Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới

Thứ ba - 21/12/2021 04:08
Cùng với quá trình xây dựng nền công nghiệp hiện đại, việc xây dựng nông thôn mới (NTM) trên quy mô toàn quốc đã có những thành công lớn. Đất nước hơn 97 triệu dân, gồm 54 dân tộc, trên 60% sống ở nông thôn, cho đến nay đã có trên 60% xã đạt tiêu chuẩn NTM: Hầu hết các xã đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và bưu điện (điện, đường, trường, trạm). Nhờ thế, nước ta được xếp loại đi đầu trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, thuộc nhóm nước có chỉ số phát triển con người (HDI) cao của thế giới (số liệu dẫn từ bài Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).
Những ngôi nhà rường cổ ở làng Hội Kỳ (Hải Lăng, Quảng Trị) là nơi còn lưu giữ nhiều nét đặc trưng của làng quê Việt - Ảnh: H.N
Những ngôi nhà rường cổ ở làng Hội Kỳ (Hải Lăng, Quảng Trị) là nơi còn lưu giữ nhiều nét đặc trưng của làng quê Việt - Ảnh: H.N
 

Cùng với quá trình xây dựng nền công nghiệp hiện đại, việc xây dựng nông thôn mới (NTM) trên quy mô toàn quốc đã có những thành công lớn. Đất nước hơn 97 triệu dân, gồm 54 dân tộc, trên 60% sống ở nông thôn, cho đến nay đã có trên 60% xã đạt tiêu chuẩn NTM: Hầu hết các xã đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và bưu điện (điện, đường, trường, trạm). Nhờ thế, nước ta được xếp loại đi đầu trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, thuộc nhóm nước có chỉ số phát triển con người (HDI) cao của thế giới (số liệu dẫn từ bài Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).

Chủ trương xây dựng NTM là rất hợp lòng dân, là đáp ứng nguyện vọng của nhiều thế hệ. Trong một dịp trò chuyện với nhà văn Nguyễn Đình Thi sau ngày đất nước thống nhất, nhà văn Trang Thế Hy, một cây cổ thụ của vườn văn Nam Bộ từng thổ lộ: “Phải thay đổi cách nhìn về người nông dân Việt Nam, không thể hồn nhiên coi họ là người bạn mà phải xác định cho đúng, họ là người ơn của cách mạng, vì điều đó có nguồn đạo lý sâu xa hơn tình bạn. Phải khẳng định như thế để khỏi trở thành những kẻ bội bạc, vong ân, miệng nhai cơm mà lòng hờ hững với những người làm ra hạt gạo. Văn học ta vẫn còn nợ họ nhiều lắm” (Nhân dân hàng tháng tháng 10/2012). Thuộc lớp nhà văn trực tiếp tham gia đánh Mỹ, nhà văn Văn Lê cũng từng nghĩ: “Có một thực tế đau buồn là trong mười người hy sinh thì có tới chín người là con em nông dân. Nhưng sau gần 40 năm chiến tranh đi qua, nông dân vẫn là người khổ nhất. Gia đình nào có chồng con hy sinh đã khổ, có nhiều người hy sinh cho đất nước, lại càng khổ hơn. Đó là một nghịch lý, lẽ ra không nên tồn tại, không được tồn tại, nhưng nó vẫn đang tồn tại. Đó cũng là nỗi đau không chỉ với những người lính đã sống sót sau chiến tranh, mà còn là nỗi đau của tất cả những ai có lòng tự trọng” (Nhân dân hàng tháng tháng 4/2013). 

Điều đó cắt nghĩa tại sao trong những ngày dịch Covid đợt thứ tư, nhiều hoạt động bình thường bị ngừng trệ, hàng vạn người từ các đô thị bằng mọi phương tiện, tìm đường về lại quê hương. Vốn là một nước nông nghiệp, cho đến cuối thế kỷ XX, nông thôn, cả miền xuôi và miền núi, là nơi sinh sản, nuôi dưỡng, môi trường rèn giũa nên tính cách, phẩm chất và tinh thần con người Việt Nam. Nông thôn cũng là cái nôi sản sinh, nuôi dưỡng, bảo vệ và bảo tồn nền văn hóa dân tộc. Điều lạ là trải qua cả ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm bị xâm lược, dù không được bảo quản bằng luật pháp hay văn bản, những nét riêng đó vẫn hiển nhiên tồn tại và tự lưu truyền. Cho đến nay, bản đồ sự khác biệt về văn hóa trên nhiều phương diện của vùng, miền, dân tộc, thậm chí làng, xã, thôn trên thôn dưới ở nước ta là vô cùng đa sắc. Một người chỉ cần cất lên tiếng nói, í ơi một giọng hát là đủ tự giới thiệu quê gốc của mình. Chính sự khác biệt này làm nên bản sắc từng vùng miền, từng dân tộc, và cả từng con người. 

Nhìn từ mặt đời sống vật chất, NTM đã mang đến những đổi thay đáng mừng. Chỉ 20 năm đầu thế kỷ XXI, đất nước ta đã có những đổi thay về nhiều mặt, với một tốc độ chưa bao giờ có trong lịch sử. Nhưng quá trình phát triển với tốc độ nhanh đã và đang phát sinh nhiều vấn đề về xã hội và văn hóa cần được báo động.

Khu vực đô thị, đặc biệt ở các thành phố lớn, nơi sự thay đổi diễn ra từng ngày, bên cạnh những mặt thành công đáng tự hào, vẫn ngổn ngang nhiều bất cập và lộn xộn, không dễ khắc phục. Một phần bởi những thiếu khuyết có tính chất lịch sử. Nhiều thành phố chất chồng những nhà cao tầng, lấy bê tông và cửa kính tạo những không gian sống mất hẳn phong cách kiến trúc riêng, thiếu sự thân thiện, mất hết mọi mối liên hệ giữa người với người. Không khí ô nhiễm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, nguồn nước và thực phẩm không sạch… Nguyễn Việt Hà, một nhà văn gốc Hà Nội, trong tiểu thuyết Ba ngôi của người có viết: “Hà Nội bây giờ thì buồn quá, nó không quá nghèo nàn, nhưng vô đạo và ít học”. 

Nông thôn cũng không ngoại lệ, chỉ cần một dự án khu công nghiệp, một công trình thủy điện, khu sinh thái, đường dây 500kV, đường cao tốc, khu chung cư, gần đây là điện gió,… là nhiều làng xưa, xóm cũ bị di dời, không chỉ nhà cửa, mà các di tích, mồ mả tổ tiên cũng phải chuyển dịch. Nhiều nơi là do thiên tai, bão lụt, chuyển đổi phương thức kiếm sống, những gia đình còn lại thường được hỗ trợ về chỗ ở mới với những ngôi nhà tạm bợ đồng loạt mái tôn. Bao nhiêu sự đa dạng của hệ sinh thái, của đặc sắc nơi cư trú, kiến trúc nhà cửa, quy hoạch dân cư gần như bị xóa sạch bởi những dự án định cư được các địa phương giao khoán cho những hợp tác xã xây dựng có trình độ rất… địa phương!

Trong vở kịch Vòng tròn trống rỗng, nhà văn Nguyễn Khải khi về quê đã có nhận xét: “Một vùng quê đã nhiều thời oanh liệt, mà nay không còn một di tích gì, cứ như vùng kinh tế mới… Phong hóa đã suy đồi thì làm việc lớn thế nào được. Càng đầy đủ, sống càng tệ”. Đầu thế kỷ trước, nhà văn Geoge Orwell cũng từng cảnh báo: “Cách hữu hiệu nhất để hủy diệt một dân tộc, một cộng đồng là phủ nhận và phá hủy sự thấu hiểu của họ về lịch sử của chính họ”. Chẳng phải dấu tích nào của quá khứ cũng quý và nên gìn giữ, nhưng sẽ vô cùng nguy hiểm nếu chúng ta xây dựng hiện tại từ một mặt bằng trống trơn. Không kể những quốc gia có diện tích rộng lớn như Nga, Mỹ, Canada… dù có thừa khả năng về kinh tế và kỹ thuật, người ta vẫn để lại rất nhiều vùng đất hoang. Có nơi là những bảo tàng sinh thái tự nhiên, bất khả xâm phạm. Nhiều vùng là những xứ sở hoang sơ, như là để dành cho sự phát triển của các thế hệ tương lai. Nước ta, diện tích không rộng. Dù liên tục chiến tranh và thiên tai, dịch bệnh, trong thế kỷ XX, dân số đã tăng gấp gần 5 lần. Hiện nay, thuộc trong những nước có mật độ dân số cao hàng đầu. Sang thế kỷ mới, những vùng gọi là bảo tồn thiên nhiên không còn nhiều. Nhiều vùng trong đó đã bị rút lõi vì khai thác hợp pháp và bất hợp pháp. 

Từ bao đời nay, nông thôn với những khác biệt tự nhiên và sinh hoạt đã tạo ra một đất nước Việt Nam có một nền văn hóa, với nhiều loại hình và tác phẩm văn học nghệ thuật khác nhau. Mỗi vùng quê, dân tộc đều có thể tự hào về những gì tiền nhân đã sáng tạo. Cũng trong bài trả lời trên báo Nhân dân hàng tháng số tháng 4/2013, nhà văn Văn Lê có viết: “Với mấy ngàn năm sáng tạo để tồn tại, các thế hệ tiền phong đã để lại cho chúng ta không biết bao nhiêu những giá trị văn hóa tinh thần. Một trong những nét đặc sắc của các giá trị ấy là văn hóa tâm linh. Và các làn điệu dân ca chính là con thuyền chuyên chở cái tinh và cái thần của văn hóa tâm linh ấy. Việc các Xá điệu, Văn điệu, Tử thần điệu, Xẩm điệu, hoặc Lý điệu còn tồn tại đến ngày nay chứng tỏ sức sống bất diệt của nó. Nó chính là bùa, ngải làm ngẩn ngơ cả người và thần, là cầu nối giữa người và thần. Đưa được cái tinh, cái thần của văn hóa tâm linh vào nghệ thuật là cần thiết, thậm chí rất cần thiết. Nó không chỉ là cái riêng, là hồn cốt của tổ tiên mà còn là hồn vía của nghệ thuật”.

Sẽ là một “tội lỗi” không thể nào khắc phục, nếu trong xây dựng NTM hiện nay, chỉ chú ý đến những chỉ tiêu vật chất, đồng phục hóa, đồng loạt hóa, với cùng một mô hình cấu trúc, nghiêng về xu hướng đô thị hóa, mà không bảo tồn được sự khác biệt của từng sắc tộc, từng vùng miền như đã từng tồn tại trong quá khứ. Tất nhiên, đây là một việc hoàn toàn mới, và phải khác với quá khứ, khi nông thôn và nông nghiệp đang hiện đại hóa. Còn nhớ, sau kháng chiến chống Pháp, bộ phim Cây tre Việt Nam với lời thuyết minh của nhà báo Thép Mới, đã tìm thấy ở cây tre một biểu tượng cho nông thôn và tính cách con người Việt Nam. Đến kháng chiến chống Mỹ, những bài thơ hay của Thu Bồn, Nguyễn Duy, và nhiều nhà thơ khác vẫn là dùng biểu tượng cây tre. Nhưng ngày nay, về nhiều vùng quê, tìm bóng dáng cây tre, không còn dễ. Nói chi đến cây đa, giếng nước, sân đình… Việc chuyên canh, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, nghề nghiệp, rồi cánh đồng lớn, sản xuất lớn đòi hỏi một cách tổ chức dân cư ở NTM phải thay đổi theo. Các thành tựu khoa học kỹ thuật sẽ tạo cho người dân có một cách sống, nếp sống khác với hiện nay. Trong hoàn cảnh sống mới ấy, việc bảo lưu, gìn giữ và sáng tạo văn hóa mới với từng sắc tộc, từng vùng miền như thế nào là một câu hỏi, không thể có chỉ một đáp số chung mà giải quyết được. Nếu chủ trương lớn về xây dựng NTM là từ trên xuống thì việc xây dựng mô hình cụ thể ở từng cơ sở nên phát huy sáng tạo và trách nhiệm của chính người dân địa bàn, tất nhiên đầu tàu vẫn phải là cán bộ cơ sở. Tránh mọi sự rập khuôn, vay mượn mô hình nơi khác. Sự đa dạng, đa sắc, phù hợp với thói quen, tập tính, sự đa dạng sinh học và địa thế, mới làm nên sự giàu có và khác biệt của hình ảnh NTM. Ngoài nhu cầu nâng cao mức sống vật chất, những sự phong phú của các hoạt động tinh thần mới đem lại cảm giác hạnh phúc. Chính chỉ số hạnh phúc, phù hợp với điều kiện vật chất mỗi thời kỳ mới là điều cần được những người có trách nhiệm chính trong tổ chức xây dựng NTM chú ý.

Để chương trình xây dựng NTM tiếp tục phát triển, chúng tôi nghĩ, trước mắt cần huy động trí tuệ, tâm huyết, hiểu biết của nhiều thành phần trong xã hội nhằm xây dựng những mô hình khác biệt tùy sắc tộc, vùng miền, thổ nhưỡng, vùng sinh thái,… trên những nguyên tắc, nhưng vẫn tiếp tục gìn giữ, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống, xây dựng và sáng tạo những giá trị văn hóa mới, phù hợp với môi trường sinh sống mới.

Nguồn tin: Ngô Thảo, Tạp chí Cửa Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay2,286
  • Tháng hiện tại42,153
  • Tổng lượt truy cập9,591,738
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây