Tham gia Hội thảo có đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, Lãnh đạo các bộ: Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tư Pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc cùng với điểm cầu của 52 tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số.
Hội thảo đã tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Dự án 1, Dự án 2, Dự án 4, Dự án 9, Tiểu dự án 4 của Dự án 5 và Tiểu dự án 1, Tiểu dự án 2 của Dự án 10 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và dự thảo Thông tư hướng dẫn quy trình đánh giá, giám sát thực hiện chương trình. Qua đó, đại biểu các tỉnh như Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lào Cai, Quảng Nam, Nghệ An…đã tham gia góp ý tại Hội thảo. Bên cạnh sự thống cao của các địa phương đối với các dự thảo thì vẫn có nhiều ý kiến góp ý sát với thực tế tại địa phương như: không nên quy định cứng các định mức hỗ trợ mà tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng địa phương vùng miền để có cơ chế hỗ trợ phù hợp; việc thực hiện phân cấp cho cấp xã làm chủ đầu tư đối với các dự án, tiểu dự án sẽ gặp khó khăn còn sự hạn chế về chuyên môn, trình độ năng lực của cấp xã đồng thời nên xây dựng các phần mềm báo cáo để tiện theo dõi, báo cáo chung; bổ sung đối tượng áp dụng bao gồm cả thị trấn vì một số thị trấn vẫn còn các thôn đặc biệt khó khăn; một số dự án như nâng cấp trạm y tế xã không có trong quyết định phê duyệt Chương trình theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ do đó cần có sự thống nhất; một số nội dung hỗ trợ về nước sinh hoạt phân tán và tập trung chưa được cụ thể, rõ ràng đồng thời có ý kiến cho rằng để đơn giản hóa thủ tục hành chính nên thống nhất gộp nội dung của hai Thông tư thành một văn bản, vừa hướng dẫn triển khai thực hiện vừa tổ chức đánh giá, giám sát…; đến nay vẫn chưa có cơ chế lồng ghép trong việc quản lý 3 chương trình MTQG giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để triển khai có hiệu quả thì cần quy định hết sức rõ ràng, cụ thể đối với nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương…
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các địa phương, đồng chí chủ trì Hội thảo đề nghị các đơn vị soạn thảo tích cực tiếp thu, sớm hoàn thiện các dự thảo Thông tư hướng dẫn một cách cụ thể, rõ ràng; đảm bảo sự liên thông, thống nhất tạo thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện tại địa phương; đồng thời cần ban hành các chính sách khen thưởng thực hiện chương trình, phát triển các hoạt động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo khí thế sôi nổi cho bà con trong thời kỳ dịch bệnh còn nhiều khó khăn. Ngoài các quy định của chương trình tăng cường sự phối kết hợp giữa các ngành nhằm hỗ trợ cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ đồng thời đưa các chủ trương, chính sách của nhà nước tới được với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.