Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Hải Lăng là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện Nghị quyết 04, bước đầu tạo sự chuyển động tích cực đối với lĩnh vực tam nông, làm thay đổi diện mạo của huyện cũng như đóng góp cho sự phát triển của tỉnh trên lĩnh vực này. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những mặt hạn chế như: Mặc dù huyện đã triển khai xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp nhưng thiếu tính bền vững. Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô, ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm sạch, an toàn chưa rõ nét; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, tạo dựng thương hiệu nông sản của địa phương còn hạn chế. Hợp tác xã (HTX) chưa hoàn thành vai trò “bà đỡ” của khu vực tam nông …
Trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị huyện Hải Lăng phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư chú trọng xây dựng quy hoạch vùng của địa phương để xây dựng NTM, gắn quy hoạch vùng với quy hoạch đất đai đảm bảo phát triển bền vững. Trong xây dựng NTM, huyện cần tập trung thực hiện tốt tiêu chí môi trường, đưa tiêu chí này vào quy hoạch vùng của địa phương bởi đây chính là tiêu chí khó, có ý nghĩa quan trọng quyết định huyện đạt chuẩn huyện NTM như lộ trình đã đề ra. Đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp thông qua HTX và nhóm hộ. Tổ chức các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản để thay thế cho mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp. Phát huy tốt vai trò HTX, tổ hợp tác là đầu mối đại diện của nông dân tham gia các liên kết với doanh nghiệp.
Theo báo cáo của huyện Hải Lăng, qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 04, tình hình cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế chuyển dịch theo hướng mở rộng quy mô, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước chuyển đổi phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 đạt 11%, trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản đạt 4,8%, tăng 1,5%. Một số điểm nhấn trên lĩnh vực nông nghiệp là huyện đã tập trung chỉ đạo việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, thành lập tổ hợp tác, nhóm hộ thuê đất để xây dựng cánh đồng lớn và liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, lúa hữu cơ. Kết quả năng suất lúa bình quân giai đoạn 2017-2020 đạt trên 60 tạ/ha.
Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 8,32 vạn tấn/năm. Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng, kinh tế vùng gò đồi, vùng cát được quan tâm đầu tư và phát triển mạnh. Một số mô hình sản xuất tập trung đem lại hiệu quả kinh tế khá cao như cây cam vùng gò đồi, cây ném, cây mướp đắng vùng cát. Huyện cũng đã tập trung cơ cấu lại ngành chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, tổ chức thị trường, kêu gọi và đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, Hải Lăng có 11/15 xã đạt chuẩn NTM, bình quân toàn huyện đạt 18,27 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 16 tiêu chí NTM.
Tại buổi làm việc, Thường trực Huyện ủy Hải Lăng kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống đê bao phục vụ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đề án tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn và mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao. Đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông, điện, nước vùng đồi để đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi như trồng cam, các dự án trồng rừng gỗ lớn. Quan tâm bố trí nguồn lực để hỗ trợ các xã còn lại của huyện đạt chuẩn NTM, đảm bảo mục tiêu của huyện là phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM vào cuối năm 2023.