Phấn đấu có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025

Thứ hai - 08/11/2021 20:34
Ngày 4/11/2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh quán triệt nhất quán xuyên suốt quan điểm “Nông thôn mới là nền tảng, tái cơ cấu nông nghiệp là căn bản, Nhân dân là chủ thể”. Đồng thời, xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, thường xuyên, liên tục, không có điểm kết thúc; nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Huy động sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, người dân vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Diện mạo nông thôn xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh có nhiều khởi sắc sau khi Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai - Ảnh: T.L
Diện mạo nông thôn xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh có nhiều khởi sắc sau khi Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai - Ảnh: T.L
  
Cùng với đó, tỉnh cũng xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả; không chạy theo phong trào, thành tích; không để xảy ra tình trạng nợ tiêu chí, nợ công trình trong việc thẩm tra, thẩm định, xét công nhận địa phương đạt chuẩn. Thực hiện chuyển đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” nhằm nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; giải quyết các vấn đề cấp thiết ở nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng NTM và xây dựng chính quyền điện tử. Xây dựng NTM gắn với phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và đảm bảo an ninh nông thôn.
 
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đó là diện mạo khu vực nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang hơn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư đồng bộ; nhận thức về xây dựng NTM, về bảo vệ môi trường được nâng cao; cách thức tổ chức sản xuất của người dân được thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên... Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có 57/101 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm tỉ lệ 56,4%) và 1 huyện đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, kết quả xây dựng xã đạt chuẩn NTM chưa đồng đều giữa các vùng, miền; chất lượng đạt chuẩn một số tiêu chí thiếu tính bền vững; quy hoạch, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch có nơi triển khai chậm. Nguồn lực đầu tư còn dàn trải và hạn chế; vấn đề nước sạch, nước hợp vệ sinh và xử lý rác thải ở khu vực nông thôn còn bất cập.
 
Trên cơ sở đó, mục tiêu mà nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra trong thời gian tới là thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tập trung phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, bản... Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại; thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; xây dựng nông thôn trở thành nơi đáng sống của Nhân dân.
 
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh có thêm 4 huyện đạt chuẩn NTM và 1 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 9 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; 25% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí; có ít nhất 40% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Phấn đấu đến năm 2030 có thêm 1 huyện đạt chuẩn NTM, 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, duy trì bền vững huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 85% số xã đạt chuẩn NTM.
 
Để đạt các mục tiêu đề ra, nhiều giải pháp sẽ được tỉnh triển khai trong thời gian tới, trong đó tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, vai trò Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng NTM. Thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động về xây dựng NTM nhằm khơi dậy, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường của người dân. Thường xuyên kiểm tra, giám sát; tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho xây dựng NTM. Đẩy mạnh công tác quy hoạch; xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và xác định nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu về xây dựng NTM. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM…
 
Xây dựng thí điểm một số mô hình làng, xã thông minh ứng dụng chuyển đổi số để đề xuất cơ chế chính sách phát triển làng, xã thông minh phục vụ chương trình NTM; các đề án về du lịch, môi trường, vườn mẫu, chương trình OCOP, an ninh... trong NTM nhằm thúc đẩy hiệu quả chương trình. Đối với các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực thực hiện xây dựng thôn, bản đạt chuẩn NTM theo phương châm: “Có nhiều thôn, bản đạt chuẩn sẽ có xã đạt chuẩn”.
 
Cùng với đó, để thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tỉnh sẽ triển khai lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025; bố trí hợp lý nguồn ngân sách địa phương, các nguồn xã hội hóa, các nguồn tài trợ cho đầu tư cho xây dựng NTM theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, trong đó ưu tiên nguồn lực cho các xã chỉ đạo điểm của tỉnh, của huyện, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM, đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn, kịp thời điều chuyển đối với các đơn vị có tỉ lệ giải ngân thấp, đồng thời giảm trừ vào nguồn vốn được bố trí năm sau, xem đây là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá phong trào thi đua ở các địa phương, đơn vị và nhận xét đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng...
 
Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội... Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn... Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn. Giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự xã hội nông thôn. Kiện toàn và nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp tỉnh, cấp huyện...
 
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát định kỳ và đột xuất việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Thực hiện nghiêm túc việc thẩm tra, thẩm định, xét, công nhận và thu hồi chứng nhận thôn, xã đạt chuẩn NTM, bảo đảm thực chất, khách quan. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và tháo gỡ những khó khăn cho các địa phương trong xây dựng NTM.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay2,150
  • Tháng hiện tại41,484
  • Tổng lượt truy cập9,591,069
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây