Nâng cao chất lượng hợp tác xã gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu - 29/10/2021 03:37
Tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới là một trong những tiêu chí quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Để triển khai thực hiện tiêu chí này, trong những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ để phát triển các hợp tác xã, tạo các mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Hợp tác xã đảm nhận thực hiện kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng. Ảnh: T.L
Hợp tác xã đảm nhận thực hiện kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng. Ảnh: T.L
Thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các hợp tác xã (HTX), từ năm 2013-2021, tỉnh đã tổ chức trên 300 lớp đào tạo, tập huấn với sự tham gia của 11.480 lượt cán bộ quản lý HTX, tổ hợp tác. Đồng thời, tỉnh đã vận động các chương trình, dự án hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ tổ chức 89 lớp tập huấn kỹ thuật và kỹ năng sinh hoạt nhóm nông dân cho 45 HTX nông nghiệp với trên 6.800 lượt người tham gia…Chính sách đào tạo nghề được chú trọng, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức dạy nghề bằng hình thức lưu động cho các thành viên và người lao động trong khu vực kinh tế tập thể, với 31 lớp đào tạo nghề ngắn hạn, thu hút 1.010 lượt người tham gia.
 
Ngoài những lớp nghề kỹ thuật nông nghiệp, tỉnh cũng liên kết với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức các lớp học nghề cơ khí lưu động, qua đó chuyển giao kỹ thuật sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp cho người lao động ở tổ hợp tác trong HTX nông nghiệp, giúp các thành viên tham gia sử dụng và vận hành có hiệu quả trong quá trình sản xuất tại địa phương. Hầu hết các lớp dạy nghề đều xuất phát từ nhu cầu của học viên nên mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động trong khu vực HTX, được cán bộ, thành viên HTX đồng tình ủng hộ.
 
Bên cạnh đó, chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các HTX cũng được tỉnh quan tâm thực hiện trong thời gian qua. Hằng năm, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức hàng chục lớp tập huấn đưa tiến bộ khoa học ứng dụng vào sản xuất cho các hộ nông dân và hướng dẫn xây dựng thương hiệu một số sản phẩm đặc trưng, liên kết thị trường tiêu thụ. Đã hỗ trợ 30 sản phẩm, đặc sản truyền thống của địa phương để xác lập nhãn hiệu, chứng nhận, trong đó có 21 sản phẩm của các HTX trên địa bàn tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.
 
Đó là những HTX như HTX kinh doanh dịch vụ Triệu Vân với nhãn hiệu tập thể “Đậu đen xanh lòng Triệu Vân”; HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Hiền với nhãn hiệu tập thể “Khoai môn Vĩnh Linh”; HTX sản xuất dịch vụ kinh doanh cao dược liệu làng Định Sơn với nhãn hiệu tập thể “Cao dược liệu Định Sơn”. Tỉnh cũng đã hỗ trợ kết nối, tư vấn, giới thiệu HTX tham gia các hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh với các nhóm sản phẩm như hồ tiêu Cùa, cà phê Khe Sanh, ném Vĩnh Linh…Thông qua đó, các sản phẩm đặc sản của các HTX đã được giới thiệu và quảng bá trong cả nước, đồng thời thúc đẩy liên kết, mở rộng thị trường cho các sản phẩm. Chính sách hỗ trợ, liên kết và tiêu thụ sản phẩm của HTX đối với doanh nghiệp cũng được tỉnh đẩy mạnh thực hiện.
 
Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.200 ha lúa; 1.000 ha cà phê, hơn 120 ha dược liệu, hơn 80 ha chanh leo, 60 trang trại chăn nuôi gia công có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX, tổ hợp tác và người sản xuất trên địa bàn. Các mô hình, dự án liên kết đã tạo ra phong trào sản xuất hàng hóa sâu rộng trong cộng đồng, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất cho đội ngũ ban quản lý HTX, tổ hợp tác, làm nền tảng đổi mới phương thức tổ chức sản xuất trong giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.
 
Được thành lập từ năm 2009, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh chủ yếu tập trung hỗ trợ mua sắm trang thiết bị và đổi mới công nghệ nhằm hỗ trợ cho các HTX tăng cường khâu sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho các thành viên HTX. Các dự án cho vay được thực hiện chủ yếu là mua máy gặt đập liên hợp, máy cày làm đất, phát triển chăn nuôi mô hình trên cát, dịch vụ chế biến hải sản, dịch vụ môi trường…
 
Tính đến ngày 30/6/2021, quỹ đã giải ngân được 184 dự án với tổng số tiền 53,8 tỉ đồng. Nhiều chính sách khác như thành lập mới HTX, liên hiệp HTX; chính sách giao đất, cho thuê đất; chính sách hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ HTX; chính sách ưu đãi về thuế, phí và lệ phí…cũng được tỉnh chú trọng thực hiện trong thời gian qua.
 
Theo thống kê của tỉnh, ước tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn có 300 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012, trong đó HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp chiếm 77%. Với nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh, các HTX nông nghiệp đã triển khai thực hiện tốt các khâu dịch vụ, nhiều HTX đã mở thêm các loại hình dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao, có mô hình liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên. Đa phần các HTX thực hiện tốt việc quy hoạch đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, đầu tư mua sắm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thực hiện những chương trình, dự án của nhà nước để hỗ trợ nông dân. Tích cực thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa chuyên sâu, bền vững, nâng cao giá trị thu nhập.
 
Trên địa bàn tỉnh hiện có 17 HTX đang thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nhiều sản phẩm đã có mặt trên hệ thống chuỗi siêu thị để tiêu thụ. Bước đầu đã hình thành một số HTX kiểu mới theo hướng liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa cho các thành viên. Điển hình như HTX Thống Nhất đã liên kết với Công ty thức ăn chăn nuôi CP trong việc cung ứng các dịch vụ đầu vào và tiêu thụ lợn cho thành viên; HTX Công Bằng- Sa Mù sản xuất và tiêu thụ cà phê sạch; HTX Phú Hưng với sản phẩm gỗ rừng FSC; HTX hồ tiêu Cùa với sản phẩm hồ tiêu; HTX Đông Thanh với sản phẩm rau an toàn…
 
Các HTX còn là lực lượng nòng cốt tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn như huy động sự đóng góp của thành viên về tiền và ngày công đảm nhận kiên cố hóa hệ thống kênh mương, bê tông hóa các trục đường giao thông nông thôn, lắp đặt đèn đường làm thay đổi diện mạo các vùng quê, góp phần quan trọng thực hiện tiêu chí 13 trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Các HTX phát triển vững mạnh sẽ trở thành động lực quan trọng giúp các địa phương hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cũng như xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay2,015
  • Tháng hiện tại41,349
  • Tổng lượt truy cập9,590,934
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây