Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu - 07/09/2018 04:50
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo sự thay đổi một cách căn bản đời sống kinh tế - xã hội khu vực nông thôn theo hướng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Để thực hiện thành công mục tiêu trên phụ thuộc rất lớn vào năng lực điều hành và quản lý của chính quyền cơ sở và trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã. Vì vậy, để đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC là hết sức quan trọng, cần thiết; là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã và tạo nguồn CBCC cấp xã, trong những năm qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chương trình, nghị quyết về nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, nhất là xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, căn cứ các quy định của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương, những năm qua, Sở Nội vụ đã tham mưu HĐND và UBND tỉnh ban hành các văn bản quy định về số lượng, chế độ chính sách đối với đội ngũ CBCC cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách của cấp xã; phân cấp và quy định cụ thể về công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng CBCC cấp xã; làm cơ sở để các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện việc xây dựng, củng cố chính quyền cơ sở và kiện toàn, chuẩn hóa đội ngũ CBCC ở cơ sở, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

 

Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo trên, những năm qua đội ngũ CBCC cấp xã trên địa bàn Quảng Trị từng bước phát triển cả số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thời kỳ mới, nhất là quá trình xây dựng nông thôn mới. Đa số CBCC cấp xã có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới; có lối sống giản dị, trong sáng, gần gũi với nhân dân, tâm huyết với công việc; luôn tiên phong, gương mẫu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong việc hiến kế, hiến đất, góp công, góp của trong xây dựng nông thôn mới, góp phần giúp hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở có chuyển biến tích cực và hiệu quả hơn, nhất là các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đến nay cơ bản đội ngũ CBCC cấp xã có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và năng lực để thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu quả các mặt công tác, khơi dậy được nguồn lực của nhân dân, nâng cao dân trí, phát huy dân chủ ở cơ sở, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

 

Có thể khẳng định, với trình độ, năng lực, sự tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm của đội ngũ CBCC cấp xã, nhiều vấn đề vướng mắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã được giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời, hợp lý, hợp tình, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của Nhà nước.

 

Tuy nhiên, trước tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, một bộ phận CBCC cấp xã có biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức, thái độ quan liêu, hách dịch, chưa thực hiện tốt công tác dân chủ cơ sở; có dấu hiệu, tư tưởng cơ hội, ý thức kỷ luật kém gây mất đoàn kết nội bộ; tinh thần tự phê bình và phê bình còn thấp, gây tổn hại đến uy tín và làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Mặt khác, tỉ lệ CBCC chưa đạt chuẩn còn cao. Để đảm bảo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, phấn đấu trong năm 2018 toàn tỉnh có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần đổi mới công tác quản lý, đào tạo đội ngũ CBCC cấp xã phù hợp với quá trình phát triển kinh tế -xã hội và tiến trình cải cách thủ tục hành chính. Tiến hành tổng điều tra, đánh giá CBCC cấp xã. Trên cơ sở đó có thể đưa ra khỏi bộ máy những CBCC kém năng lực, phẩm chất, không đủ tiêu chuẩn.

 

Hoàn thiện công tác thu hút, quy hoạch, sử dụng CBCC và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đẩy mạnh việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học chính quy có chuyên môn phù hợp về công tác tại các xã, phường, thị trấn. Tổ chức thi tuyển công chức đảm bảo khách quan, công bằng và mang tính cạnh tranh cao. Chỉ đưa vào quy hoạch hoặc giới thiệu để bầu vào chức danh cán bộ những người có đủ tiêu chuẩn theo quy định, có điều kiện và khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao; tăng cường bố trí sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ được đào tạo cơ bản, đã qua thử thách trong thực tiễn, có triển vọng phát triển; thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ. Đồng thời, không bố trí những cán bộ không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ, xử lý nghiêm khắc đối với những người không chấp hành chủ trương điều động, luân chuyển của cấp có thẩm quyền. Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC cấp xã trong từng năm và cả nhiệm kỳ; gắn bồi dưỡng về chính trị - chuyên môn với giáo dục phẩm chất, ý thức tinh thần trách nhiệm của CBCC; tăng cường đào tạo theo vị trí việc làm. 

 

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ CBCC cấp xã. Chế độ, chính sách đối với CBCC cấp xã trong những năm qua đã từng bước được hoàn thiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX của Đảng: “Cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn có chế độ làm việc và được hưởng chính sách về cơ bản như CBCC nhà nước”. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ đối với CBCC cấp xã ở nước ta còn thấp, việc trả lương chưa thực sự gắn với vị trí việc làm và hiệu quả công việc. Trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện chính sách tiền lương để CBCC cấp xã yên tâm và tâm huyết trong công tác. Đặc biệt, cần xây dựng một số chế độ, chính sách cụ thể đối với những CBCC cấp xã thôi công tác trước tuổi về hưu do chưa đạt chuẩn và năng lực, trình độ hạn chế, tuổi đời cao; chế độ hỗ trợ cho cán bộ luân chuyển; chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao về công tác tại các xã, phường, thị trấn.

 

Hoàn thiện công tác kiểm tra, đánh giá, khen thưởng và kỷ luật. Qua đó, động viên khen thưởng những nhân tố tích cực, xử lý kịp thời những sai phạm, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền. Việc đánh giá CBCC phải đảm bảo nội dung, quy trình theo quy định, công khai, dân chủ với tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch. Gắn đánh giá với công tác tự phê bình, phê bình và thực hiện nghiêm túc việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh chủ chốt; tạo điều kiện để nhân dân tích cực tham gia giám sát, đánh giá và góp ý cho đội ngũ CBCC. Kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm, nhiều khuyết điểm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời đối với những CBCC hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, đạo đức của đội ngũ CBCC cấp xã thực sự là công bộc của nhân dân. Đối với những việc khó khăn, phức tạp liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân, nhất là những vấn đề khó trong xây dựng nông thôn mới đòi hỏi đội ngũ CBCC cấp xã, nhất là cán bộ chủ chốt phải có tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng, hết sức phục vụ, tận tâm, tận lực đối với nhân dân.

 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã có đủ uy tín, phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập586
  • Hôm nay1,606
  • Tháng hiện tại32,155
  • Tổng lượt truy cập9,581,740
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây