nhằm không ngừng gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp, phấn đấu mục tiêu tăng trưởng của ngành đạt 3-3,5%.

Để thực hiện thành công "chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trong ngành nông nghiệp của tỉnh" cần có những giải pháp, cách làm mới mang tính đột phá cao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Trước hết, cần quy hoạch, rà soát, định hướng để hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung, có quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, tích hợp vào quy hoạch vùng huyện, quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành, quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến các giải pháp để triển khai có hiệu quả các quy hoạch tổng thể, chi tiết được duyệt, nhất là các giải pháp về cơ chế chính sách, huy động nguồn lực, nhất là kinh tế tư nhân vào đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hình thành các vùng sản xuất kinh tế tuần hoàn.

Triển khai nhanh và có hiệu quả, chất lượng các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ, Bộ ngành TW trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, rà soát hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách mới, mang tính đột phá cao, có giải pháp cụ thể tháo gỡ những nút thắt về chính sách tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, trong đó tập trung vào những chính sách cơ bản: Khuyến khích tập trung ruộng đất gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa và công nghiệp chế biến sâu; Thu hút, đãi ngộ các doanh nghiệp có tiềm lực, đầu ngành hợp tác đầu tư liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là liên kết chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm; Thí điểm thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp đối với một số đối tượng có rủi ro cao như nuôi tôm, rừng trồng; Thúc đẩy tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi cho các hợp tác xã/Tổ hợp tác; Tập trung ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhất là đào tạo kỹ năng số cho người dân và HTX; Chính sách về đổi mới nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã phát huy tốt vai trò là thành phần kinh tế chủ lực, quan trọng trong kinh tế nông thôn.

Huy động có hiệu quả mọi nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng NTM, nhất là nguồn lực từ người dân và Doanh nghiệp. Ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ cở hạ tầng vùng sản xuất gắn với công nghiệp chế biến sâu; Tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: dược liệu, lúa hữu cơ, gỗ rừng trồng, con tôm, con bò…; Phát triển các làng nghề nông thôn, gắn khai thác các giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử với phát triển nông nghiệp sinh thái, du lịch cộng đồng.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực gồm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm đặc sản của địa phương; cơ cấu, tổ chức lại sản xuất trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương; tập trung thúc đẩy những cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có giá trị tăng cao; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số.

Đổi mới tư duy sản xuất cho người nông dân thông qua công tác đào tạo nghề nông nghiệp, khuyến nông cho nông dân, kỹ năng quản trị cho đội ngũ cán bộ HTX để bắt kịp và đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, tiếp cận và ứng dụng công nghệ số, tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

 

Nguồn tin: Lê Oanh, Sở Nông nghiệp và PTNT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay6,509
  • Tháng hiện tại130,200
  • Tổng lượt truy cập8,539,842
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây