Tinh thần vượt khó
Quảng Trị là tỉnh có xuất phát điểm thấp (năm 2011 đa số các xã đều đạt dưới 5 tiêu chí), gặp nhiều khó khăn, thách thức khi bắt đầu
chương trình xây dựng NTM. Vậy nhưng, Đảng bộ, chính quyền các cấp và người dân trong tỉnh đã quyết tâm, nỗ lực để xây dựng NTM và đạt được những kết quả tích cực.
Đến nay, toàn tỉnh có 57/101 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 56,4%), tiêu chí bình quân là 16,01 tiêu chí/xã; có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 1 huyện đạt chuẩn NTM.
Đạt được kết quả đáng khích lệ đó một phần nhờ các huyện, thị xã và các xã đã phát động thi đua bằng nhiều phong trào, mô hình sáng tạo, đa dạng và hiệu quả đến tận cơ sở.
Đến nay, toàn tỉnh đã vận động nhân dân hiến 1.032.430m2 đất, hàng chục nghìn các loại cây cối, hoa màu, trên 256.460 ngày công lao động để làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi, chỉnh trang nông thôn.
Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp tích cực cho NTM.
Từ phong trào thi đua sản xuất giỏi do Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị phát động, đã có hàng ngàn hộ dân có mô hình hay, sản xuất giỏi, thu nhập cao. Ông Vũ Thắng (SN 1961, thôn Rào Trường, xã Vĩnh Hà) thả nuôi từ 30.000-45.000 con gà giống ri lai ¾. Sau khi trừ chi phí, ông Thắng có thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm. Ảnh: Bảo Ngọc
Xây dựng NTM đã trở thành khát vọng của người dân nông thôn, một phần tất yếu để phát triển kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng lên đáng kể, năm 2020 thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng gấp 3 lần so với năm 2010, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2016.
Nhìn rõ hạn chế, thách thức
Tuy vậy, xây dựng NTM của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, nhất là sự chênh lệch giữa các vùng miền; nhiều xã mới đạt chuẩn tiêu chí ở mức tối thiểu, công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn chưa cao; phong trào xây dựng NTM ở một số địa phương có phần chững lại.
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn tại một số địa phương chưa bền vững, chưa tương xứng với với tiềm năng, lợi thế, quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, giá trị gia tăng chưa cao, thiếu liên kết; du lịch, dịch vụ chưa khai thác tối đa các giá trị văn hóa có tiềm năng lớn của địa phương.
Môi trường nông thôn chưa thực sự chuyển biến rõ nét, vẫn còn là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương; thu nhập của người dân nông thôn còn thấp so với mặt bằng chung.
Thiên tai, dịch bệnh đã làm hư hại cơ sở vật chất, khiến nhiều địa phương bị sụt giảm tiêu chí NTM, đó là thách thức lớn đối với tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Bảo Ngọc.
Trong bối cảnh tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, đặt ra yêu cầu xây dựng NTM phải gắn kết nối nông thôn với đô thị; bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa nông thôn; nếu không thực hiện có hiệu quả các giải pháp đồng bộ, căn cơ và đột phá thì nhiệm vụ thu hẹp khoảng cách về đời sống và thu nhập giữa các vùng miền, đặc biệt là vùng đồng bằng với các xã khó khăn, biên giới, bãi ngang của tỉnh sẽ còn rất khó khăn.
Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực, kéo dài, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị và tổ chức hoạt động kinh tế, đời sống xã hội, buộc phải thay đổi định hướng, chiến lược phát triển kinh tế theo hướng nâng cao nội lực, phát triển kinh tế số, xã hội số, hướng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Kết quả xây dựng NTM của tỉnh còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Nguyên nhân là còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm xây dựng NTM thấp; nội lực còn yếu; đại dịch Covid-19, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Đặt mục tiêu cao để phấn đấu
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Quảng Trị vẫn đặt mục tiêu phấn đấu đến 2025 có thêm 3 huyện đạt chuẩn NTM, 1 huyện NTM kiểu mẫu, 75% số xã đạt chuẩn NTM, 25% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Mục tiêu đặc biệt khó là ít nhất 40% số thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, bãi ngang ven biển đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Quảng Trị định hướng xây dựng NTM gắn nông thôn với thành thị nhưng vẫn phải giữ được nét đẹp truyền thống, đặc trưng. Ảnh Bảo Ngọc chụp tại một gian hàng bán trang phục người đồng bào Vân Kiều - Pa Kô ở xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị vào năm 2019.
Để làm được điều đó, tỉnh Quảng Trị đã lên kế hoạch tuyên truyền, huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; đào tạo và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động…
Quan điểm xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo, thực hiện "Nông thôn mới là nền tảng, tái cơ cấu nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể"; xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả, không chạy theo phong trào, thành tích…
Chú trọng chuyển đổi từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp" trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; vừa xây dựng NTM, vừa chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Và trên tất cả là sự đoàn kết một lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, chung tay xây dựng NTM.