Thực trạng nước sạch ở miền núi: Bài 2: Giải pháp nào để "cứu" các công trình nước sạch xuống cấp

Thứ tư - 06/09/2017 21:01
Nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng để các địa phương hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt đối với các xã miền núi đặc thù, nơi mà nguồn nước sạch khan hiếm, các công trình nước sạch đã được đầu tư có ý nghĩa quan trọng phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân. Trước thực trạng hàng loạt công trình nước sạch, nước tự chảy bị hư hỏng gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, cần có những biện pháp khắc phục để tránh lãng phí trong đầu tư cũng như phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Một hệ thống lọc nước sạch cho người dân xã Thuận, Hướng Hóa
Một hệ thống lọc nước sạch cho người dân xã Thuận, Hướng Hóa

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kế hoạch cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến trong giai đoạn này sẽ đầu tư xây mới 17 công trình cấp nước tập trung, nâng cấp cải tạo 18 công trình cấp nước tập trung, xây mới và cải tạo 45.000 giếng khoan và giếng đào phục vụ nhu cầu cung cấp nước sạch cho nhân dân trong tỉnh. Hiện tại toàn tỉnh có 59 công trình nước sạch được đánh giá hoạt động bền vững, 51 công trình hoạt động trung bình, 26 công trình hoạt động kém hiệu quả và 48 công trình không hoạt động.

 

Để đạt được mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới thì kinh phí đầu tư cho nước sạch là rất lớn, ước tính 50 tỷ đồng/năm, trong khi nguồn vốn Trung ương hỗ trợ khoảng 30 tỷ đồng/năm. Trên địa bàn các xã thuộc hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, các công trình nước sạch, nước tự chảy được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau như chương trình 134, 135, nguồn vốn của các dự án, tổ chức nước ngoài, chương trình giảm nghèo 30a của Chính phủ…Thực tế, các công trình nước sạch được đầu tư trong giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, việc phân cấp đầu tư và quản lý chưa được thực hiện đúng theo quy định.

 

Trong giai đoạn thực hiện đầu tư, nhất là đối với các công trình nước tự chảy ở miền núi, vùng cao, nhiều công trình khi đưa vào hoạt động bị thiếu nước, nhất là trong mùa nắng. Hầu hết các công trình không có thiết kế cọc mốc dẫn tuyến, hành lang bảo vệ công trình, nên qua thời gian sử dụng bị đất đá vùi lấp, cây cỏ che khuất, không xác định được tuyến ống vận hành và sửa chữa khi đường ống gặp hư hỏng. Các mô hình quản lý, khai thác công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh bao gồm cộng đồng quản lý, HTX quản lý, doanh nghiệp quản lý, trong đó mô hình do cộng đồng quản lý chiếm 188/197 công trình.

 

Ưu điểm của mô hình cộng đồng quản lý là việc quản lý, bảo vệ được thực thi thuận lợi, việc tuyên truyền, vận động và giải đáp thắc mắc cho người dân kịp thời…Tại một số xã miền núi Hướng Hóa và Đakrông, các công trình nước sạch được giao cho cộng đồng quản lý, tuy nhiên chỉ một số nơi thực thi hiệu quả. Như ở xã Thuận, huyện Hướng Hóa hiện đang có 6 thôn được sử dụng công trình nước tập trung. Các thôn thành lập tổ tự quản bảo vệ công trình nước sạch, thu mỗi hộ 10.000 đồng/tháng để làm kinh phí hoạt động cho Ban quản lý vận hành nước, bảo dưỡng các điểm hư hỏng đơn giản.

 

Việc thu phí bảo trì bảo dưỡng công trình được người dân rất đồng tình ủng hộ với mong muốn có nguồn nước sạch đảm bảo để dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Để xử lý tình trạng các công trình nước sạch trên địa bàn xuống cấp, hư hỏng nhiều, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, chính quyền huyện Hướng Hóa đề xuất giải pháp trước mắt là khoan giếng và cung cấp thiết bị lọc để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân. Nâng cấp sửa chữa các công trình nước tự chảy còn sử dụng được và phát huy hiệu quả quản lý các công trình nước sạch sau đầu tư. Về lâu dài huyện tính đến phương án xây dựng nhà máy nước tại xã Xy, lấy nguồn nước từ sông Sê Pôn xử lý cung cấp cho người dân sinh sống dọc 7 xã vùng Lìa.

 

Ngoài ra, huyện cũng kiến nghị các cấp quan tâm về vấn đề môi trường, tham mưu cho huyện các văn bản về sử dụng thuốc, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng, đảm bảo an toàn cho môi trường đất và nước. Ngày 11/4/2014, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc phê duyệt quy hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, trong đó ưu tiên sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung nông thôn có sẵn, ưu tiên hỗ trợ cho những vùng nghèo, người nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, thường xuyên bị hạn hán, ô nhiễm, vùng núi, ven biển.

 

Mới đây, để tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý các công trình nước sạch nông thôn, ngày 29/5/2017, UBND tỉnh có Quyết định số 1107 giao công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung cho các địa phương quản lý, sử dụng và khai thác với 59 công trình, trong đó 34 công trình bền vững, 25 công trình trung bình. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Đakrông và Hướng Hóa hướng dẫn các địa phương, đơn vị hoàn tất các thủ tục liên quan để tổ chức quản lý, vận hành, khai thác công trình đúng quy định.

 

Các huyện chỉ đạo UBND các xã trên địa bàn tiếp nhận các công trình và tổ chức quản lý, sử dụng, khai thác; đồng thời xây dựng và củng cố tổ chức quản lý đảm bảo đủ năng lực để thực hiện việc khai thác, sử dụng công trình cấp nước sạch tập trung của địa phương có hiệu quả. Về lâu dài, để việc quản lý, vận hành khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn nói chung, miền núi nói riêng có hiệu quả, thì cần tiến tới xã hội hóa trong cấp nước nông thôn. Cấp Trung ương, cấp tỉnh cần ưu tiên ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế tham gia trong lĩnh vực cấp nước nông thôn.

 

Cần ưu tiên các loại dự án cấp nước nông thôn liên xã có công suất lớn trên 500 m3 /ngày đêm, chất lượng nước đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hạn chế xây dựng các công trình cấp nước có quy mô nhỏ, lẻ… Ngoài ra, cần có cơ chế lồng ghép các nguồn vốn nhà nước, ODA, TPP, ADB, đầu tư của các tổ chức kinh tế và đóng góp từ nguồn xã hội hóa trong dân để xây dựng các công trình cấp nước tập trung có công suất lớn phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân, nhất là ở địa bàn các huyện miền núi.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập587
  • Hôm nay1,601
  • Tháng hiện tại32,150
  • Tổng lượt truy cập9,581,735
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây