Thực trạng nước sạch ở miền núi: Bài 1: Bức thiết nước sạch vùng khó

Thứ ba - 05/09/2017 20:48
Chúng tôi có mặt tại bản Giai, xã Thuận (Hướng Hóa) vào một ngày nắng nóng đầu tháng 8/2017. Ngay trung tâm bản, bể nước của Dự án VIE 98 CO2 (Dự án nước sinh hoạt do UNDCF tài trợ - đơn vị thi công là Công ty xây lắp 695 - Bộ Quốc phòng) được xây dựng đã hơn 20 năm nhưng bên trong bể không có lấy một giọt nước. Xung quanh và phía trong bể bụi đất, rêu phong bám một lớp dày. Anh Hồ Văn Duy, sống tại bản cho biết, bể nước này ngay sau khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã trơ đáy do hệ thống ống nước quá nhỏ không dẫn nước về bể được.
Nhiều công trình nước tập trung ở miền núi hiện không sử dụng được
Nhiều công trình nước tập trung ở miền núi hiện không sử dụng được

"Khát" nước và nguy cơ bệnh tật

Do đó, nhiều năm nay anh và người dân trong bản phải đi ra con suối cách nhà hơn 500 mét hoặc đi đến các bản lân cận có bể nước còn dùng được để lấy nước. Những nhà nào có điều kiện thì mua bình nước lọc được sản xuất ở thị trấn Lao Bảo về dùng nhưng họ cũng không biết chất lượng nước mua về có đảm bảo hay không. May mắn hơn bản Giai, bể nước ở bản 4 thỉnh thoảng có nước chảy nhỏ giọt nhưng cơn bão số 4 vừa qua đã làm gãy đoạn ống dẫn nước đầu nguồn từ thác Khe Xay về bản.

 

Thế là người dân bản 4 từ chỗ đôi lúc được dùng nước tự chảy nay phải thường xuyên xuống sông Sê Pôn hoặc khe suối ở gần bản 5 tắm giặt, lấy nước về ăn uống. Nguy cơ bệnh tật dễ xảy ra với người dân nơi đây vì họ sử dụng nguồn nước không đảm bảo. Ông Hồ Văn Lý ở bản 4 cho hay: “Những ngày tạnh ráo thì không sao chứ trúng vào dịp mưa gió mà chúng tôi xuống sông suối lấy nước và tắm giặt thì rất nguy hiểm vì đường trơn trượt. Bên cạnh đó, nước sông suối vào mùa mưa đục ngầu, mùa nắng cũng không được trong nên khi lấy nước về chúng tôi phải để lắng rất lâu mới dùng.

 

Ai cũng lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình khi dùng nguồn nước này. Bản thân tôi và nhiều người trong thôn vì dùng nước sông ăn uống, tắm rửa nên hay viêm đường ruột, tiêu chảy, xuất hiện ghẻ ngứa đầy người, giữa các kẽ bàn chân, bàn tay bọng nước nổi đầy rất khó chịu. Việc xuống sông tắm giặt cũng rất nguy hiểm, nhất là đối với trẻ nhỏ vì các cháu chưa biết cách tự bảo vệ phòng tránh đuối nước”. Dùng nước sông suối tắm rửa cũng ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe sinh sản của chị em miền núi.

 

Theo thống kê của Trạm Y tế xã Thuận, trong chiến dịch truyền thông cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/ KHHGĐ đợt 2/2017, toàn xã có 75 phụ nữ khám phụ khoa thì 100% người mắc bệnh và phải điều trị phụ khoa. Theo điều tra cho thấy, nguyên nhân số chị em này bị mắc bệnh đều do tắm rửa, vệ sinh cá nhân từ nguồn nước sông, suối. Ông Hồ Dỏ, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận cho biết: “Hiện xã Thuận có 701 hộ/3.333 nhân khẩu, trong đó hơn 1/2 dân số không được dùng nước sạch.

 

Các thôn bản đang sử dụng nước khe suối ở xã hoàn toàn như: Úp Ly 2, bản 1 cũ, bản 1 mới, bản 2, bản 3, bản 4, bản 7, Thuận Trung 1, 1/2 thôn Thuận Hòa. Các thôn bản còn lại có nước tự chảy về tận nơi nhưng không thường xuyên, phần lớn các bể nước đã hư hỏng nặng. Hệ thống đường ống dẫn nước về các bể vừa nhỏ vừa xuống cấp, có những đoạn ống hoen rỉ, mục nát. Nhiều năm nay, người dân ở địa phương phản ánh nhiều với UBND xã về vấn đề nước sạch. Họ cũng cam đoan rằng, hàng tháng sẵn sàng tham gia đóng tiền nước, miễn là được sử dụng hệ thống nước sạch tại thôn, bản”.

 

Vì sao khan hiếm nước sạch?

 

Ông Nguyễn Ngọc Khả, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa cho biết: Hiện nay, các xã dọc đường 9 của huyện thuận lợi hơn vì có 2 xí nghiệp nước đóng tại thị trấn Khe Sanh và Lao Bảo, cơ bản đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân vùng này, đôi khi chỉ thiếu nước vào mùa hè do hạn hán. Đối với các xã Bắc Hướng Hóa thì nguồn nước cơ bản đảm bảo vì các công trình nước sạch tập trung ít bị hư hỏng và ít bị ảnh hưởng bởi hạn hán, mưa bão. Đối với các xã vùng Lìa nước sinh hoạt thiếu trầm trọng. Phần lớn công trình nước sinh hoạt trên địa bàn hiện hư hỏng nặng. Nguyên nhân chủ yếu do biến đổi khí hậu, đặc biệt là từ năm 2014 đến nay hạn hán làm cho mực nước ở các sông, suối không đủ cung cấp nước tự chảy (xã A Xing, A Túc).

 

Bên cạnh đó, các công trình nước sinh hoạt đầu tư xây dựng đã lâu, không được nâng cấp, sửa chữa; quá trình sử dụng sau đầu tư, ý thức của người dân trong khai thác, sử dụng nước và bảo vệ công trình còn kém, nhiều bể nước bị người dân đập phá đường ống, hệ thống vòi nước… Ngoài ra, nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm do trong quá trình sản xuất người dân chăn thả gia súc ở đầu nguồn nước; súc bình đựng thuốc bảo vệ thực vật, vứt vỏ, chai lọ, bao bì còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khắp nơi, nhất là ở đầu nguồn sông suối…Chủ trương của huyện những năm gần đây cho phép các địa phương khoan giếng nước, phục vụ nhu cầu của người dân trước mắt, đặc biệt đối với các xã vùng Lìa. Hiện toàn huyện có khoảng 100 giếng khoan. Nguồn nước này khá dồi dào, tuy nhiên hàm lượng vôi trong nước tương đối cao.

 

Một thực tế khác, đi dọc tuyến các xã vùng Lìa, chúng tôi chứng kiến một số công trình nước sinh hoạt bị hư vòi tự khóa hoặc người dân cứ để mặc nước chảy tràn lan, lênh láng khắp cả một vùng rất lãng phí, trong khi đó nhiều công trình nơi khác lại không có lấy một giọt nước. Theo tổng hợp của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 184 công trình cấp nước tập trung ở 7 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ.

 

Trong đó, có 59 công trình bền vững, 51 công trình trung bình, 26 công trình kém hiệu quả và 48 công trình không hoạt động. Riêng 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông có nhiều công trình cấp nước nhất (Hướng Hóa 52 công trình và Đakrông 69 công trình). Tuy nhiên, số công trình nước hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động khá nhiều (Hướng Hóa 25 công trình và Đakrông 31 công trình). Theo đơn vị này, nguyên nhân các công trình nước tập trung hoạt động kém hiệu quả phần lớn các công trình được xây dựng từ năm 2002 trở về trước cộng với công tác khảo sát và giải pháp thiết kế chưa phù hợp.

 

Một số công trình thường bị thiếu nước vào mùa nắng hạn, chất lượng nước sau xử lý không đảm bảo (bị đục vào mùa mưa); hệ thống xử lý lắng lọc, đập dâng nước đầu nguồn (công trình nước tự chảy) thường bị bồi lấp và bị tắc sau 1 hoặc 2 mùa mưa lũ; áp lực nước không ổn định, cuối mạng đường ống thường bị thiếu nước. Công tác quản lý sau đầu tư còn nhiều thiếu sót. Một số công trình sau khi xây dựng hoàn thành, không xây dựng quy trình vận hành khai thác, không có kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân lực vận hành.

 

Bên cạnh đó, các công trình sau khi xây dựng hoàn thành không có cán bộ chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhận, công tác duy tu, bảo dưỡng chưa được chính quyền địa phương quan tâm thực hiện. Công tác thông tin giáo dục truyền thông chưa được chú trọng. Một số công trình triển khai đầu tư thiếu sự tham gia của cộng đồng dẫn đến công trình khi đưa vào vận hành khai thác người dân không sử dụng nước hoặc số người sử dụng hạn chế.

 

Công trình không phát huy hiệu quả đầu tư, không thu được tiền từ sử dụng nước (các xã miền núi) hoặc thu không đủ chi phí nhân công, mua hóa chất nên công tác duy tu, bảo dưỡng không có kinh phí thực hiện làm cho công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng. Bão lũ làm hư hỏng, bị nước cuốn trôi các hạng mục hoặc đường ống dẫn nước nhưng cán bộ quản lý, UBND xã không báo cáo kịp thời để bố trí vốn sửa chữa dẫn đến hư hỏng lớn nên công trình ngừng hoạt động. Phần nữa, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nạn chặt phá rừng trồng cây công nghiệp, làm nương rẫy của địa phương cũng là nguyên nhân làm cạn kiệt nguồn nước, dẫn đến công trình bị hư hỏng hoặc không hoạt động.
                                                                                                                                                                                                                              Còn nữa

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập525
  • Hôm nay1,942
  • Tháng hiện tại32,491
  • Tổng lượt truy cập9,582,076
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây