Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Hải Lăng

Thứ hai - 25/10/2021 22:35
Để phát huy tối đa lợi thế của địa phương, những năm qua, huyện Hải Lăng đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đạt nhiều kết quả đáng kể. Qua đó, góp phần đổi mới sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thu hoạch lúa chất lượng cao ở Hải Lăng - Ảnh: N.T
Thu hoạch lúa chất lượng cao ở Hải Lăng - Ảnh: N.T
 
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025, UBND huyện Hải Lăng đã xây dựng kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới và các chính sách an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn.
 
Hằng năm, lồng ghép tổ chức hội nghị học tập, quán triệt cho trưởng, phó các cơ quan, ban, ngành đoàn thể huyện và cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở tăng cường công tác phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo của cấp trên đến toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân thông qua hội nghị, sinh hoạt chi bộ nông thôn, các cuộc họp dân, khu dân cư và trên hệ thống truyền thanh của xã, thôn. Tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Hải Lăng chung sức xây dựng nông thôn mới” để hưởng ứng phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020...
 
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04- NQ/TU, nhờ từng bước chuyển đổi phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, trong đó chú trọng các cây, con chủ lực, nền nông nghiệp huyện Hải Lăng có sự phát triển vượt bậc. Năng suất lúa bình quân giai đoạn 2017 - 2020 đạt trên 60 tạ/ ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 8,32 vạn tấn/ năm; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác đạt 88,7 triệu đồng, tăng 23,7 triệu đồng; diện tích cánh đồng lớn 1.429 ha, tăng 1.378 ha; diện tích lúa chất lượng cao 8.862,6 ha, tăng 396,6 ha, có 331,1 ha lúa được sản xuất theo hình thức liên kết. Bên cạnh đó, huyện khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng như kinh tế vùng gò đồi, vùng cát được quan tâm đầu tư và phát triển mạnh, một số mô hình sản xuất tập trung đem lại hiệu quả kinh tế khá cao như cây cam vùng gò đồi, cây ném, cây mướp đắng vùng cát…Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao đưa vào thử nghiệm như mô hình sản xuất rau thủy canh, dưa lưới, chè vằng, hồ tiêu, cam hữu cơ...
 
Trong chăn nuôi, huyện chỉ đạo đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng cơ cấu giống chất lượng cao, phương thức chăn nuôi trang trại, gia trại gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Toàn huyện đã quy hoạch 47 vùng chăn nuôi với tổng diện tích 378,2 ha, trong đó đã triển khai thực hiện được 191,67 ha, chiếm 51% diện tích. Phát triển được mô hình chăn nuôi lợn trang trại, gia trại quy mô trên 100 con; mô hình chăn nuôi lợn chuồng kín, công nghệ cao quy mô trên 1.000 lợn thịt/lứa; mô hình nuôi lợn gia công cho công ty. Huyện còn phát triển nuôi cá tập trung ở vùng cao theo hướng thâm canh tăng năng suất; tận dụng diện tích mặt nước hồ, đập, vùng gò đồi để phát triển nuôi cá sinh thái; mở rộng nuôi cá lồng tại lưu vực các sông. Tập trung cải tiến phương tiện đánh bắt hải sản, hình thành các tổ, nhóm sản xuất khai thác hải sản trên biển, nâng cao năng lực khai thác hải sản ven bờ; đa dạng hóa lưới nghề, chú trọng các nghề khai thác hải sản có giá trị kinh tế cao. Trong trồng rừng, mô hình trồng rừng gỗ lớn, rừng chứng chỉ FSC vùng gò đồi từng bước được nhân rộng. Đến nay, toàn huyện có 432 ha rừng tham gia chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tăng 245.5 ha.
 
Việc củng cố, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp được huyện chú trọng. Toàn huyện có 51 HTX, doanh thu bình quân đạt 1.850 triệu đồng/HTX, lãi bình quân đạt 152 triệu đồng/HTX. Hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của huyện được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện nay, huyện có 53 sản phẩm đặc trưng, chủ lực, trong đó có 7 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; đăng ký và xây dựng thương hiệu cho 11 sản phẩm gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, một số sản phẩm được kết nối đưa vào các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Nguồn lực cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới được huyện quan tâm huy động.
 
Từ năm 2017 - 2020, huyện huy động được khoảng 753 tỉ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới, trong đó Nhân dân đóng góp 35 tỉ đồng và trên 90.000 ngày công, hiến 32.673 m2 đất. Nhờ vậy, hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng hoàn thiện, tỉ lệ cứng hóa đạt cao, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản, mở rộng diện tích sản xuất của Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Huyện còn tích cực kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong đó có chế biến và bảo quản nông sản; quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đến nay, toàn huyện có 11/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn huyện đạt 18,27 tiêu chí/xã, tăng 5,11 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới 16 tiêu chí nông thôn mới.
 
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Hải Lăng tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế dựa trên nguyên tắc phát triển mạnh kinh tế hộ theo hướng sản xuất tập trung chuyên môn hóa theo các mô hình trang trại, gia trại chuyên canh. Đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp thông qua HTX và nhóm hộ; tổ chức các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản để thay thế cho mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp.
 
Từng bước xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân. Triển khai thực hiện tốt Đề án xây dựng huyện nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025. Tiếp tục huy động các nguồn vốn để xây dựng hạ tầng nông thôn mới, cứng hóa, bê tông hóa các tuyến đường xã, thôn, xóm, đường nội đồng, đường ra vùng cát, đường vùng gò đồi để phục vụ nhu cầu đi lại, phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới của Nhân dân. Phấn đấu đến cuối năm 2023, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay2,011
  • Tháng hiện tại41,345
  • Tổng lượt truy cập9,590,930
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây